An toàn người bệnh: Những giải pháp

Nội dung

Xác định chính xác tên người bệnh

Xác định một bệnh nhân chỉ mất một phút, nhưng có thể cứu cả một mạng người.

Nguyên tắc 

Sử dụng ít nhất hai công cụ để nhận dạng bệnh nhân, nhưng cả hai đều không phải là số phòng và số giường của bệnh nhân.

Biện pháp

Dùng băng đeo trên cổ tay để nhận dạng người bệnh. Thông tin trên băng gồm: họ tên, địa chỉ, ngày sinh, cùng với số mã vạch. 

Khi dán nhãn lên tuýp bệnh phẩm cần có sự hiện diện của bệnh nhân. Tên và thông tin về người bệnh trên các nhãn bệnh phẩm phải bảo đảm dán chặt lên lọ hoặc ống đựng bệnh phẩm trước, trong và sau khi làm xét nghiệm.

Khi chăm sóc bệnh nhân rối loạn hành vi: lúc đầu có thể đính kèm ảnh bệnh nhân trong bệnh án để nhân viên y tế nhận diện. Khi đã quen mặt người bệnh, có thể chấp nhận việc nhìn mặt để nhận dạng. 

Xác nhận người bệnh hôn mê: người nhà người bệnh phải xác định nhân thân cho họ. Nếu một người bệnh hôn mê được đưa đến bệnh viện bởi Công an hoặc đơn vị dịch vụ cấp cứu và không có một chứng cứ nào về tên, tuổi để nhận diện phải đặt cho người bệnh một cái tên tạm thời và số hồ sơ. Những công cụ này sau đó có thể dùng để xác định bệnh nhân và để chắp nối với các công việc khác như dán nhãn xét nghiệm, y lệnh, v.v…Tiếp nhận một bệnh nhân hôn mê khó xác định nhân thân không phải là việc hiếm gặp, cần đưa vấn đề này vào quy định và buộc mọi người phải tuân thủ quy định một cách nhất quán. 

Cải thiện thông tin giữa các nhân viên

Nguyên tắc 1

Phải làm rõ y lệnh miệng hoặc thông báo kết quả xét nghiệm bằng cách yêu cầu người nhận “đọc lại” đầy đủ y lệnh hoặc kêt quả xét nghiệm. 

Biện pháp

Không khuyến khích y lệnh miệng. Tuy nhiên, ở hầu hết cơ sở y tế, xóa bỏ y lệnh miệng là điều không thể. 

Người nhận y lệnh miệng phải viết ra và đọc lại đúng nguyên văn cho người bác sĩ đã ra y lệnh nghe. Sau đó, bác sĩ xác nhận bằng miệng rằng lệnh đó là chính xác. Người nhận y lệnh về thuốc cần phải đọc lại tên thuốc và liều lượng cho người ra y lệnh. Khi đọc đánh vần như sau “B trong quả bóng”, “ P trong phở”; đánh vần từng con số, ví dụ: “ 0,2g” phải được đọc là “ không - phẩy - hai - gam” để tránh nhầm lẫn. Thận trong với các loại thuốc đọc nghe giống nhau.

Nguyên tắc 2

Chuẩn hóa danh mục các từ rút gọn, từ viết tắt 

Biện pháp

Danh mục từ rút gọn hoặc viết tắt cần có sự tham gia xây dựng và thống nhất của các bác sĩ và điều dưỡng viên, hộ sinh viên.

In danh mục từ viết tắt trên giấy bìa cứng màu sáng và treo ở nơi thuận tiện để nhắc nhở mọi người hoặc in danh mục từ viết tắt ngay ở góc dưới các tờ điều trị hoặc phiếu theo dõi.

Các Dược sĩ nhà thuốc không chấp nhận bất cứ một từ viết tắt nào không có trong danh mục từ viết tắt. 

Tiến hành một cuộc khảo sát thử để kiểm tra kiến thức nhân viên về danh mục từ viết tắt.

Xúc tiến chính sách “ không dùng từ viết tắt của tháng ”. 

Theo dõi sự tuân thủ của nhân viên với danh mục từ viết tắt.

Nguyên tắc 3

Khoa xét nghiệm phải trả kết quả xét nghiệm theo giờ quy định đối với từng loại xét nghiệm và nhân viên tiếp nhận kết quả xét nghiệm phải báo cáo kịp thời cho người có trách nhiệm. 

Biện pháp

Cơ sở y tế cần quy định cụ thể thời gian trả các kết quả xét nghiệm. Quy định người tiếp nhận, cách quản lí và báo cáo kết quả xét nghiệm

Tổ chức đánh giá việc bảo đảm đúng thời gian trong việc trả và báo cáo kết quả các xét nghiệm quan trọng. 

Bảo đảm an toàn trong dùng thuốc

Nguyên tắc 1

Soát xét danh mục các loại thuốc “ trông giống nhau ” hoặc “ nghe giống nhau ” và có các động biện pháp ngăn ngừa sai sót dùng nhầm thuốc.

Biện pháp

Nhân viên của cơ sở y tế phải được thông tin đầy đủ về danh mục các  tên thuốc khi đọc nghe - giống nhau và trông - giống nhau

Khi trao đổi thông tin về các thuốc nói trên yêu cầu phải viết và đọc lại tên thuốc.

Ghi các lời nhắc nhở vào máy vi tính hoặc trên lọ thuốc để cảnh giác nhân viên y tế về khả năng nhầm lẫn tiềm ẩn.

Kiểm tra gói/nhãn thuốc theo chỉ định trước khi đưa thuốc cho người bệnh.

Nguyên tắc 2:

Kiểm soát các thuốc dạng dung dịch có nồng độ đậm đặc tại các khoa, đặc biệt ở những nơi có người bệnh rối loạn hành vi hoặc trẻ nhỏ.

Biện pháp

Tất cả các dung dịch có nồng độ đậm đặc (ví dụ: Kali clorua 5%) chỉ cung cấp với số lượng hạn chế ở các khoa và chịu sự kiểm tra giám sát của khoa Dược. Bệnh viện phải xây dựng một hạn mức cho phép về số lượng các thuốc trên tại khoa.

Phải kiểm soát việc sử dụng các dung dịch này và phải có biện pháp phòng ngừa thích hợp để tránh việc các dung dịch đậm đặc bị dùng nhầm với những loại thuốc có bao bì giống với bao bì của dung dịch ( ví dụ: ống nước cất và dung dịch KCL 5%).

Phải có nhãn cảnh báo dễ nhìn, dễ thấy ở nơi để thuốc.

Xóa bỏ nhầm lẫn trong phẫu thuật

Các nguyên tắc sau đây được khuyến cáo để ngăn ngừa phẫu thuật sai vị trí, sai người bệnh đã được các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực chuyên môn trên toàn cầu khuyến cáo.

Nguyên tắc 1

Cơ sở y tế phải xây dựng các quy định nhằm loại bỏ việc phẫu thuật sai vị trí, sai phương pháp, sai bệnh nhân.

Biện pháp

Các quy định về cách xác định người bệnh trước khi gây mê, trước khi phẫu thuật, trước khi khâu vết mổ…

Các nhân viên y tế được thông tin về các quy định của cơ sở y tế và nghiêm túc thực hiện.

Nguyên tắc 2

Thực hiện quy trình xác định chính xác người bệnh trước phẫu thuật

Biện pháp

Bảo đảm bệnh án và tài liệu liên quan phải sẵn sàng trước khi bắt đầu phẫu thuật và nhân viên kíp mổ đọc và xác định lại vị trí, phương pháp phẫu thuật và tên người bệnh.

Thực hiện việc giao - nhận người bệnh trước mổ.

Nguyên tắc 3

Đánh dấu vị trí phẫu thuật để xác định vị trí cần rạch và cấy ghép

Biện pháp

Đánh dấu vị trí phẫu thuật phải làm rõ việc phân biệt bên phải / bên trái, các cấu trúc giải phẫu nhiều thành phần ( ngón tay, ngón chân, đốt xương sống..). Nhầm lẫn thường xảy ra đối với các phẫu thuật viên và người bệnh có các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.

Quy định đánh dấu phải nhất quán trong mỗi cơ sở y tế. Việc sử dụng dấu “X” hiện nay ít áp dụng vì ý nghĩa mập mờ,  “X’ có thể hiểu là phẫu thuật ở đây hay không phẫu thuật ở đây. Một vạch chỉ vị trí phẫu thuật hoặc chữ 'YES" là những cách được chấp nhận để đánh dấu vị trí phẫu thuật.

Nếu vị trí phẫu thuật liên quan đến X quang, kiểm tra xem phim có trong phòng mổ hay chưa. Kiểm tra xem tên của bệnh nhân có giống với tên trên phim không và có giống với tên trên bìa kẹp hồ sơ không. - Nếu có một vết thương ở vị trí  phẫu thuật, không cần phải đánh dấu. Tuy nhiên, nếu có nhiều vết thương hoặc vết xước và chỉ có vài vị trí sẽ được phẫu thuật, cần đánh dấu các vị trí này.

Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện

Nguyên tắc 1

Tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh tay của Bộ Y tế 

Biện pháp

Mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp đủ các phương tiện cần thiết để bảo đảm vệ sinh tay và có sẵn các lọ đựng dung dịch chứa cồn trên các bàn khám bệnh, các xe tiêm, xe làm thủ thuật, lối ra vào khoa 

Khuyến khích bệnh nhân, gia đình họ yêu cầu nhân viên y tế vệ sinh tay trước khi chăm sóc, làm thủ thuật cho người bệnh

Dán các tờ rơi cạnh bồn rửa tay và và trong phòng tắm để nhắc nhở nhân viên vệ sinh tay. 

Giám sát tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế và phản hồi với người phụ trách về việc thực hiện của nhân viên hoặc theo dõi số lượng cồn sát khuẩn tay dùng cho mỗi 1000 ngày điều trị.

Thực hiện một chương trình về vệ sinh tay và làm cho các hoạt động vệ sinh tay trở thành một ưu tiên của cơ sở y tế

Nguyên tắc 2

Tuân thủ các phòng ngừa cách ly trong các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế.

Biện pháp

Thực hiện các thực hành về Phòng ngừa chuẩn

Thực hiện các thực hành về Phòng ngừa theo đường tiếp xúc

Thực hiện các thực hành về Phòng ngừa theo đường giọt bắn

Thực hiện các thực hành về Phòng ngừa theo đường không khí

Nguyên tắc 3

Tuân thủ các quy định về vô khuẩn khi làm thủ thuật xâm lấn

Biện pháp

Dụng cụ y tế phải đảm bảo vô khuẩn cho tới khi sử dụng cho người bệnh

Tuân thủ các kỹ thuật vô khuẩn trong khi tiến hành các các thủ thuật xâm lấn.

Thực hiện đúng quy trình khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế.

Nguyên tắc 4

Thực hiện các giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện

Biện pháp

Giám sát người bệnh nhiễm khuẩn

Giám sát vi khuẩn kháng thuốc

Giám sát sử dụng kháng sinh hợp lý

Giảm nguy cơ người bệnh bị ngã

Nguyên tắc 

Đánh giá nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến ngã liên quan đến bệnh, thuốc và phương pháp điều trị và có các hành động can thiệp hiệu quả khi nguy cơ được nhận diện.

Áp dụng:

Lắp đặt chuông báo động tại giường, trong các nhà vệ sinh, lối ra vào

Hạn chế việc mở cửa sổ

Huấn luyện bệnh nhân và gia đình về phòng ngừa ngã khi vào viện - Sử dụng “giường thấp” và có thành cho những người bệnh có nguy cơ ngã.

Các biện pháp về tổ chức và quản lý

Đổi mới văn hóa an toàn người bệnh

Theo Hiệp hội chăm sóc y tế và an toàn của Vương quốc Anh: văn hóa an toàn người bệnh là những giá trị, thái độ, nhận thức, năng lực và hành vi của mỗi cá nhân cán bộ y tế hay của cơ sở y tế. Nó thể hiện trách nhiệm và sự cam kết của một tổ chức chăm sóc sức khoẻ trong việc đảm bảo an toàn người bệnh. 

Một cơ sở y tế không thể thực sự cải tiến an toàn người bệnh, nếu chờ đợi các sự cố xảy ra rồi mới có hành động khắc phục. Những phương pháp nhằm vào việc quy chụp trách nhiệm cho cá nhân những người liên quan đến sự cố sẽ dẫn đến văn hóa dấu diếm sự thật và đã được chứng minh ít hiệu quả trong việc mang lại những kết quả dài hạn. Bằng chứng là hầu hết các Sổ sai sót của các khoa và các bệnh viện hiện nay hầu như việc ghi theo dõi các sự cố mang tính hình thức và ít hiệu quả.

Theo các nhà nghiên cứu y khoa, 70% các sự cố y khoa không mong muốn có nguồn gốc sai sót từ hệ thống và chỉ có 30% là do cá nhân người hành nghề. Văn hoá an toàn cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo và sự tham gia của mọi cán bộ y tế. Lãnh đạo không định kiến và cởi mở trao đổi về những sai sót-sự cố y khoa không mong muốn. Các hành vi liên quan tới văn hóa an toàn người bệnh bao gồm:

Chủ động báo cáo và trao đổi một cách cởi mở về các sai sót, sự cố y khoa

Đánh giá cao những cán bộ y tế chủ động báo cáo khi sự cố xảy ra.

Giúp đỡ tinh thần cho những cán bộ y tế có liên quan tới sự cố

Trao đổi thông tin với bệnh nhân về kết quả điều trị, kể cả những việc xảy ra ngoài dự kiến

Tạo điều kiện để người bệnh trở thành một thành viên tích cực trong nhóm chăm sóc

Làm việc theo nhóm

Chủ động đánh giá rủi ro và ngăn ngừa sai sót.

Thành lập Ban an toàn người bệnh và bổ nhiệm điều phối viên

Ban an toàn người bệnh bao gồm đại diện Lãnh đạo và một số thành viên. Ban này có thể họp định kỳ để rà soát lại các vấn đề an toàn còn tiềm ẩn hay đã thực sự xảy ra. Việc thành lập Ban an toàn người bệnh sẽ giúp thúc đẩy văn hoá an toàn và duy trì sự hoạt động dài lâu chứ không phải chỉ là nhất thời. Ban an toàn người bệnh sẽ hợp nhất các hoạt động chung của nhiều bộ phận khác nhau ở mỗi cơ sở y tế. 

Bổ nhiệm một người điều phối các hoạt động an toàn người bệnh. Thiết lập một cơ cấu mới để phối hợp và điều phối các hoạt động an toàn người bệnh.

Khuyến khích tường trình sai sót

Cơ sở y tế cần có hướng dẫn cách thức báo cáo những sự cố y khoa và sai sót chuyên môn. Các hướng dẫn có thể bao gồm việc xác định các sự cố nào cần báo cáo, nên báo cáo với ai, báo cáo gửi cho ai và lưu ở đâu. 

Có nhiều cách khác nhau để nhận thông tin về các sai sót, sự cố y khoa như: báo cáo qua Email, qua đường dây nóng, qua người phụ trách bộ phận quản lí chất lượng hoặc một cán bộ lâm sàng được tin tưởng. Các quy định báo cáo chính thức, trịnh trọng cứng nhắc sẽ không có kết quả.

Chủ động đánh giá rủi ro

Một cách chủ động làm giảm sai sót, sự cố là thành lập một nhóm người để xem xét các báo cáo về các vấn đề an toàn còn tiềm ẩn và chủ động cải tiến quy trình. Nhóm này có thể gồm các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, bộ phận quản lý rủi ro và bộ phận cải tiến nghiệp vụ chuyên môn. Nhóm này nên gặp nhau thường xuyên để rà soát lại các thông tin từ các báo cáo chính thức cũng như không chính thức, qua đó sẽ chủ động can thiệp.

Thiết lập các hệ thống báo cáo nội bộ về các sự cố liên quan đến an toàn người bệnh. Báo cáo cần phân tích nguyên chính của các sự cố và để tiến hành các hoạt động chủ động giảm bớt rủi ro. Hàng năm cần có báo cáo phân tích tổng hợp về sự cố đã xảy ra và những hoạt động nhằm cải tiến an toàn cho bệnh nhân. Các cơ sở y tế cần theo các bước sau đây khi thực hiện phương pháp chủ động đánh giá rủi ro:

Bước 1: Chọn một qui trình có rủi ro cao để phân tích 

Bước 2: Vẽ sơ đồ qui trình các bước tiến hành

Bước 3: Động não về các kiểu sự cố tiềm ẩn và xác định hậu quả

Bước 4: Xếp ưu tiên các kiểu sự cố

Bước 5: Xác định nguyên do gốc của các kiểu sự cố

Bước 6: Thiết kế lại qui trình

Bước 7: Phân tích và kiểm tra qui trình mới

Bước 8: Thực hiện và theo dõi qui trình được thiết kế lại

Sự quan tâm của lãnh đạo là chìa khoá 

Văn hoá an toàn hàm chỉ thái độ mang tính tập thể. Xây dựng văn hoá an toàn người bệnh khởi đầu từ người lãnh đạo, lãnh đạo cần có thái độ đúng mực, không định kiến để có thể trao đổi cởi mở với nhân viên y tế về những sai sót tiềm ẩn. Lãnh đạo nào làm được điều này chắc chắn sẽ được nhân viên tin tưởng và tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến an toàn người bệnh.  - Lãnh đạo cơ sở y tế phải thường xuyên nói về tầm quan trọng của sự an toàn người bệnh và khuyến khích tất cả mọi người quan tâm, tập trung vào việc cải tiến an toàn người bệnh. Sự an toàn không nên chỉ là lỗ lực nhất thời, thông điệp về sự an toàn cần được duy trì lâu dài.

Tạo điều kiện cho người bệnh đặt câu hỏi đối với nhân viên y tế

Hỏi người hành nghề nghề về việc chẩn đoán, các xét nghiệm và kế hoạch điều trị.

Hỏi điều dưỡng viên, hộ sinh viên những thuốc đưa cho người bệnh uống và tác dụng của thuốc

Hỏi về khả năng sự cố y khoa không mong muốn khi chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật

return to top