Nghị định 111/2017/NĐ-CP về đào tạo khối ngành sức khỏe

 

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành; yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe.

2. Nghị định này áp dụng với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo khối ngành sức khỏe (sau đây viết tắt là cơ sở giáo dục) và cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục trong đào tạo khối ngành sức khỏe; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục trong đào tạo khối ngành sức khỏe (sau đây viết tắt là cơ sở thực hành) là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở y tế khác đáp ứng yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành theo quy định tại Nghị định này.

2. Người học thực hành bao gồm học sinh, sinh viên, học viên chuyên khoa, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang được đào tạo trong khối ngành sức khỏe.

3. Người giảng dạy thực hành bao gồm người của cơ sở thực hành và người của cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu theo quy định của Nghị định này và được phân công giảng dạy, hướng dẫn thực hành cho người học thực hành tại cơ sở thực hành.

Điều 3. Nguyên tắc trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe

1. Bảo đảm sự an toàn, tôn trọng và giữ bí mật thông tin cho người sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở thực hành.

2. Lấy người học thực hành làm trung tâm, được đào tạo để đạt các phẩm chất, năng lực đã được xác định trong chương trình đào tạo thực hành theo chuẩn năng lực nghề nghiệp.

3. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong xây dựng chương trình, kế hoạch, hợp đồng, tổ chức đào tạo thực hành, lượng giá và đánh giá kết quả thực hành.

4. Bảo đảm sự thống nhất, tương đồng về quyền và trách nhiệm giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong tổ chức đào tạo thực hành.

 

CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH VÀ HỢP ĐỒNG ĐÀO TẠO THỰC HÀNH

Điều 4. Chương trình đào tạo thực hành

1. Chương trình đào tạo thực hành là phần thực hành trong chương trình, đào tạo tổng thể của một trình độ đào tạo theo từng ngành hoặc chuyên ngành do cơ sở giáo dục ban hành; được thể hiện trong mục tiêu, nội dung đào tạo, tiến trình đào tạo tổng thể, phương pháp dạy - học, hình thức kiểm tra và lượng giá năng lực, đánh giá kết quả và chuẩn năng lực đầu ra của người học theo từng học phần, môn học, module (đối với chương trình có module) và toàn bộ chương trình thực hành.

2. Cơ sở giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ sở thực hành xây dựng chương trình đào tạo thực hành theo quy định tại khoản 1 Điều này khi xây dựng chương trình đào tạo tổng thể.

Điều 5. Kế hoạch đào tạo thực hành

1. Kế hoạch đào tạo thực hành được xây dựng chi tiết hằng năm căn cứ vào chương trình đào tạo thực hành quy định tại Điều 4 Nghị định này, trong đó xác định nhiệm vụ cụ thể của cá nhân, đơn vị thuộc cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành để thực hiện chương trình đào tạo thực hành.

2. Cơ sở giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ sở thực hành xây dựng, thống nhất và ban hành kế hoạch đào tạo thực hành,

Điều 6. Hợp đồng đào tạo thực hành

1. Hợp đồng đào tạo thực hành bao gồm hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng chi tiết, được ký theo thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành đáp ứng các yêu cầu trong đào tạo thực hành quy định tại Chương III Nghị định này. Trường hợp cơ sở thực hành trực thuộc cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục trực thuộc cơ sở thực hành thì không bắt buộc phải ký hợp đồng đào tạo thực hành.

2. Cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành căn cứ theo chương trình, kế hoạch đào tạo thực hành quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định này thỏa thuận, ký hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành theo từng khóa đào tạo, trước khi bắt đầu khóa đào tạo ít nhất 06 tháng,

Trường hợp cơ sở giáo dục mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành sức khỏe thì hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành phải được ký trước khi thực hiện thủ tục mở ngành.

Hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Hợp đồng chi tiết về đào tạo thực hành được ký theo từng năm học, theo từng chương trình, kế hoạch đào tạo thực hành quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định này, cụ thể cho từng trình độ, ngành, chuyên ngành đào tạo. Hợp đồng chi tiết về đào tạo thực hành được ký sau khi cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành thống nhất ban hành kế hoạch đào tạo thực hành theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Điều 7. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo thực hành

1. Cơ sở thực hành chủ trì, phối hợp với cơ sở giáo dục thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Thống nhất danh sách người học thực hành và người giảng dạy thực hành;

b) Tiếp nhận người học thực hành, người giảng dạy thực hành và người theo dõi, quản lý công tác đào tạo thực hành của cơ sở giáo dục gửi đến;

c) Thống nhất với cơ sở giáo dục phân công người giảng dạy thực hành tham gia hướng dẫn thực hành theo kế hoạch đào tạo thực hành đã được ban hành;

d) Ban hành và tổ chức thực hiện quy định sử dụng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của cơ sở thực hành trong đào tạo thực hành;

đ) Quy định việc triển khai tích hợp nội dung an toàn người bệnh, giáo dục y đức và quy tắc ứng xử cho người học thực hành trong quá trình thực hành tại cơ sở thực hành;

e) Lượng giá người học thực hành thường xuyên và đánh giá kết quả khi kết thúc theo chương trình đào tạo thực hành.

2. Cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với cơ sở giáo dục triển khai các nội dung sau đây:

a) Các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Phân công đơn vị chức năng và người của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo dõi, quản lý công tác đào tạo thực hành;

c) Công bố bằng văn bản và thường xuyên cập nhật trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có) danh sách người giảng dạy thực hành, số lượng, loại hình, ngành, chuyên ngành, trình độ đào tạo thực hành, số lượng tối đa người học thực hành có thể nhận, số lượng người học thực hành đang thực hành tại cơ sở.

3. Việc điều phối người giảng dạy thực hành, người học thực hành phải bảo đảm theo chương trình, kế hoạch và hợp đồng đào tạo thực hành đã được thống nhất, ký kết giữa cơ sở thực hành và cơ sở giáo dục. Cơ sở thực hành và cơ sở giáo dục tự thỏa thuận, thống nhất cơ sở làm đầu mối điều phối người giảng dạy thực hành, người học thực hành tùy điều kiện thực tiễn và khả năng của mỗi bên và phải quy định rõ trong hợp đồng chi tiết về đào tạo thực hành.

4. Người giảng dạy thực hành có các nhiệm vụ sau đây:

a) Giảng dạy, hướng dẫn thực hành theo chương trình, kế hoạch đào tạo thực hành đã được phân công;

b) Người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành và của cơ sở giáo dục cùng phối hợp quản lý, theo dõi, lượng giá, đánh giá kết quả thực hành của người học theo chương trình, kế hoạch đào tạo thực hành.

 

YÊU CẦU TRONG TỔ CHỨC ĐÀO TẠO THỰC HÀNH

Điều 8. Yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành

1. Yêu cầu chung đối với người giảng dạy thực hành:

a) Có văn bằng, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn tối thiểu 12 tháng liên tục đến thời điểm giảng dạy thực hành phù hợp với trình độ, ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành; trình độ của người giảng dạy thực hành không được thấp hơn trình độ đang được đào tạo của người học thực hành;

b) Có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn hành nghề phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo thực hành trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ hành nghề.

2. Yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh:

a) Các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đã có đủ thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi có chứng chỉ hành nghề liên tục ở ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành đến thời điểm giảng dạy thực hành ít nhất là 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học, 24 tháng đối với đào tạo trình độ đại học và 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp;

c) Tại cùng một thời điểm, một người giảng dạy thực hành chỉ được giảng dạy không quá 05 người học thực hành đối với đào tạo trình độ sau đại học, không quá 10 người học thực hành đối với đào tạo trình độ đại học, không quá 15 người học thực hành đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp;

d) Đã được bồi dưỡng phương pháp dạy - học lâm sàng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, trừ trường hợp người giảng dạy thực hành đã có chứng chỉ phương pháp dạy - học mà trong chương trình đào tạo đã có nội dung về phương pháp dạy - học lâm sàng.

Điều 9. Yêu cầu đối với cơ sở thực hành

1. Yêu cầu chung đối với cơ sở thực hành:

a) Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với chương trình đào tạo thực hành;

b) Có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hành theo yêu cầu của chương trình đào tạo thực hành;

c) Có người giảng dạy thực hành đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này và có đủ thời gian hoạt động chuyên môn liên tục ở ngành/chuyên ngành hướng dẫn thực hành ít nhất là 12 tháng.

2. Yêu cầu đối với cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

a) Có đủ các yêu cầu quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;

b) Có phòng học, phòng giao ban, phòng trực dành cho người học thực hành và người giảng dạy thực hành;

c) Có người giảng dạy thực hành đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này;

d) Tại cùng một thời điểm, mỗi khoa, phòng có không quá 03 người học thực hành trên 01 giường bệnh hoặc 01 ghế răng;

đ) Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này;

e) Cơ sở thực hành thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này phải bảo đảm: Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành và chỉ được là cơ sở thực hành thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này của không quá 02 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học và 01 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.

Điều 10. Yêu cầu đối với cơ sở giáo dục

1. Có chương trình, kế hoạch và hợp đồng đào tạo thực hành theo quy định tại các Điều 4, 5 và 6 Nghị định này.

2. Cơ sở giáo dục có ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh phải ký hợp đồng hoặc có 01 cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện ít nhất 50% thời lượng của chương trình thực hành và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Là bệnh viện hạng I hoặc bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật từ tuyến I trở lên đối với đào tạo trình độ sau đại học, đào tạo trình độ đại học ngành y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt; là bệnh viện hạng II hoặc bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật từ tuyến II trở lên đối với đào tạo trình độ đại học các ngành khác thuộc khối ngành sức khỏe; là bệnh viện hạng III hoặc hoặc bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật từ tuyến III trở lên đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp khối ngành sức khỏe;

b) Có ít nhất 20% người giảng dạy chương trình thực hành là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành và được cơ sở thực hành bố trí làm công tác khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề.

Điều 11. Công bố cơ sở khám Bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự công bố và chịu trách nhiệm về việc công bố đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo thủ tục quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi văn bản công bố đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sau đây:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, thuộc các bộ, ngành ở trung ương gửi văn bản thông báo về Bộ Y tế, trừ cơ sở y tế thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi văn bản thông báo về Bộ chủ quản để tổng hợp gửi Bộ Y tế;

c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi văn bản thông báo về Sở Y tế.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự công bố đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành theo dấu bưu điện hoặc dấu công văn đến: cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm cập nhật trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan danh sách cơ sở thực hành đáp ứng yêu cầu; trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản không đồng ý việc tự công bố gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và nêu rõ lý do.

4. Văn bản công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Cơ sở thực hành chỉ được ký hợp đồng đào tạo thực hành sau 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này nhận được văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự công bố đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có văn bản không đồng ý việc tự công bố.

Điều 12. Chi phí đào tạo thực hành

1. Chi phí đào tạo thực hành tại cơ sở thực hành được kết cấu trong giá dịch vụ đào tạo (học phí) khối ngành sức khỏe gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Mức chi phí đào tạo thực hành được xác định trên cơ sở tương ứng với tỷ lệ thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo.

3. Cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành thỏa thuận, thống nhất mức chi phí đào tạo thực hành và quy định cụ thể trong hợp đồng đào tạo thực hành. Trường hợp cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành không ký hợp đồng thực hành theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này thì mức chi phí đào tạo thực hành phải được nêu cụ thể trong kế hoạch đào tạo thực hành.

 

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN TRONG TỔ CHỨC ĐÀO TẠO THỰC HÀNH

Điều 13. Quyền và trách nhiệm của cơ sở thực hành

1. Cơ sở thực hành có các quyền sau đây:

a) Được ưu tiên tham gia các chương trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế và đào tạo nhân lực y tế;

b) Được sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở giáo dục (nếu có) đặt tại cơ sở thực hành trong hoạt động chuyên môn;

c) Được tính điểm khi đánh giá chất lượng và xếp hạng cơ sở y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

d) Được công nhận là một bộ phận thực hiện nhiệm vụ đào tạo của cơ sở giáo dục sau khi ký hợp đồng chi tiết đào tạo thực hành với cơ sở giáo dục

2. Cơ sở thực hành có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm các yêu cầu của cơ sở thực hành theo quy định của Nghị định này;

b) Phối hợp với cơ sở giáo dục bảo đảm chất lượng đào tạo thực hành theo chương trình đào tạo thực hành;

c) Xác nhận kết quả thực hành của người học thực hành.

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có các quyền sau đây:

a) Các quyền theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

b) Có các quyền sau đây khi đánh giá chất lượng, xếp hạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Người giảng dạy thực hành của cơ sở giáo dục tham gia hướng dẫn thực hành và được bố trí làm công tác khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở thực hành được tính là nhân lực của cơ sở thực hành;

Được tính thành tích nghiên cứu khoa học của người giảng dạy thực hành của cơ sở giáo dục thực hiện tại cơ sở thực hành vào thành tích nghiên cứu khoa học của cơ sở thực hành;

Được tính điểm cao hơn khi xem xét đánh giá chất lượng, xếp hạng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở thực hành thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

c) Quyết định chi trả thù lao và các chế độ khác (nếu có) cho người giảng dạy thực hành của cơ sở giáo dục và người học thực hành trực tiếp tham gia hoạt động chuyên môn theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở thực hành.

2. Cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:

a) Trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này;

b) Xác nhận quá trình giảng dạy thực hành tại cơ sở thực hành để xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú và các hình thức thi đua, khen thưởng khác cho người giảng dạy thực hành của cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy thực hành và khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở thực hành theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 15. Quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục

1. Cơ sở giáo dục có quyền sau đây:

a) Quyết định việc chi trả thù lao và các chế độ khác (nếu có) cho người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành tham gia hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu đào tạo, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục theo quy định;

b) Được kê khai người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành là giảng viên cơ hữu trong các trường hợp:

Cơ sở giáo dục công lập được kê khai người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này là giảng viên cơ hữu nếu đã được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp bộ môn trở lên tại cơ sở giáo dục;

Cơ sở giáo dục ngoài công lập được kê khai người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành ngoài công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này là giảng viên cơ hữu nếu đã được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp bộ môn trở lên tại cơ sở giáo dục;

Một người chỉ được kiêm nhiệm và kê khai là giảng viên cơ hữu tại một cơ sở giáo dục; không áp dụng quy định này với các cơ sở thực hành của lực lượng vũ trang.

2. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm sau đây:

a) Xác nhận quá trình giảng dạy thực hành để xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các hình thức thi đua, khen thưởng khác đối với người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành theo quy định của pháp luật về giáo dục và pháp luật về thi đua khen thưởng;

b) Mời đại diện người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành tham gia hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn;

c) Tạo điều kiện cho người giảng dạy thực hành tham gia bồi dưỡng về phương pháp dạy - học lâm sàng phù hợp với chương trình đào tạo thực hành cho người giảng dạy thực hành;

d) Xác nhận và làm thủ tục công nhận cho người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành là giảng viên (hoặc giáo viên) cơ hữu hoặc thỉnh giảng của cơ sở giáo dục khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục.

Điều 16. Quyền và trách nhiệm của người giảng dạy thực hành

1. Người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành có các quyền sau đây:

a) Được cơ sở giáo dục mời tham gia hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn;

b) Được công nhận là giảng viên (hoặc giáo viên) cơ hữu hoặc thỉnh giảng của cơ sở giáo dục khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục;

c) Người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này đáp ứng yêu cầu được kiêm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, trưởng, phó khoa, bộ môn của cơ sở giáo dục công lập theo quy định của pháp luật hiện hành về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và được hưởng các quyền lợi như giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục trong việc bổ nhiệm chức danh và xét tặng danh hiệu đối với nhà giáo theo quy định của pháp luật, trừ cơ sở thực hành của lực lượng vũ trang;

d) Người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành ngoài công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này đáp ứng yêu cầu được kiêm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, trưởng, phó khoa, bộ môn của cơ sở giáo dục ngoài công lập theo quy định của pháp luật hiện hành và được hưởng các quyền lợi như giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục trong việc bổ nhiệm chức danh và xét tặng danh hiệu đối với nhà giáo theo quy định của pháp luật;

đ) Được tính thời gian giảng dạy để xem xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các hình thức thi đua, khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về giáo dục và thi đua khen thưởng;

e) Được chi trả thù lao và các chế độ khác (nếu có) khi tham gia hướng dẫn thực hành, xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu hướng dẫn đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục.

2. Người giảng dạy thực hành của cơ sở giáo dục tại cơ sở thực hành có các quyền sau đây:

a) Người giảng dạy thực hành của cơ sở giáo dục công lập đáp ứng yêu cầu được kiêm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, trưởng, phó các khoa chuyên môn tại cơ sở thực hành công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này theo quy định của pháp luật hiện hành về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, trừ cơ sở thực hành của lực lượng vũ trang;

b) Người giảng dạy thực hành của cơ sở giáo dục ngoài công lập đáp ứng yêu cầu được kiêm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, trưởng, phó các khoa chuyên môn tại cơ sở thực hành ngoài công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Được cơ sở thực hành phân công tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở thực hành khi đáp ứng yêu cầu theo quy định và cơ sở thực hành có nhu cầu; được hưởng thù lao và các chế độ khác (nếu có) theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở thực hành;

d) Được xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú và các hình thức thi đua, khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

3. Người giảng dạy thực hành có trách nhiệm tuân thủ nội quy, quy định, quy chế chuyên môn của cơ sở thực hành và quy định, quy chế trong đào tạo của cơ sở giáo dục.

Điều 17. Quyền và trách nhiệm của người học thực hành

1. Được tham gia các hoạt động chuyên môn phù hợp với năng lực, trình độ, chuyên môn của người học thực hành và nhu cầu của cơ sở thực hành dưới sự giám sát, hướng dẫn của người giảng dạy thực hành; được hưởng chế độ thù lao tương ứng với mức độ tham gia theo quy chế chi tiêu nội bộ trong trường hợp được cơ sở thực hành bố trí tham gia các hoạt động chuyên môn phù hợp.

2. Tuân thủ quy định, quy chế chuyên môn của cơ sở thực hành, cơ sở giáo dục và hướng dẫn của người giảng dạy thực hành.

 

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, rà soát việc bảo đảm yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành đối với cơ sở thực hành quy định tại Nghị định này;

b) Các nhiệm vụ khác quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ y tế kiểm tra, rà soát việc bảo đảm yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành đối với cơ sở thực hành quy định tại Nghị định này;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất lộ trình điều chỉnh mức học phí bao gồm chi phí đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo quy định tại Nghị định này;

c) Các nhiệm vụ khác quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

a) Bố trí nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra việc đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe theo quy định tại Nghị định này thuộc phạm vi quản lý.

Điều 19. Quy định chuyển tiếp

1. Cơ sở thực hành đang đào tạo thực hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải rà soát, bổ sung, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu quy định tại Nghị định này trước ngày 01 tháng 01 năm 2019, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Người giảng dạy thực hành chưa được bồi dưỡng về phương pháp dạy - học lâm sàng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định này phải tham gia lớp bồi dưỡng trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 11 năm 2017.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

return to top