Tăng huyết áp (THA) ở trẻ nhỏ là gì?

Tăng huyết áp (THA) ở trẻ nhỏ là gì?

Ở người lớn, THA được định nghĩa là khi huyết áp ≥ 140/90mmHg bất kể tuổi, giới, tầm vóc cơ thể. Đây là một định nghĩa mang tính chức năng dựa trên mối liên quan giữa con số huyết áp với các biến cố tim mạch. Các biến cố tim mạch gây ra bởi tình trạng THA thường ít xảy ra trong thời thơ ấu (trên lứa tuổi trẻ em) nên định nghĩa thế nào là THA ở trẻ nhỏ mang tính thống kê hơn là chức năng. 

Theo Chương trình giáo dục về THA tại Mỹ (NHBPEP-2004), định nghĩa về THA ở trẻ em được đánh giá theo các mức bách phân vị 50th, 90th, 95th, 99th của trị số huyết áp tâm thu (HATT) và huyết áp tâm trương (HATTr). Cụ thể như sau:

  • Huyết áp bình thường của trẻ: HATT và HATTr <90th bách phân vị theo tuổi, giới và chiều cao của trẻ cùng lứa.
  • Tiền THA ở trẻ: HATT trung bình và/hoặc HATTr trung bình ≥90th nhưng <95th bách phân vị; hoặc ≥120/80mmHg và <95th bách phân vị ở trẻ lớn và thanh thiếu niên.
  • THA ở trẻ: HATT trung bình và/hoặc HATTr trung bình ≥95th bách phân vị theo tuổi, giới, chiều cao ở ít nhất 3 lần đo khác nhau.

Nhìn chung, chúng ta có thể hiểu đơn giản là trẻ được coi là THA khi huyết áp của trẻ - nếu so với trẻ cùng lứa ở cùng độ tuổi, giới tính và chiều cao - nằm trong khoảng bách phân vị 95th trở lên khi đối chiếu với Bảng trị số huyết áp trẻ em.

Dưới đây là bảng trị số huyết áp trẻ em:

Tăng huyết áp ở trẻ em dưới 6 tuổi thường do một bệnh lý nào đó gây ra. Trẻ lớn hơn có thể bị tăng huyết áp vì những lý do tương tự như người lớn – như thừa cân, thiếu dinh dưỡng hay kém vận động... Việc thay đổi lối sống, thay đổi để có một chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch và tập thể dục nhiều hơn có thể giúp giảm tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em. Tuy nhiên, một số trẻ vẫn cần có các loại thuốc đặc hiệu riêng biệt.

 

Triệu chứng

Tăng huyết áp thường không gây ra các triệu chứng nổi trội. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp phải trong trường hợp khẩn cấp khi trị số huyết áp quá cao, bao gồm:

  • Nhức đầu
  • Co giật
  • Nôn mửa
  • Đau tức ngực
  • Nhịp tim nhanh, tim đập mạnh hoặc đánh trống ngực
  • Thở hụt hơi

Nếu bạn nhận thấy trẻ có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy nhanh chóng tìm đến hỗ trợ y tế khẩn cấp.

 

Nguyên nhân

Tăng huyết áp ở trẻ nhỏ thường liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác nhau như khuyết tật tại tim, các bệnh về thận, tình trạng di truyền từ cha mẹ hoặc rối loạn nội tiết tố... Trẻ lớn - đặc biệt là những trẻ thừa cân, béo phì - có nhiều khả năng bị tăng huyết áp nguyên phát. Loại tăng huyết áp này tự xảy ra, không có điều kiện cơ bản tác động từ đầu.

 

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp ở trẻ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, yếu tố di truyền và lối sống hiện tại.

1. Tăng huyết áp nguyên phát (cơ bản)

Tăng huyết áp nguyên phát tự xảy ra mà không xác định được nguyên nhân. Loại tăng huyết áp này xảy ra thường xuyên hơn ở những trẻ lớn hơn, thường là từ 6 tuổi trở lên. Các yếu tố nguy cơ phát triển tình trạng tăng huyết áp nguyên phát bao gồm:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Có tiền sử gia đình bị cao huyết áp
  • Bị bệnh đái tháo đường type-2 hoặc mức đường huyết lúc đói cao
  • Có mức cholesterol máu cao
  • Ăn quá nhiều muối
  • Là người da đen hoặc có gốc Tây Ban Nha
  • Giới tính nam
  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá thụ động)
  • Ít vận động

2. Tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát có nguyên nhân do một bệnh lý cụ thể gây ra. Đây là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ. Các nguyên nhân gây ra bao gồm:

  • Bệnh thận mạn tính
  • Bệnh thận đa nang
  • Các vấn đề về tim, chẳng hạn như hẹp nghiêm trọng van động mạch chủ
  • Rối loạn tuyến thượng thận
  • Cường giáp
  • Pheochromocytoma - một khối u hiếm gặp ở tuyến thượng thận
  • Hẹp động mạch thận
  • Rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
  • Người mẹ sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc thông mũi, thuốc tránh thai và các thuốc steroid
  • Người mẹ sử dụng ma túy, chẳng hạn như cocaine

 

Biến chứng

Trẻ em bị tăng huyết áp có khả năng tiếp tục tiến triển tình trạng tăng huyết áp khi trưởng thành, trừ khi bắt đầu được điều trị sớm. Nếu tăng huyết áp ở trẻ tiếp tục tiếp diễn ở tuổi trưởng thành, trẻ có thể gặp phải những nguy cơ:

  • Đột quỵ
  • Đau tim
  • Suy tim
  • Các bệnh thận

 

Dự phòng tình trạng tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp ở trẻ nhỏ có thể dự phòng ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng của trẻ, cung cấp và duy trì cho trẻ một chế độ ăn uống lành mạnh và khuyến khích trẻ tập thể dục nhiều hơn, đều đặn hàng ngày. Nếu trẻ gặp phải các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, hãy đưa trẻ đến gặp các chuyên gia y tế để được tư vấn và có những biện pháp xử trí kịp thời. Việc phát hiện và xử trí càng sớm sẽ giúp trẻ tránh được những tiến triển, biến chứng nguy hiểm cho cả cuộc đời phát triển sau này của trẻ.

 

Tổng kết

Tăng huyết áp ở trẻ nhỏ là một tình trạng hiếm gặp, tuy nhiên không phải không có. Thông thường chúng là vấn đề thứ phát của một nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cũng như tạo thói quen tốt cho trẻ và duy trì một lối sống lành mạnh là điều cần thiết và quan trọng để giúp trẻ phát triển ổn định trong suốt thời gian dài sau này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top