ĐẠI CƯƠNG
Dụng cụ tử cung là một biện pháp tránh thai tạm thời và hiệu quả. Dụng cụ tử cung có hai loại:
Loại dụng cụ tử cung có chứa đồng (TCu 380A có tác dụng tránh thai 8- 10 năm và Mutiload 375 có tác dụng trong 5 năm)
Loại dụng cụ TC giải phóng Levonogestrel chứa 52 mg Levonogestrel, giải phóng 20mcg hoạt chất/ngày tác dụng tối đa 5 năm
CHỈ ĐỊNH
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ muốn áp dụng một biện pháp tránh thai tạm thời, dài hạn hiệu quả cao và không có chống chỉ định
Phụ nữ đang đặt DCTC muốn tháo để sinh đẻ hoặc chuyển BPTT khác
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Tuyệt đối
Có thai
Nhiễm khuẩn hậu sản
Ngay sau sảy thai nhiễm khuẩn -Ra máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân
Ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung
U xơ tử cung hoặc các dị dạng khác làm biến dạng buồng tử cung
Đang viêm tiểu khung, nhiễm khuẩn đường sinh sản
Bệnh huyết áp cao, bệnh gan, bệnh thận, bệnh tim nặng
Lao vùng chậu
Tương đối
Có nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường sinh sản hoặc nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cao
Có tiền sử thai ngoài tử cung
Trong thời gian từ 48 giờ đến 4 tuần sau đẻ
Tháo dụng cụ tử cung theo yêu cầu của người bệnh hoặc của cán bộ y tế không có chống chỉ định
Đang bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống ,hoặc có giảm tiểu cầu trầm trọng
Bệnh nguyên bào nuôi lành tính có nồng độ βhCG giảm dần
Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong 5 năm trử lại (chỉ với vòng levonogestrel) ,bệnh AIDs đang không ổn định
Đang bị thuyên tắc mạch ( chỉ chống chỉ định với levonogestrel)
Đang hoặc đã bị thiếu máu cơ tim
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Nữ hộ sinh trung cấp, y sĩ hay bác sỹ chuyên khoa phụ sản.
Người làm thủ thuật: rửa tay, đội mũ, mặc áo, đeo khẩu trang, đeo găng vô khuẩn.
Phương tiện
Dụng cụ tử cung
Van hoặc mỏ vịt
Kẹp pozzi
2 panh sát khuẩn
Dung dịch sát khuẩn, khăn vô khuẩn, găng, bông gạc vô khuẩn.
Người bệnh
Được tư vấn và giới thiệu về loại dụng cụ tử cung hiện có, hướng dẫn cụ thể về loại dụng cụ tử cung người bệnh sẽ dùng.
Giới thiệu và giải thích về ưu nhược điểm của loại dụng cụ tử cung mà người bệnh đó chọn.
Cách theo dõi sau đặt và tháo dụng cụ tử cung
Cho khách hàng đi tiểu
Để khách hàng nằm trên bàn theo tư thế phụ khoa
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Thời điểm đặt dụng cụ tử cung
Dụng cụ tử cung có chứa đồng (Tcu 380A và Multiload 375)
Đặt dụng cụ tử cung sau sạch kinh 2 ngày chưa giao hợp là thuận lợi nhất
Ở bất kỳ thời điểm nào nếu biết chắc chắn là không có thai, không cần sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ
Bất kỳ lúc nào trong vòng 12 ngày đầu của kỳ kinh (chưa giao hợp).
Dụng cụ tử cung giải phóng Levonogestrel
Trong vòng 7 ngày đầu kể từ ngày kinh đầu tiên
Ở bất kỳ thời điểm nào nếu biết chắc chắn là không có thai,
Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu hành kinh cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong vòng 7 ngày kế tiếp.
Vô kinh; bất cứ thời điểm nào nếu khẳng định không có thai, cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
Sau sinh 4-6 tuần trở đi (kể cả sau phẫu thuật lấy thai)
Sau phá thai ba tháng đầu và ba tháng giữa, trừ nhiễm khuẩn sau phá thai.
Kỹ thuật
Đặt dụng cụ tử cung Tcu 380A và Multiload 375
Khám trong để xác định tư thế, thể tích tử cung.
Thay găng vô khuẩn
Sát khuẩn bộ phận sinh dục ngoài (kẹp sát khuẩn 1)
Trải khăn vô khuẩn
Bộc lộ cổ tử cung
Sát khuẩn cổ tử cung và túi cùng âm đạo bằng Betadin (kẹp sát khuẩn 2)
Cặp cổ tử cung bằng pozzi
Đo buồng tử cung
Lắp dụng cụ tử cung vào ống đặt
Đưa dụng cụ tử cung vào trong tử cung. Cắt dây dụng cụ tử cung để lại từ 2
3 cm và gập vào túi cùng sau âm đạo.
Đặt dụng cụ tử cung giải phóng Levonogestrel
Các bước như với dụng cụ tử cung Tcu 380A và Multiload 375
Chú ý: thao tác thành thạo kỹ thuật đặt theo từng bước
Tháo dụng cụ tử cung
Vì lý do y tế
Có thai
Ra máu nhiều -Đau bụng dưới nhiều
Nhiễm khuẩn tử cung hoặc tiểu khung
Dụng cụ tử cung bị tụt thấp
Đã mãn kinh (sau khi mất kinh từ tháng 12 trở lên)
Dụng cụ tử cung đã hết hạn
Vì lý do cá nhân
Muốn có thai trở lại
Muốn dùng một biện pháp tránh thai khác
Không cần dùng biện pháp tránh thai khác
Cách tháo dụng cụ tử cung
Cả 3 loại dụng cụ tử cung (Tcu 380A, Multiload 375 và Mirena) đều có dây nên chỉ cần dùng kẹp cặp vào 2 dây nhẹ nhàng kéo ra là được. Nếu không thấy dây phải nong cổ tử cung dùng panh hình tim hoặc panh dài không có răng cặp và kéo dụng cụ tử cung.
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi
Sau khi đặt dụng cụ tử cung cho người bệnh nằm theo dõi 30 phút, uống thuốc kháng sinh 5 ngày tránh viêm nhiễm, uống thuốc giảm co bóp tử cung, làm việc nhẹ.
Kiêng giao hợp 1 tuần
Khám lại vào các thời điểm
Một tháng sau khi đặt
Ba tháng sau khi đặt
Một năm kiểm tra lại một lần
Khám lại ngay khi chưa có dấu hiệu bất thường như đau bụng nhiều, ra máu nhiều kéo dài, âm đạo ra dịch hôi…
Xử trí tai biến
Biến chứng do đặt và tháo dụng cụ tử cung rất ít. Tuy nhiên một số biến chứng có thể gặp trong khi đặt và tháo dụng cụ tử cung như : thủng tử cung, nhiễm khuẩn, chảy máu nhiều….
Thủng tử cung phẫu thuật khâu lỗ thủng
Nhiễm khuẩn: điều trị kháng sinh
Ra máu nhiều có thể phải lấy dụng cụ tử cung
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh