1. Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là sự bất thường trong nhịp đập của tim, gây ra tình trạng tim đập quá nhanh (trên 100 nhịp/phút), quá chậm (dưới 60 nhịp/phút) hoặc không đều. Khi tim đập quá nhanh được gọi là rối loạn nhịp tim nhanh. Tim đập quá chậm là rối loạn nhịp tim chậm, tim đập không đều bỏ nhịp là ngoại tâm thu.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập quá nhanh hoặc quá chậm
Tất cả những loại rối loạn nhịp tim này đều có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Khi đó, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách gây ra các dấu hiệu cảnh báo. Thậm chí trong các trường hợp rối loạn nhịp tim nặng, tim có thể ngừng đập đột ngột cực kỳ nguy hiểm.
2. Các loại rối loạn nhịp tim thường gặp
Dựa vào vị trí phát nhịp bất thường, tần số tim, nguyên nhân và đặc điểm của nhịp tim (nhanh, chậm, đều, không đều hay bỏ nhịp), rối loạn nhịp tim được phân loại thành rất nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên phổ biến nhất là các dạng sau:
- Nhịp nhanh xoang
- Rung nhĩ
- Nhịp nhanh thất
- Nhịp nhanh kịch phát trên thất
- Rung thất
- Rối loạn thần kinh tim
- Block nhánh phải
- Ngoại tâm thu
3. Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim
Nguyên nhân rối loạn nhịp tim là sự bất thường trong tín hiệu điện tim hoặc rối loạn hoạt động cơ tim, van tim. Dựa vào vị trí bị tổn thương, có thể chia các nguyên nhân này thành 3 nhóm: bệnh tại tim, bệnh ngoài tim và các yếu tố khác
3.1. Bệnh lý tại tim
- Bất thường trong hoạt động của nút xoang nhĩ
- Bệnh động mạch vành, huyết áp cao lâu ngày
- Tổn thương cơ tim sau nhồi máu cơ tim
- Bệnh cơ tim, hẹp hở van tim
- Bệnh tim bẩm sinh, suy tim
- Khiếm khuyết kênh ion tại tế bào cơ tim, có tính di truyền
3.2. Bệnh lý ngoài tim
- Bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp basedow
- Rối loạn nội tiết tố (tiền mãn kinh, mang thai, mãn dục nam)
- Trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày
- Rối loạn điện giải
3.3. Các nguyên nhân khác
- Căng thẳng, lo lắng, stress
- Dùng các chất kích thích (caffeine, thuốc lá, rượu bia, ma túy)
- Tác dụng của một số thuốc (thuốc điều trị ho, cảm lạnh, thuốc trị hen suyễn, chống trầm cảm, thuốc giảm cân…)
- Thiếu ngủ, mất ngủ
4. Ai dễ bị bệnh rối loạn nhịp tim?
Rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây, bạn sẽ sẽ có khả năng bị loạn nhịp tim cao hơn:
- Cao huyết áp
- Đái tháo đường
- Người cao tuổi
- Rối loạn lipid máu
- Xơ vữa động mạch
5. Các triệu chứng cảnh báo rối loạn nhịp tim
Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim có thể nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, nguyên nhân gây loạn nhịp và bệnh mắc kèm bao gồm:
- Tim đập nhanh, tim đập chậm
- Hồi hộp, đánh trống ngực
- Cảm giác “hẫng hụt” như tim ngừng đập trong vài giây sau đó đột ngột đập rất mạnh “thịch” trong lồng ngực
- Mệt mỏi, khó thở
- Chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu
- Đau ngực hoặc khó chịu ở ngực
- Đổ mồ hôi, bồn chồn, lo lắng, mất ngủ
Nhiều trong số các triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với bệnh lý khác. Do đó, bạn cần chú ý theo dõi mức độ nặng lên của các triệu chứng để đi khám sớm.
6. Bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Rối loạn nhịp tim trở nên nguy hiểm khi không được phát hiện và điều trị sớm
Rối loạn nhịp tim không được phát hiện hoặc không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ngưng tim, suy tim.
- Đột quỵ, nhồi máu cơ tim: Biến chứng này thường xảy ra ở các bệnh nhân bị rung nhĩ. Khi bị rung nhĩ, máu có thể đọng lại trong tâm nhĩ, gây ra cục máu đông. Nếu cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến não, chúng có thể gây ra đột quỵ. Nếu cục máu đông làm tắc mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim.
- Ngưng tim đột ngột (đột tử do tim): Đây là biến chứng thường gặp ở người rung thất, nhịp nhanh kịch phát trên thất và hội chứng brugada. Biến chứng này cực kỳ nguy hiểm vì có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Suy tim: Rối loạn nhịp tim lâu ngày khiến tim phải hoạt động quá sức thường xuyên, cuối cùng sẽ làm suy giảm nhanh chóng khả năng bơm máu của các buồng tim phía dưới (tâm thất). Còn ở những người đã bị suy tim nếu kèm theo cả rối loạn nhịp tim sẽ khiến bệnh nặng lên nhanh chóng.
- Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS): thường gây ra bởi rối loạn nhịp tim liên quan tới rối loạn dẫn truyền di truyền.
Ngoài ra, tình trạng loạn nhịp tim cũng có thể khiến lượng máu lên não bị giảm thiểu gây suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.
7. Cách phát hiện bệnh rối loạn nhịp tim
Bác sĩ có thể phát hiện bạn bị nhịp tim nhanh, chậm hay không đều thông qua thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên để xác định chính xác loại rối loạn nhịp tim mà bạn mắc phải, bạn sẽ cần làm thêm các xét nghiệm sâu hơn:
- Điện tâm đồ (ECG): Đây là thủ tục chẩn đoán hay được áp dụng nhất để phát hiện rối loạn nhịp tim và xác định nguyên nhân gây ra chúng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, cơn loạn nhịp tim không xuất hiện trong thời gian điện tâm đồ tại bệnh viện. Khi này bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân đeo máy holter hoặc thẻ tim để ghi lại điện tâm đồ liên tục trong 24 – 48 giờ.
- Thăm dò điện sinh lý: Thủ tục này được áp dụng khi điện tâm đồ vẫn không xác định được dạng rối loạn nhịp. Thăm dò điện sinh lý sẽ giúp ghi lại chính xác hoạt động điện của tim.
- Siêu âm tim: để cung cấp thông tin về kích thước và hình dạng của trái tim của bạn và nó đang hoạt động tốt như thế nào.
- Chụp X- quang ngực: để cho biết tim của bạn có lớn hơn bình thường hay không.
- Thử nghiệm gắng sức hay nghiệm pháp gắng sức hô hấp tim mạch (CPET): Thử nghiệm này thường được thực hiện kết hợp với siêu âm tim hay đo điện tâm đồ.
- Xét nghiệm máu: để kiểm tra nồng độ của một số chất hay hormon trong máu, chẳng hạn như kali và hormone tuyến giáp…
Tất cả các xét nghiệm thủ tục chẩn đoán kể trên đều có thể thực hiện được tại các chuyên khoa tim mạch tuyến tỉnh trở lên. Do đó, bạn có thể đến các bệnh viện này để được thăm khám và chẩn đoán.
8. Điều trị rối loạn nhịp tim như thế nào?
Có rất nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị và xử trí rối loạn nhịp tim. Một số rối loạn nhịp tim chỉ cần thăm khám định kỳ và áp dụng các biện pháp không dùng thuốc, nhưng cũng có loại cần điều trị bằng thuốc, can thiệp hay đặt máy tạo nhịp.
8.1. Điều trị bằng thuốc tây
Nhiều loại thuốc có sẵn để giảm sự xuất hiện của loạn nhịp tim, kiểm soát các triệu chứng và biến chứng của bệnh bao gồm:
- Thuốc làm chậm nhịp tim bao gồm thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc chống đông máu, chẳng hạn như warfarin
- Thuốc điều trị bệnh lý nền như thuốc điều trị bệnh mạch vành, hẹp hở van tim, suy tim, huyết áp cao, tiểu đường; thuốc trị bệnh cường giáp, loét dạ dày…
Khi dùng thuốc, bạn vẫn cần tái khám định kỳ theo đúng lịch của bác sĩ. Điều này sẽ giúp bác sĩ theo dõi mức độ hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc, từ đó điều chỉnh liều hoặc loại thuốc khi cần.
8.2. Điều trị bằng thuốc nam
Bên cạnh các loại thuốc tây thì thuốc nam cũng là một lựa chọn hợp lý và an toàn trong điều trị rối loạn nhịp tim. Ưu điểm của thuốc nam là lành tính và có tác dụng hỗ trợ điều trị. Vì thế khi sử dụng kết hợp với các thuốc điều trị Tây Y, người bệnh sẽ thấy nhịp tim ổn định tốt hơn, giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ không mong muốn.
8.3. Dùng thiết bị hỗ trợ
Một số người bị rối loạn nhịp tim có thể cần một thiết bị cấy ghép để giúp tim hoạt động bình thường.
- Máy tạo nhịp tim: là một thiết bị nhỏ được cấy ghép gần tim. Nó thường được sử dụng để điều trị nhịp tim chậm.
- Máy khử rung tim (ICD): là thiết bị tương tự như máy tạo nhịp tim, nhưng nó có thể cung cấp một cú sốc điện để khôi phục lại nhịp tim bình thường khi phát hiện tín hiệu điện bất thường. ICD cần thiết đối với những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nguy hiểm hơn có thể làm ngừng nhịp tim, chẳng hạn như rung thất.
8.4. Can thiệp và đốt điện tim
Đốt điện tim hay cắt đốt điện tim là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để điều trị một số dạng rối loạn nhịp tim như ngoại tâm thu, rung nhĩ, nhịp nhanh thất, nhịp nhanh kịch phát trên thất.
Thủ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng một ống thông luồn qua một mạch máu đến tim. Một điện cực được đưa qua ống thông và được sử dụng để làm nóng và phá hủy một vùng mô nhỏ. Điều này có thể chặn các đường dẫn tín hiệu điện bất thường trong tim gây rối loạn nhịp tim.
Ngoài ra, với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nhưng dùng thuốc không đỡ thì họ sẽ được chỉ định một số can thiệp để điều trị bệnh lý nền này, góp phần cải thiện nhịp tim bao gồm:
- Nong mạch vành và đặt stent điều trị bệnh mạch vành
- Nong van hoặc thay van tim điều trị hẹp hở van tim
- Thay tim cho người bị suy tim
8.5. Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống cũng giúp giảm tần suất xuất hiện các triệu chứng rối loạn nhịp tim. Một số thay đổi được khuyến nghị cho những người bị rối loạn nhịp tim bao gồm:
- Bỏ hút thuốc
- Hạn chế rượu, cafein và thuốc mua tự do có chứa chất kích thích
- Tăng cường hoạt động thể chất (với sự giám sát của bác sĩ) bằng các môn như đi bộ, ngồi thiền, yoga…
- Giảm căng thẳng, ngủ đủ 6-8 tiếng/ngày
- Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng hợp lý
- Thực hiện một chế độ ăn lành mạnh nhiều rau xanh và trái cây, cá, các loại hạt, hạn chế chất béo động vật, phủ tạng động vật, đồ chiên xào.
Rối loạn nhịp tim sẽ không còn là nỗi lo nếu như bạn hiểu và định hướng được phương pháp điều trị đúng đắn. Hãy tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị kết hợp với lối sống lành mạnh để có kết quả tốt nhé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp