Trên thực tế bệnh tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên theo các thống kê ghi nhận được thì nguy cơ mắc bệnh tim ở chị em tương đối thấp cho tới giai đoạn từ 55 tuổi trở lên. Trong khi đó nam giới có thể bị bệnh tim ở độ tuổi sớm hơn nhiều. Có một số lý do dẫn tới tình trạng nam giới dễ mắc bệnh tim hơn chị em được trình bày trong bài viết sau.
Một giả thuyết về lý do tại sao rất nhiều người đàn ông hơn bị bệnh tim sớm hơn phụ nữ là căng thẳng. Mặc dù quan niệm phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ đã thay đổi, chị em cũng tham gia vào các công việc xã hội tương tự như nam giới nhưng người đàn ông vẫn còn phải chịu đựng căng thẳng do công việc vất vả hoặc trách nhiệm nhiều hơn phụ nữ. Nam giới cũng có ít sự lựa chọn để bày tỏ cảm xúc so với nữ giới. Chị em có thể khóc và bày tỏ cảm xúc thoải mái hơn, nam giới ít khi biểu hiện điều này.
Hầu hết mọi người đều biết béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn tới sự phát triển của bệnh tim mạch, tuy nhiên không phải ai cũng biết vị trí mỡ thừa tích tụ cũng quan trọng không kém so với việc cơ thể dư thừa bao nhiêu kg. Nếu như lượng mỡ trong cơ thể người phụ nữ tập trung vào phần đùi thì với nam giới chúng thường tích tụ ở bụng.
Những người bị béo bụng có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch. Vì mỡ bụng bao gồm 2 phần: mỡ dưới da và mỡ bao quanh phủ tạng được gọi là mỡ nội tạng. Mỡ dưới da không đáng kể, chủ yếu là mỡ nội tạng gây nên béo bụng. Mỡ nội tạng hoạt động như một tuyến nội tiết có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn thân. Mỡ dưới da có thể dễ dàng đốt cháy nhờ tập thể dục.
Còn mỡ nội tạng bị dư thừa nhiều thường đi kèm với tình trạng tăng triglyceride máu, giảm lipoprotein mật độ cao, giảm cholesterol tốt, dẫn đến huyết áp cao, và/hoặc tăng đường huyết lúc đói… Do đó nó ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tim mạch.
Giảm mỡ bụng cũng góp phần làm giảm huyết áp cao, nồng độ cholesterol cao và bệnh tiểu đường loại II.
Theo kết quả của một nghiên cứu mới được công bố vào năm 2008 bởi Tiến sĩ Maciej Tomaszewski (Đại học Leicester) nguy cơ bệnh tim mạch ở nam giới cao hơn phụ nữ có thể liên quan tới ảnh hưởng cụ thể của hormone giới tính.
Cụ thể Tiến sĩ Tomaszewski và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu với sự tham gia của 933 người có độ tuổi trung bình là 19 và theo dõi sự tương tác của estradiol, estrone, testosterone và androstenedione cũng như ảnh hưởng của những loại hormone này đối với các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim là: cholesterol cao, huyết áp cao và béo phì.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng estradiol và estrone (kết hợp với nhau gọi là estrogen) có liên quan tới tình trạng nồng độ lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay cholesterol “xấu” tăng và nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) hay cholesterol “tốt” giảm ở nam giới.
Sau khi xem xét mối liên quan giữa estrogen và androgen (testosterone và androstenedione) và những rủi ro bệnh tim đề cập trước đây, Tiến sĩ Tomaszewski kết luận rằng estradiol thể làm tăng cholesterol toàn phần và làm giảm cholesterol “tốt” HDL, trong khi đó estrone lại làm tăng cả nồng độ cholesterol toàn phần và cholesterol “xấu” LD.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh