✴️ Tiêu chảy do bệnh lỵ trực khuẩn: Triệu chứng và điều trị

Nội dung

1. Nguyên nhân tiêu chảy và đường lây truyền bệnh lỵ trực khuẩn 

Người là vật chủ duy nhất của trực khuẩn lỵ. Shigella khi có mặt trong đường tiêu hóa sẽ gây ra các biểu hiện bệnh. Người đó có khả năng thải vi khuẩn ra phân và trở thành nguồn lây bệnh lỵ trực khuẩn. Vì vậy, nguồn thức ăn, nước uống nhiễm vi khuẩn và các hành vi nguy cơ cao (ăn uống không hợp vệ sinh, tiếp xúc với các vật dụng nhiễm bệnh, ruồi nhặng, quan hệ đồng giới nam) là đường lây truyền bệnh.

2. Triệu chứng của bệnh lỵ trực khuẩn

2.1. Thời kì ủ bệnh

Từ lúc nhiễm vi khuẩn Shigella đến lúc xuất hiện các triệu chứng đầu tiên dao động từ 12 tiếng đến 5 ngày.

2.2. Thời kì khởi phát

Thời kì này xuất hiện đột ngột với các biểu hiện không đặc hiệu và thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày.

Các triệu chứng có thể gặp:

  • Sốt cao từ 39 đến 40 độ C một cách đột ngột kèm cảm giác ớn lạnh. Ở trẻ em có thể gặp co giật do sốt cao.
  • Mệt mỏi, chán ăn, đau nhức toàn thân, buồn nôn, nôn.
  • Đi ngoài phân lỏng và đau bụng. Giai đoạn này có thể gây mất nước nặng ở người già và trẻ nhỏ.

Triệu chứng tiêu chảy cấp do bệnh lỵ trực khuẩn (ảnh Internet)

Ngoài thể bệnh thường gặp như mô tả trên,  bệnh lỵ trực khuẩn cũng có thể khởi phát nặng ngay từ đầu. Người bệnh nhanh chóng đi vào tình trạng nguy hiểm. Thể bệnh nặng này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi và các thể trạng suy kiệt (người già, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng).

2.3. Thời kì toàn phát

Trong thời kì toàn phát, các triệu chứng của giai đoạn khởi phát sẽ nặng lên. Sốt cao, thể trạng suy sụp, hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi.

Ngoài ra, hội chứng lỵ xuất hiện, đặc trưng cho bệnh và bao gồm:

– Đạu bung quặn cơn, thường ở nửa dưới bụng trái và đau thắt ở vùng trực tràng.

– Cảm giác mót rặn tăng dần làm người bệnh muốn đi ngoài liên tục. Tình trạng mót rặn ở người già và trẻ nhỏ có thể dẫn đến suy kiệt và sa trực tràng.

– Đi ngoài rất nhiều, từ 20 đến 40 lần/ ngày, tuy nhiên lượng phân ít, phân nhầy máu.

3. Cách trị tiêu chảy do lỵ trực khuẩn

Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh lỵ trực khuẩn giảm nguy cơ biến chứng và lây lan bệnh. Vì vậy khi nghi ngờ nhiễm Shigella, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, theo dõi và điều trị.

​​​​​​​

Cách trị tiêu chảy do lỵ trực khuẩn

Cách trị tiêu chảy do lỵ trực khuẩn

  • Bồi phụ nước và điện giải bằng dung dịch oresol hoặc dung dịch thay thế. Trong các trường hợp mất nước hoặc rối loạn nặng, người bệnh cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
  • Điều trị kháng sinh theo phác đồ ở các cơ sở y tế và kháng sinh đồ. Điều này còn đặc biệt quan trọng với sự xuất hiện trực khuẩn lỵ kháng thuốc.
  • Hạ sốt, giảm đau.
  • Dinh dưỡng rất quan trọng trong cách trị tiêu chảy. Có rất nhiều sai lầm trong dinh dưỡng ở người tiêu chảy như nhịn ăn, chỉ ăn nước cháo loãng,… Người bệnh khi không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để tái tạo niêm mạc tiêu hóa bị phá hủy sẽ lâu khỏi bệnh hơn. Chế độ ăn khuyến nghị là thức ăn lỏng, chia nhiều bữa, đầy đủ dinh dưỡng, giàu đạm, vitamin và vừa đủ tinh bột.
  • Không nên sử dụng các thuốc giảm nhu động vì chúng làm chậm thải trừ vi khuẩn và kéo dài thời gian bệnh.

4. Dự phòng tiêu chảy cấp do trực khuẩn lỵ 

Hiện nay các vắc xin dự phòng lỵ trực khuẩn vẫn chưa được đưa vào sử dụng đại trà và mới chỉ có tác dụng trên một số thể Shigella nhất định. Vì vậy các biện pháp phòng ngừa bệnh vẫn dựa chủ yếu vào con đường lây truyền bệnh.

  • Thực hiện vệ sinh nguồn nước: sử dụng nước sạch, xử lý nước thải hợp vệ sinh.
  • Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: có ý thức tự kiểm soát vệ sinh các loại thực phẩm đưa vào cơ thể.
  • Diệt ruồi nhặng.
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi ăn và đi vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị kịp thời và triệt để là các biện pháp hữu hiệu để hạn chế lây lan bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top