✴️ Các biến chứng thường gặp khi mang thai P2

Nội dung

Các tình trạng ở nhau thai

Những rối loạn sau đây có thể ảnh hưởng đến nhau thai khi mang thai:

Nhau bong non: Nhau bong non xảy ra khi nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh khiến thai nhi có thể không nhận đủ oxy. Các triệu chứng có thể bao gồm chảy máu, chuột rút, đau bụng và căng cơ tử cung.

Nhau tiền đạo: Đây là tình trạng nhau thai bao phủ toàn bộ hoặc một phần cổ tử cung. Tình trạng này thường không có triệu chứng và nó thường tự khỏi vào tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên, cần được theo dõi, vì các triệu chứng như co thắt và chảy máu âm đạo có thể là trường hợp khẩn cấp.

Suy nhau thai: Xảy ra khi nhau thai không thể cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi.

Nhồi máu nhau thai: Xảy ra khi có những vùng mô chết bên trong nhau thai.

Nhau cài răng lược: Đây là khi nhau thai và các mạch máu bám vào và phát triển thành tử cung.

Điều trị

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng thai phụ gặp phải. Tuy nhiên, đối với nhau bong non, thai phụ có thể được theo dõi trong bệnh viện hoặc được khuyến nghị hạn chế hoạt động thể chất.

Đối với những trường hợp nhau bong non nghiêm trọng, sản phụ có thể cần được chăm sóc y tế đặc biệt và được các bác sĩ lên lịch sinh em bé sớm.

Nếu nhau bong non gây chảy máu nhiều, sản phụ cần nhập viện đồng thời lên lịch sinh mổ (thường là từ 2-4 tuần trước ngày dự sinh)

 

Sẩy thai

Sẩy thai là hiện tượng thai nhi tử vong trước đủ tháng một cách bất ngờ có thể xảy ra vì nhiều lý do. Các triệu chứng của sẩy thai bao gồm:

  • Dịch hoặc mô chảy ra từ âm đạo
  • Co thắt ở bụng dưới
  • Đau lưng dưới
  • Chảy máu âm đạo

Chảy máu âm đạo khi mang thai không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của việc sảy thai. Sản phụ vẫn cần liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ nếu bị chảy máu âm đạo.

Các phương pháp can thiệp mà sản phụ được áp dụng khi sẩy thai sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng và giai đoạn trong thai kỳ.

Một số trường hợp sản phụ có thể yêu cầu dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ mô thai ra khỏi tử cung, để ngăn ngừa chảy máu thêm hoặc nhiễm trùng.

Ngoài ra, sẩy thai có thể xảy ra vì nhiều lý do, chẳng hạn như bất thường di truyền ở thai nhi và các tình trạng ảnh hưởng đến cổ tử cung hoặc tử cung. Nếu tình trạng sẩy thai xảy ra do tình trạng sức khỏe, sản phụ có thể cần được điều trị nguyên nhân.

Chuyển dạ sinh non

Chuyển dạ sinh non xảy ra khi mọi người chuyển dạ trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Chuyển dạ sinh non có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe ở em bé, vì chúng chưa phát triển hoàn thiện.

Các triệu chứng của chuyển dạ sinh non bao gồm:

  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Tăng áp lực ở vùng chậu
  • Co thắt
  • Đau lưng lan xuống bụng

Điều trị

Nghỉ ngơi nhiều hơn và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp ngăn quá trình chuyển dạ tiến triển. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho sản phụ có thể sinh sớm.

 

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là tình trạng thường gặp, các triệu chứng như:

  • Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Sốt
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Nước tiểu đục, có mùi khó chịu
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi
  • Đau lưng

Điều trị

Bác sĩ có thể xét nghiệm mẫu nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng tiểu. Thuốc kháng sinh thường có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

 

Các biến chứng trong quá trình chuyển dạ

Sau đây là một số biến chứng mà một người có thể gặp phải khi chuyển dạ:

Thai ngôi mông

Nếu thai nhi ngôi mông có nghĩa là vị trí của thai nhi nằm đối mặt với bàn chân hoặc mông trước khi sinh. Bác sĩ có thể sờ vào bụng sản phụ để kiểm tra xem thai nhi đang quay về phía nào hoặc sử dụng phương pháp siêu âm.

Trong trường hợp này, bác sĩ có thể sử dụng một kỹ thuật được gọi là phương pháp xoay ngôi thai ngoài (ECV) để xoay thai bằng tay. Trong trường hợp nếu ECV không hiệu quả, sản phụ có thể cần sinh mổ.

Cân nặng khi sinh thấp

Nếu được sinh ra nhẹ cân (khoảng dưới 2,5kg), trẻ sơ sinh vẫn có thể khỏe mạnh với trọng lượng sinh thấp, nhưng một số trẻ có thể gặp vấn đề về sức khỏe.

Một số trẻ sơ sinh nhẹ cân có thể cần được theo dõi liên tục, sử dụng ống cho ăn hoặc điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.

 

Điều gì có thể làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng?

Tình trạng sức khỏe hiện tại có thể làm tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai, bao gồm:

Tình trạng sức khỏe Ảnh hưởng đến thai kỳ

Trầm cảm: Nếu sản phụ bị trầm cảm trước khi mang thai, nó có thể làm tăng khả năng bị trầm cảm sau sinh.

Bệnh tiểu đường: Có mức đường huyết cao có thể gây hại cho thai nhi và làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường lâu dài.

Rối loạn ăn uống: Rối loạn ăn uống có thể dẫn đến các tình trạng như khuyết tật bẩm sinh, sinh non, trầm cảm sau sinh.

Động kinh: Động kinh có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu.

Thừa cân và béo phì: Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật và sinh non.

Bệnh tuyến giáp: Cường giáp có thể gây suy tim và thai nhi tăng cân thấp.

U xơ tử cung: U xơ tử cung hiếm khi có thể dẫn đến sót thai. Đôi khi chúng có thể dẫn đến sinh non hoặc sinh ngôi mông.

Huyết áp cao: Huyết áp cao có thể dẫn đến các tình trạng như tiền sản giật, nhau bong non, sinh non, cân nặng khi sinh thấp

Các tình trạng sức khỏe sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Bệnh tim
  • Bệnh thận
  • Bệnh tự miễn
  • Bệnh tuyến giáp
  • Nhiễm Zika

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ biến chứng bao gồm:

  • Mang thai ở tuổi vị thành niên
  • Mang thai lần đầu trên 35 tuổi
  • Uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các chất kích thích khi mang thai

 

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Đi khám bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong thai kỳ, bao gồm:

  • Chảy máu bất thường âm đạo
  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Đau bụng, co thắt vùng bụng
  • Chóng mặt, ngất xỉu
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Mờ mắt
  • Đau đầu
  • Sưng ở tay hoặc mặt

Phòng ngừa

Có thể ngăn ngừa một số biến chứng thai kỳ bằng những cách sau:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Quản lý tình trạng sức khỏe hiện có
  • Khám thai định kỳ
  • Tránh hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất kích thích
  • Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng
  • Duy trì cân nặng hợp lý

Tự chăm sóc tại nhà

Các mẹo tự chăm sóc khi mang thai bao gồm:

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn
  • Tập thể dục thường xuyên, ít tác động, chẳng hạn như đi bộ và bơi lội
  • Dành thời gian ngoài trời trong không khí trong lành
  • Dành thời gian cho các hoạt động thư giãn
  • Chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho cuộc sinh nở.

 

Tóm lược

Bài viết này chỉ liệt kê một phần, không phải đầy đủ tất cả các biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ. Mang thai là một quá trình nhiều biến động, một số người có thể gặp các biến chứng khi mang thai. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng.

Khám thai định kỳ trước khi sinh và tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về các triệu chứng có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ.

Điều quan trọng cần lưu ý là nếu sản phụ có một tình trạng có thể làm tăng khả năng bị biến chứng thai kỳ, tuy nhiên điều này không có nghĩa là họ không nên mang thai. Nhiều tình trạng sức khỏe, khi được quản lý tốt, thì có ảnh hưởng không đáng kể trong việc gây ra các biến chứng thai kỳ.

Trong suốt thai kỳ, sản phụ có thể yêu cầu theo dõi và kiểm tra thêm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top