✴️ Phẫu thuật tạo hình bao quy đầu ở trẻ em

Nội dung

I. ĐẠI CƯƠNG

• Hẹp bao qui đầu (chít hẹp bao quy đầu, hẹp da qui đầu - phimosis) là một bệnh lý thường gặp ở bé trai.

• Hẹp bao qui đầu là hẹp lỗ mở của bao qui đầu làm cho bao qui đầu không thể tách khỏi qui đầu.

• Hẹp bao qui đầu có thể là hẹp sinh lý hoặc hẹp bệnh lý: - Hẹp sinh lý (hẹp tiên phát) là hẹp do dính, bao qui đầu dính với qui đầu để bảo vệ qui đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh ra. Đa số bé trai mới sinh (96%) đều có hẹp bao qui đầu sinh lý, đến 3 tuổi, tỉ lệ này giảm dần xuống còn 10% và giảm xuống còn 1% lúc 14 tuổi.

- Hẹp bệnh lý (hẹp thứ phát, mắc phải) là hẹp thực sự khi có sự hiện diện của sẹo xơ. Sẹo xơ được hình thành là do viêm nhiễm ở những bao qui đầu bình thường hoặc bao qui đầu dài, cũng có thể do những lần nong bao qui đầu quá mạnh bạo trước đó.

• Cắt bao qui đầu đã được thực hiện từ 6.000 năm trước ở Ai Cập, được coi là phương pháp điều trị kinh điển cho những trẻ em bị hẹp bao qui đầu, ngoài ra còn vì lý do phong tục, tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, phòng ung thư dương vật…..

 

II. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH

• Chỉ định:

- Điều trị bảo tồn thất bại.

- Hẹp bao qui đầu thực sự (có vòng xơ).

- Có thắt nghẽn bao qui đầu.

- Theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân.

• Chống chỉ định:

 - Vùi dương vật.

- Viêm bao qui đầu.

- Hẹp niệu đạo.

 

III. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện:

- Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu kết hợp bác sĩ chuyên khoa Gây mê hồi sức

2. Chuẩn bị người bệnh:

-Giải thích kĩ cho gia đình bệnh nhân về cách thức thực hiện, các tai biến biến chứng có thể gặp phải và cách xử trí có thể xảy ra trong phẫu thuật

- Yêu cầu tối hôm trước ăn nhẹ, ngày mổ nhịn ăn

- Thụt tháo trước mổ

3. Phương tiện

- Bộ dụng cụ tiểu phẫu

4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 60phút

 

IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Tư thế

- Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng đầu kê cao 15 độ

- Bố trí phòng mổ:

+ Bác sĩ gây mê đứng ở phía trên đầu bệnh nhân.

+ Phẫu thuật viên chính đứng phía bên trái bệnh nhân, phẫu thuật viên phụ đứng phía đối diện.

+ Bàn dụng cụ đặt ở phía chân bệnh nhân, y tá đưa dụng cụ đứng cùng bên với phẫu thuật viên chính.

2. Vô cảm

+ Tê tủy sống

3.Kỹ thuật

+ Bước 1:  Chuẩn bị phần miệng cắt

Đánh dấu phần cắt rìa ngoài của bao quy đầu khoảng 5cm tùy theo kích thước dương vật và độ dài hay hẹp của bao quy đầu. Dùng một chiếc kìm cầm máu kẹp ở chỗ dây hãm bao quy đầu để nhấc bao quy đầu lên, chuẩn bị làm miệng cắt vòng

+ Bước 2:  Cắt ở mặt lưng

Dùng kéo men theo kim dò cắt mặt trong và ngoài bao quy đầu, mặt trong bao quy đầu cũng phải cắt đến chỗ cách rìa của rãnh dương vật khoảng 0.5cm.

+Bước 3: Cắt bao quy đầu

 Chỉnh phần trong và ngoài bao quy đầu, kéo kìm cầm máu kẹp ở chỗ mặt lưng bao quy đầu và dây hãm ra phía ngoài.Dùng kéo cong men theo chỗ dấu cắt cách rãnh dương vật khoảng 0.5cm cắt vạt da bên phải, sau đó lại cắt phía bên trái. Mặt trong chỗ dây hãm bao quy đầu có thể không cắt đi hoặc để lại nhiều hơn hơn một chút.

+ Bước 4: Cầm máu

Tiến hành cầm máu. Dồn phần da của dương vật lên trên, để lộ phần cắt bị chảy máu để tiến hành cầm máu.

+ Bước 5: Khâu liền

Khâu lại vết thương. Dùng chỉ phẫu thuật để tiến hành khâu.

+ Bước 6: Băng bó

Tiến hành lấy gạc quấn quanh chỗ vết cắt.

 

V: THEO DÕI VÀ NGUYÊN TẮC XỬ LÍ TAI BIẾN – BIẾN CHỨNG:

1. Biến chứng sớm:

- Chảy máu (thường ở vị trí dây thắng, mạch máu dưới bao qui đầu)=> cầm máu (băng ép, đốt điện, hoặc khâu cầm máu).

- Phù nề, máu tụ => đắp ấm, hoặc thoát dịch, thoát máu tụ.

- Nhiễm trùng => thay băng + kháng sinh.

- Thiếu da do cắt bỏ quá nhiều bao qui đầu (xảy ra do cắt bao qui đầu ở tư thế dương vật không cương) => ghép da.

- Tổn thương qui đầu và một phần dương vật do kẹp bao qui đầu không chính xác => tạo hình lại qui đầu, dương vật.

2. Biến chứng muộn:

 - Dính bao qui đầu sau cắt (do chừa lại bao qui đầu quá nhiều) => tách dính, hoặc cắt lại bao qui đầu.

- Thắt nghẽn bao qui đầu (do phù nề, chưa cắt hết vòng thắt bao qui đầu) => giảm phù nề (đắp ấm, thoát dịch, thuốc alphachymotrypsin) hoặc cắt vòng thắt.

- Sẹo xấu (thường ở vị trí dây thắng) => cắt sẹo, tạo hình lại bao qui đầu. Nếu cơ địa sẹo lồi => dùng corticoid.

- Hẹp lỗ tiểu (do tổn thương mạch nuôi lỗ tiểu) => mở rộng lỗ tiểu.

- Rò niệu đạo (do tổn thương niệu đạo trong lúc mổ) => vá rò.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top