I. ĐẠI CƯƠNG
Phẫu thuật nội soi hoặc nội soi hỗ trợ đẩy bã thức ăn được thực hiện để điều trị tắc ruột do bã thức ăn nhằm tìm ra tất cả các bã thức ăn trong ống tiêu hóa và chủ động đưa hết các khối bã di chuyển xuống đại tràng mà không cần phải mở ống tiêu hóa.
II. CHỈ ĐỊNH
Người bệnh bị bán tắc ruột hoặc tắc ruột cơ học hoàn toàn do bã thức ăn đang di chuyển trong ruột non.
III. CHUẨN BỊ
1. Người bệnh: phải nhịn ăn uống ít nhất 6 giờ trước khi mổ
- Đặt thông dạ dày
- Vệ sinh
- Thông tiểu
- Xét nghiệm cơ bản, chụp phổi, điện tim.
- Nếu có rối loạn cân bằng nước và điện giải cần điều chỉnh sớm.
2. Phương tiện: Thiết bị mổ nội soi cơ bản, bộ trocar mổ nội soi một lỗ hoặc dụng cụ mổ nội soi phối hợp bàn tay (gel platform).
3. Người thực hiện:
Là phẫu thuật viên ngoại khoa có trình độ mổ nội soi cơ bản.
Bác sĩ gây mê: gây mê nội khí quản
IV.CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Gây mê nội khí quản
- Tư thế nằm ngửa
- Bố trí bàn mổ: Người thực hiện bên phải, người phụ camera đứng bên phải Người thực hiện. Màn hình để bên trái hoặc ngang vai trái người bệnh. Dụng cụ viên và bàn dụng cụ ngang nơi gối trái người bệnh.
- Bước 1 đặt các trocar, một trocar cho camera, hai trocar cho dụng cụ hoặc một trocar cho cả ba gồm ống soi , hai dụng cụ. Có thể sử dụng một đường rạch nhỏ để đặt chung cho các trocar trên một platform hoặc thêm một đường rạch nhỏ cho một gel platform luồn bàn tay hỗ trợ khi cần dùng tay đẩy khối bã thức ăn. Bơm hơi trong ổ bụng áp lực từ 15 - 12 mmHg.
- Bước 2: dùng camera quan sát ổ bụng kiểm tra chẩn đoán đúng là có tắc ruột khi thấy các quai ruột giãn trên và xẹp dưới chỗ tắc là khối bã thức ăn bị nghẹt trong lòng ruột
- Bước 3: Dùng hai kẹp ruột loại không chấn thương loại lớn, cặp thứ nhất nhấc quai ruột bên trên cặp thứ hai bóp nhẹ vào khối bã làm thay đổi hình dạng thuôn dài khối và tác động đẩy xuống đoạn ruột tiếp theo bên dưới, hai cặp ruột luân phiên liên tiếp đến khi khối đi qua van xuống đại tràng, chú ý thao tác cần nhẹ vừa đủ tác động nhưng không gây thương tổn thanh mạc ruột và không làm tụ máu mạc treo ruột non. Trường hợp khối bã nghẹt chắc trong quai ruột có thể rạch mở 3 cm trên thành bụng tại hố chậu phải gần góc hồi manh tràng để đưa quai ruột và khối ra ngoài dùng tay nắn xuống, các quai ruột cũng luân chuyển lên xuống cho đến khi tới góc manh tràng. Một cách khác là rạch 4 cm theo chiều ngang trên xương mu, đặt một gel platform rồi luồn một bàn tay vào trong ổ bụng phối hợp với một cặp ruột không chấn thương loại to như nói trên nắn cho khối bã đi xuống đại tràng.
- Bước 4: Kiểm tra toàn bộ ống tiêu hóa từ dạ dày, tá tràng trở xuống để chắc chắn không còn các khối bã khác vẫn đang di chuyển trong đương tiêu hoá.
- Bước 5: Rút các dụng cụ và đóng các lỗ mở trên thành bụng.
V.TAI BIẾN VÀ CÁCH XỬ TRÍ
- Tai biến rách thanh mạc ruột khi thao tác: thanh mạc hay thậm chí ruột bị thủng rách do thao tác quá mạnh. Cần phải lấy kim chỉ cỡ 4/0 khâu lại thành ruột bằng các mũi rời. Cần làm sạch ổ bụng nếu thủng ruột làm các chất bẩn tràn ra.
- Tai biến chảy máu, tụ máu do rách mạc treo ruột non. Hút sạch máu chảy, nhanh chóng cặp mạch máu và cầm máu bằng chỉ khâu, buộc hay các dụng cụ khác.
VI. THEO DÕI SAU MỔ
- Theo dõi diễn biến sau mổ như các ca thông thường.
- Chú ý rút thông tiểu ngay sau mổ, lưu thông dạ dày hút dịch đọng trong khoảng 3 ngày, khi thấy dấu hiệu nhu động bình thường hoặc người bệnh trung tiện đại tiện được thì rút thông dạ dày.
- Theo dõi hoạt động của hệ thống tiêu hóa, nếu người bệnh không không chướng bụng, có thể cho ăn sớm.
- Hướng dẫn người bệnh khi ra viện thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tránh tái phát.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh