✴️ Phình động mạch - Những điều bạn cần biết

Phình mạch được định nghĩa là sự phình ra của cấu trúc mạch máu, lớn hơn 1.5 lần so với kích thước bình thường. Động mạch chủ là động mạch lớn nhất của cơ thể đóng vai trò vận chuyển máu chứa oxy từ tim và có xu hướng phát triển thành phình mạch.

Khi phình mạch ở quai lên động mạch chủ ngực (phần động mạch gần với tim bắt đầu ở tâm thất trái) thì được gọi là phình mạch quai lên động mạch chủ ngực.

Thông tin nhanh về phình mạch quai lên động mạch chủ ngực:

  • Phình mạch quai lên động mạch chủ ngực là một loại của phình mạch động mạch chủ ngực (động mạch nằm ở lồng ngực phía trên cơ hoành)
  • Phình mạch quai lên động mạch chủ ngực là loại thường xảy ra xếp thứ 2 trong các loại phình mạch động mạch chủ. Thường được chẩn đoán ở người già ở độ tuổi 50-60 .
  • Nếu không điều trị, phình mạch sẽ phát triển ngày càng lớn và có thể vỡ, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong.
  • Điều trị phình mạch quai lên động mạch chủ tùy thuộc vào kích thước và mức độ phát triển.

Triệu chứng

Phình mạch quai lên động mạch chủ ngực không phải lúc nào cũng có triệu chứng, đặc biệt là ở giai đoạn sớm khi kích thước còn nhỏ.

Khi phình mạch phát triển, nó có thể gây nhiều triệu chứng như:

  • Đau tức ngực.
  • Đau lưng.
  • Khàn tiếng.
  • Khó thở.
  • Ho.

Đôi khi phình mạch mức độ nặng vẫn không xảy ra triệu chứng đối với nhiều người. Một số trường hợp cần cấp cứu ngay lập tức như:

  • Nghẹt thở, khó thở.
  • Nuốt khó.
  • Chóng mặt, mất ý thức
  • Hạ huyết áp.
  • Nhịp tim nhanh một cách đột ngột.
  • Đau ngực dữ dội hoặc liệt một bên cơ thể.

​     

Hình ảnh mô phỏng phình động mạch chủ ngực.

Nguyên nhân

Bất cứ nguyên nhân nào tác động làm yếu thành mạch máu đều có thể gây ra phình mạch. Vài yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến phình mạch quai lên động mạch chủ và một số thể phình mạch khác:

  • Xơ vữa mạch máu: Mảng xơ vữa sẽ bám ở thành mạch máu, là nguyên nhân khiến thành mạch trở nên cứng hơn, do đó làm tăng nguy cơ khiến thành mạch yếu dẫn đến phình mạch. Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu như cao mỡ máu, cao huyết áp.
  • Một số vấn đề y khoa và nhiễm trùng: Rối loạn về di truyền và tình trạng viêm được cho là góp phần vào sự phát triển phình mạch ở lồng ngực. Một số loại rối loạn về di truyền:
  • Hội chứng Marfan: rối loạn gây tác động lên mô liên kết là nguyên nhân gây yếu thành mạch máu động mạch chủ.
  • Ehlers-Danlos: một nhóm các rối loạn hiếm gặp cũng gây ảnh hưởng lên mô liên kết và mô nâng đỡ cấu trúc mạch máu cũng như ở xương, da và một số cơ quan, mô cơ thể.
  • Loeys-Dietz: rối loạn tương tự hội chứng Marfan nhưng không chỉ ảnh hưởng đến mô liên kết mà còn dẫn đến dãn động mạch chủ.
  • Tình trạng viêm mạch có thể làm tăng nguy cơ phình mạch động mạch chủ ngực như: Bệnh viêm động mạch, bệnh Takayasu..
  • Nhiễm trùng không được điều trị, như là salmonella, là một trong những nguyên nhân hiếm gây phình mạch động mạch chủ, hay còn được gọi là nhiễm trùng nội mạc phình mạch.
  • Vấn đề về van động mạch chủ: Người có bất thường van động mạch chủ có thể gặp chứng phình mạch động mạch chủ ngực. Ví dụ như: bẩm sinh có 2 lá van động mạch chủ (thay vì là 3 lá van) có thể gây tăng áp lực thành mạch máu.

Một số loại phình mạch:

Phình mạch động mạch chủ ngực

Phình mạch phát triển trong lồng ngực, trên cơ hoành được phân vào nhóm phình mạch động mạch chủ ngực và có thể ở quai lên hoặc quai xuống động mạch chủ ngực. Phình mạch quai xuống động mạch chủ ngực xảy ra ở phần lưng của khoang ngực.

Phình mạch động mạch chủ bụng.

Là phình mạch phát triển ở phần thấp của động mạch chủ. Thường xuất hiện hơn so với phình mạch ở động mạch chủ ngực, chiếm khoảng hơn 75% tỉ lệ phình động mạch chủ.

Một số loại phình mạch khác.

  • Phình mạch ngực bụng là thể ở giữa phần trên và phần thấp của động mạch chủ.
  • Phình mạch máu não phát triển ở động mạch não.
  • Phình mạch ngoại biên xảy ra ở mạch máu lớn chi.

Yếu tố nguy cơ:

Một số yếu tố nguy cơ gây tăng sự phát triển phình mạch quai lên động mạch chủ ngực:

  • Tuổi: xơ vữa mạch máu và phình mạch tăng dần theo tuổi.
  • Giới tính: nam mắc phải gấp 2-4 lần so với nữ với phình mạch quai lên động mạch chủ.
  • Tiền sử gia đình: một số case phình mạch động mạch chủ có liên đới với tiền căn gia đình.
  • Một số vấn đề sức khỏe: cao huyết áp, cao mỡ máu, hút thuốc…

Biến chứng

Vỡ phình mạch gây chảy máu trong lòng ngực và dẫn đến tử vong. Phình mạch càng lớn, nguy cơ càng cao.

Phình mạch lớn có thể gây bóc tách động mạch chủ, là sự rách lớp áo thành động mạch,được coi là cấp cứu ngoại khoa tối khẩn nguy hiểm đến tính mạng.

Phình mạch nhỏ có thể dẫn đến:

  • Sự bám dính của mảng xơ vữa ở thành mạch.
  • Hình thành cục máu đông quanh quanh phình mạch, là yếu tố nguy cơ của đột quị.

Chẩn đoán

Khi bác sĩ nghi ngờ phình mạch động mạch chủ, bạn sẽ được cho làm thêm một số kỹ thuật chẩn đoán riêng biệt để xác định :

  • Đo điện tim (ECG)
  • Chụp vi tính cắt lớp mạch máu (CTA)
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA)

​     

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính mạch máu (CTA)

Đa phần phình mạch quai lên động mạch chủ ngực là không có triệu chứng cho nên thường không được chẩn đoán cho đến khi bạn được phát hiện khi đi khám bệnh hoặc kiểm tra sức khỏe.

Điều trị

Bác sĩ thường điều trị phình mạch nhỏ với beta-blockers (thuốc điều trị cao huyết áp). Sau đó sẽ được theo dõi phình mạch với một số xét nghiệm thường qui.

Phình mạch lớn hoặc tốc độ phát triển nhanh sẽ được xem xét phẫu thuật. Các loại phẫu thuật bao gồm:

Phẫu thuật mở:

Phẫu thuật mở lòng ngực. Bác sĩ loại bỏ phần động mạch bị tổn thương và thay bằng lưới chuyên dụng (graft động mạch chủ). Thời gian phục hồi cần theo dõi sau phẫu thuật ít nhất là 4 tuần.

Phẫu thuật can thiệp nội mạch

Là phẫu thuật ít xâm lấn, bác sĩ sẽ luồng ống catheter vào động mạch chủ thông qua động mạch lớn ở chân. Catheter sẽ được dùng để đưa stent vào phình mạch nhằm mục đích làm giảm áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch. Quá trình này ngăn nguy cơ phát triển lớn hơn của phình mạch, giảm sức căng thành mạch và giảm nguy cơ vỡ phình mạch.

Phẫu thuật cấp cứu

Vỡ phình mạch cần được phẫu thuật cấp cứu. Mặc dù có thể sữa chữa thành mạch nhưng bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao và có thể gặp rất nhiều biến chứng trong và sau phẫu thuật.

Phòng ngừa.

Thay đổi lối sống lành mạnh hơn giúp giảm nguy cơ phình mạch:

  • Bỏ thuốc lá.
  • Giữ huyết áp và mỡ máu ở giới hạn tốt.
  • Tập thể thao, duy trì cân nặng
  • Tránh stress.
  • Giảm đường, chất béo, muối.

Người có yếu tố nguy cơ của phình mạch động mạch chủ như kể trên nên gặp bác sĩ để được làm các kiểm tra chẩn đoán xác định phình mạch.

Xem thêm: Can thiệp động mạch đùi nông

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top