Nếu bạn nhận thấy một chân của bạn trông to hơn chân còn lại, thì bạn nên nghĩ đến việc có thể bạn đã bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Sưng phù chân có nguyên nhân là do cục máu đông trong các tĩnh mạch ngăn chặn dòng máu chảy ngược từ chân lên tim. Tình trạng sưng chân cũng có thể gây đau hoặc khó chịu.
Một số người bị huyết khối tĩnh mạch sâu có thể sẽ bị co cơ, hay còn gọi là chuột rút không dứt. Nếu đi kèm với tình trạng sưng phù chân, thì bạn nên được đánh giá tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu. Cảm giác khó chịu do huyết khối tĩnh mạch sâu có thể có cảm giác đau nhói hoặc căng tức.
Nếu làn da của bạn có màu đỏ, hoặc màu xanh tím thì bạn nên đến gặp bác sỹ. Nguyên nhân có thể là do tích tụ máu ở dưới da dẫn đến đổi màu da, sưng phù và khó chịu ở chân.
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy chân mình ấm khi sờ vào, thì khả năng bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu là rất cao. Tình trạng này cũng có nguyên nhân là do sự tích tụ máu tại chân.
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sẽ khác nhau giữa từng người. Mỗi người, các triệu chứng sẽ có sự khác nhau một chút ít. Một số người sẽ có các triệu chứng rất tinh tế, phát triển chậm nhưng đa số bệnh nhân sẽ có các triệu chứng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống và phát triển trong thời gian ngắn.
Nhìn chung, khi các triệu chứng như đau và sưng phù gây ra bởi các tai nạn như trật mắt cá chân, thì các triệu chứng sẽ cải thiện dần khi vết thương lành lại. Nhưng nếu các triệu chứng khó chịu và sưng phù không cải thiện, hoặc đã cải thiện nhưng sau đó lại tái phát, thì có thể bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Nếu các triệu chứng này không cải thiện trong vài ngày hoặc phát triển ngoài vị trí bị chấn thương, ví dụ như đau phát triển tại vị trí cao hơn mắt cá chân, bạn nên suy nghĩ đến việc bị huyết khối tĩnh mạch sâu và nên đến khám bác sỹ.
Việc không xuất hiện bất cứ triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu nào cũng rất phổ biến, do vậy việc phát hiện tình trạng này sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Các dấu hiệu của tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu cũng rất khó phân biệt để chẩn đoán. Trong rất nhiều trường hợp, người bệnh không có dấu hiệu lâm sàng nào điển hình. Khoảng 50% số ca bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là dạng âm thầm.
Rất nhiều người bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ bị sưng và đau trong một thời gian dài, được gọi là hội chứng sau huyết khối. Điều trị sớm và hiệu quả có thể ngăn chặn được hội chứng sau huyết khối. Ngoài ra, nếu không được điều trị, huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến thuyên tắc – tức là cục máu đông có thể sẽ bị vỡ và di chuyển khắp cơ thể và có thể dẫn đến thuyên tắc phổi. Bác sỹ có thể giúp dự phòng tình trạng này bằng cách kê đơn thuốc làm loãng máu. Các lựa chọn điều trị khác bao gồm đưa một thiết bị lọc vào vào tĩnh mạch lớn nhất của cơ thể hoặc tiêm trực tiếp các thuốc phá vỡ cục máu đông vào vị trí tắc nghẽn. Hãy trao đổi với bác sỹ về các biện pháp điều trị phù hợp với bạn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh