Phương pháp sơ cứu nhồi máu cơ tim

Nhưng có một sự thật là không phải ai cũng biết cách xử lý như thế nào khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện. Vì vậy, trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản nhất về phương pháp sơ cứu nhồi máu cơ tim để giúp bạn trong tình huống nguy kịch này.

Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim xuất hiện do tình trạng thiếu máu cục bộ tại cơ tim xảy ra sau khi tắc nghẽn kéo dài trong lòng mạch vành nuôi dưỡng vùng đó. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu nhất vẫn là do các mảng xơ vữa và cục máu đông trong mạch máu.

Các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh xơ vữa động mạch bao gồm hút thuốc lá, huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ máu cao và tiền sử gia đình có bệnh tim mạch lúc trẻ.

Các yếu tố thuận lợi để thúc đẩy đến một cơn nhồi máu cơ tim thường không biết chính xác, nó có thể xảy ra khi: đang nghỉ ngơi hoặc đang ngủ; sau khi tăng đột ngột hoạt động thể lực; khi hoạt động ngoài trời lạnh; sau một căng thẳng tâm lý hoặc bệnh nặng.

Nhồi máu cơ tim nặng có thể gây sốc tim, là tình trạng khẩn cấp, có thể đe dọa tính mạng vì toàn bộ cơ thể bị thiếu máu nuôi.

 

Phương pháp sơ cứu nhồi máu cơ tim

- Khi bệnh nhân có những dấu hiệu bệnh như đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi, chóng mặt, lạnh chân tay…, cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Việc vận chuyển bệnh nhân phải được tiến hành bằng xe cứu thương chuyên dụng thở ôxy, truyền tĩnh mạch, làm điện tim và có thể bắt đầu điều trị trên xe. Trong lúc chờ đợi nên dùng ngay nitroglycerin đặt dưới lưỡi bệnh nhân, giữ bệnh nhân ở trạng thái nửa nằm, nửa ngồi.

- Thực hiện ép tim: Trong thời gian chờ đợi xe cứu thương, để nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, người tiến hành ép tim quỳ gối bên trái nạn nhân. Hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với điểm giữa hai núm vú hoặc khoang liên sườn 4 – 5 bên ngực trái, từ từ ấn sâu xuống khoảng 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đó nới lỏng tay ra. Thao tác này thực hiện 60 lần/phút.

- Hô hấp nhân tạo: Để nạn nhân nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo và dây thắt lưng, đệm dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để đảm bảo đường hô hấp được thông thoáng, lấy dị vật trong miệng nạn nhân nếu có.

Đẩy đầu bệnh nhân về phía sau, nâng hai cằm lên cho hai hàm răng gần như chạm nhau đồng thời lắng nghe hơi thở nạn nhân. Sau đó bịt mũi nạn nhân, dùng miệng ngậm kín miệng nạn nhân thở hai hơi liên tiếp vào miệng nạn nhân.

- Khi xe cấp cứu đến: Tiến hành đặt nội khí quản, đồng thời tiến hành ép tim cho đến khi đến bệnh viện. Nếu bệnh nhân vẫn bị ngừng tim, rung tim thì phải tiến hành sốc điện ngoài lồng ngực. Sau khi sốc điện mà tim đập trở lại thì coi như bệnh nhân cấp cứu thành công.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top