Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ suy giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ

Việc đánh giá khả năng sinh sản chỉ thực sự được quan tâm khi cá nhân bắt đầu có kế hoạch sinh con. Điều này dẫn đến tình trạng chẩn đoán muộn ở nhiều trường hợp vô sinh. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường liên quan đến khả năng sinh sản có vai trò quan trọng trong việc can thiệp kịp thời và tăng khả năng thụ thai tự nhiên.

1. Rối loạn kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt không đều, quá dài (>35 ngày) hoặc quá ngắn (<21 ngày) có thể phản ánh tình trạng rối loạn phóng noãn. Đây là yếu tố thường gặp ở phụ nữ vô sinh. Trong nhiều trường hợp, điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý hoặc sử dụng thuốc điều hòa nội tiết có thể cải thiện tình trạng này và hỗ trợ khả năng thụ thai.

 

2. Các bệnh lý phụ khoa

Một số bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hoặc tắc vòi trứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản:

  • Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô nội mạc tử cung phát triển ở vị trí ngoài tử cung, gây đau bụng kinh dữ dội và hình thành mô sẹo, ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng và vòi trứng.

  • PCOS đặc trưng bởi sự xuất hiện của nhiều nang nhỏ trong buồng trứng, kèm theo rối loạn hormon và giảm tần suất rụng trứng.

  • Tắc vòi trứng ngăn cản sự gặp gỡ giữa tinh trùng và trứng, làm giảm khả năng thụ thai.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh lý này có thể cải thiện tiên lượng sinh sản.

 

3. Viêm phần phụ

Viêm phần phụ, thường là hậu quả của các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), có thể gây tổn thương nghiêm trọng tại buồng trứng, vòi trứng và tử cung. Biến chứng lâu dài có thể dẫn đến vô sinh do hình thành sẹo và dính trong cơ quan sinh sản. Khuyến cáo kiểm tra phụ khoa sớm khi có các dấu hiệu như tiểu đau, đau khi giao hợp, ngứa hoặc rát âm đạo, đặc biệt ở phụ nữ có tiền sử quan hệ tình dục không an toàn.

 

4. Rối loạn chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp ảnh hưởng đến toàn bộ chuyển hóa cơ thể, bao gồm cả trục nội tiết sinh sản. Rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp hoặc suy giáp) có thể gây ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và khả năng mang thai. Việc tầm soát chức năng tuyến giáp là cần thiết khi lập kế hoạch sinh con, đặc biệt ở phụ nữ có rối loạn kinh nguyệt hoặc triệu chứng gợi ý bệnh tuyến giáp.

 

5. Tuổi tác

Tuổi sinh sản ở nữ giới bị giới hạn do dự trữ buồng trứng suy giảm theo thời gian. Khả năng thụ thai tự nhiên bắt đầu giảm rõ rệt từ sau 35 tuổi. Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ giảm chất lượng trứng và gia tăng các biến chứng thai kỳ. Do đó, các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo nên có kế hoạch sinh con trước tuổi 35, hoặc cân nhắc các biện pháp hỗ trợ sinh sản khi cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top