✴️ Phình động mạch chủ và phương pháp điều trị

Nội dung

Nếu bạn có cảm giác mạch đập trong bụng giống với nhịp đập của tim, vùng bụng hoặc dưới lưng đau đột ngột thì có thể bạn đã mắc bệnh phình động mạch chủ. Đây là bệnh xảy ra trong một phần của động mạch chủ, ở cao hơn trong ngực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.

 

Các triệu chứng của bệnh phình động mạch chủ

Khu vực động mạch có trương lực yếu và phồng lên được gọi là phình động mạch chủ. Động mạch chủ chính là mạch máu lớn cung cấp máu đi nuôi cơ thể, khi bị vỡ phình động mạch chủ sẽ gây chảy máu, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy việc phát hiện sớm các triệu chứng gây bệnh sẽ giúp điều trị có hiệu quả hơn:

– Khi bị chứng phình động mạch chủ bụng bạn sẽ có cảm giác mạch đập gần rốn, mạch đập trong bụng giống với nhịp đập của tim.

– Đau nhiều, cơn đau xuất hiện đột ngột ở dưới lưng hoặc trong vùng bụng, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo túi phình sắp vỡ.

– Trong một số trường hợp bạn còn có cảm giác đau nhức, tím tái ở ngón chân hoặc bàn chân. Nguyên nhân là do những mãnh vỡ từ túi phình khiến mạch máu nhỏ ở bàn chân và các ngón chân bị tắc.

– Nếu túi phình bị vỡ sẽ khiến bạn thấy mệt lả, đau, chóng mặt, thậm chí mất ý thức.

 

Nguyên nhân gây bệnh phình động mạch chủ

Phình động mạch chủ bụng

Khoảng 75 % cả các chứng phình động mạch đều diễn ra ở phần của động mạch chủ trong bụng. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác của chứng bệnh này nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh: Thuốc lá, những người bị bệnh tăng huyết áp, bị nhiễm trùng trong động mạch chủ (vasculitis), hay do nhiễm trùng hoặc viêm mạch khiến thành động mạch chủ suy yếu.

Phình động mạch chủ ngực

Khoảng 25 % chứng phình động mạch chủ diễn ra bên trong lồng ngực. Các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cũng giống như ở phình động mạch chủ bụng, ngoài ra còn do: Hội chứng Marfan (một bệnh di truyền gây nguy cơ phình động mạch chủ ngực), chấn thương, chấn thương động mạch chủ…

Yếu tố nguy cơ

Yếu tố nguy cơ gây chứng phình động mạch chủ bao gồm: Tuổi (thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi), người hút thuốc lá, mắc bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh phình động mạch chủ…

 

Cách điều trị phình động mạch chủ

Mục tiêu điều trị là nhằm ngăn ngừa chứng phình động mạch chủ không bị mở rộng ra hơn nữa. Tuy nhiên tùy thuộc vào kích thước của phình động mạch chủ cũng như mức độ phát triển của bệnh mà có các phương pháp điều trị khác nhau:

Phương pháp điều trị phình động mạch chủ bụng

Điều trị phình động mạch nhỏ: Khi phát hiện thấy có động mạch chủ bụng phình nhỏ (khoảng 4 cm đường kính hoặc nhỏ hơn) và không có các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức kèm theo… bác sĩ có thể chưa chỉ định phẫu thuật mà gợi ý tiếp tục theo dõi. Khi đó bác sĩ sẽ lên lịch để người bệnh đến kiểm tra, thường là siêu âm định kỳ 6 tháng/ lần đồng thời hướng dẫn người bệnh cách theo dõi các triệu chứng tại nhà, nếu cảm thấy đau lưng hoặc đau bụng rất có thể là dấu hiệu của một bóc tách hoặc vỡ.

Điều trị phình động mạch vừa: Khi động mạch chủ bụng phình khoảng 4 cm đến dưới 5,5 cm, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ cùng thảo luận, tư vấn cho bệnh nhân về những lợi ích, rủi ro của việc chờ đợi theo dõi so với phẫu thuật để đưa ra quyết định cuối cùng.

Điều trị phình động mạch lớn (hoặc đang phát triển nhanh chóng): Nếu động mạch chủ bụng phình khoảng 5,5 cm hoặc đang trong tình trạng phát triển nhanh chóng, hơn 0,5 cm trên sáu tháng, kèm theo các triệu chứng rò rỉ hoặc đau đớn thì bệnh nhân cần phải phẫu thuật ngay. Có thể là cắt bỏ phần hư hỏng của động mạch chủ đồng thời dùng ống tổng hợp (ghép) để thay thế vào vị trí cũ. Cũng có thể dùng phương pháp nội soi mạch (endovascular) để sửa chữa chứng phình động mạch, đây là phương pháp ít xâm lấn hơn.

Phình động mạch chủ ngực và bụng

 

Phương pháp điều trị phình động mạch chủ ngực

Nếu có phình động mạch chủ ngực, phẫu thuật là phương pháp tối ưu được các bác sĩ khuyến cáo nhất là khi động mạch chủ bụng phình khoảng 5,5 cm hoặc lớn hơn. Trong trường hợp mắc hội chứng Marfan bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cho chứng phình động mạch nhỏ hơn. Đối với bệnh nhân có hội chứng Marfan, thuốc chẹn beta sẽ làm chậm, ngăn chặn sự phát triển của chứng phình động mạch động mạch chủ ngực.

 

Cách phòng ngừa bệnh phình động mạch chủ

Thực tế hiện vẫn chưa có thuốc ngăn chặn bệnh phình động mạch chủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, một số thuốc kháng sinh và thuốc statin có thể ngăn chặn sự tăng trưởng của phình động mạch chủ nhỏ. Ngoài ra các thuốc chặn thụ thể angiotensin – losartan cũng có tác dụng hạn chế sự hình thành hiện tượng phình động mạch.

Cách tốt nhất để ngăn chặn chứng phình động mạch chủ là giữ cho các mạch máu khỏe mạnh với các bước sau:

– Kiểm soát tình trạng huyết áp ở mức ổn định.

– Không hút thuốc lá.

– Thường xuyên tập thể dục.

– Giảm cholesterol, chất béo trong chế độ ăn uống.

– Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top