✴️ Tia X ở mức độ nào thì ảnh hưởng đến thai nhi?

Nội dung

Tia X hoạt động như thế nào?

Tia X là những chùm phóng xạ ngắn không nhìn thấy được bằng mắt thường có thể đi qua mô cơ thể và được phóng ra khi thực hiện kỹ thuật chụp X quang. Nó thường được áp dụng để hỗ trợ việc chẩn đoán các loại bệnh về xương khớp, phổi và các cơ quan trong cơ thể của con người.

Mức độ hoặc liều lượng bức xạ được sử dụng khác nhau, tùy thuộc vào loại tia X và thiết bị được sử dụng. Nó cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào kích thước của mỗi người. Trong tia X, liều phóng xạ được đo bằng miligram.

Có an toàn hay không khi chụp X-quang trong khi mang thai?

Khả năng chụp X quang khi bà mẹ đang mang thai có thể gây hại cho thai nhi là tương đối thấp. Nói chung, lợi ích của thông tin thu nhận được từ chẩn đoán chụp X quang lớn hơn so với nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi. Tuy nhiên, nếu sản phụ tiếp xúc trực tiếp với một số lượng lớn tia X lên vùng bụng trong một thời gian ngắn, trước khi có nhận thức về việc đang  mang thai thì em bé có thể bị ảnh hưởng nếu nhiễm liều bức xạ lớn hơn 5rad.

Đối với các trường hợp chụp X quang các bộ phận như cánh tay, chân, đầu hoặc ngực thì hầu như không gây quá nhiều ảnh hưởng cho thai nhi và mẹ. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng nếu chụp X quang răng trong thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thì có thể khiến đứa trẻ sinh ra bị nhẹ cân.

Trường hợp nguy hiểm nhất mà việc chụp X quang có thể tác động đến thai nhi đó là khi phần thân dưới của người mẹ như bụng, dạ dày, xương chậu, lưng dưới hoặc thận tiếp xúc trực tiếp với tia X. Lúc này, em bé ở trong bụng cũng có thể gặp nhiều nguy cơ hơn.

Mức độ ảnh hưởng của tia X đến thai nhi

Như đã khẳng định ở trên thì tia X có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu người mẹ tiến hành chụp X quang các bộ phận thân dưới, đặc biệt là vùng bụng. Nguy cơ gây hại của tia X cho thai nhi sẽ phụ thuộc vào độ tuổi thai và mức độ phơi nhiễm phóng xạ.

Trường hợp, người mẹ tiếp xúc với bức xạ liều cực cao trong hai tuần đầu sau khi thụ thai có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai.

Nếu tiếp xúc với bức xạ liều cao từ 2 đến 8 tuần sau khi thụ thai có thể làm tăng hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi hoặc gây ra dị tật bẩm sinh.

Phơi nhiễm bức xạ từ giữa tuần thứ 8 và 16 có thể làm tăng nguy cơ bị thiểu năng trí tuệ.

Vì thế, trước khi chụp X quang, hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang hoặc có thể mang thai. Tùy thuộc vào thời điểm, các bác sĩ có thể trì hoãn việc sử dụng tia X hoặc giảm lượng phóng xạ xuống mức an toàn.

Mức độ ảnh hưởng của tia X đến thai nhi

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại những bất đồng về mặt khoa học về việc liệu một lượng nhỏ phóng xạ được sử dụng trong việc chẩn đoán bằng X quang có thực sự gây hại cho thai nhi hay không. Nhưng chúng ta đều biết rằng thai nhi rất nhạy cảm với tác động từ những thứ như phóng xạ, một số loại thuốc, rượu hay nhiễm trùng.

Điều này là hoàn toàn đúng, một phần bởi vì các tế bào của thai nhi đang phân chia nhanh chóng và phát triển thành các tế bào hoàn chỉnh và mô chuyên biệt. Nếu bức xạ hoặc các tác nhân khác gây ra thay đổi trong các tế bào này, có thể tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh hoặc một số bệnh nhất định, chẳng hạn như bệnh bạch cầu.

Nhưng cũng cần phải chỉ ra rằng phần lớn các khuyết tật bẩm sinh và các bệnh ở trẻ em xảy ra ngay cả khi người mẹ không tiếp xúc với bất kỳ tác nhân gây hại nào kể trên trong thai kỳ. Các nhà khoa học tin rằng di truyền và lỗi ngẫu nhiên trong quá trình phát triển là nguyên nhân chính của hầu hết các vấn đề này.

Nếu người mẹ chụp X quang trước khi mình bị mang thai?

Nếu không may bạn đã tiến hành chụp X quang trước khi biết mình mang thai, thì đừng nên quá hoảng sợ hay lo lắng quá mức. Vì khả năng tia X có thể gây tác động xấu đến cơ thể bạn và đứa con chưa sinh là tương đối thấp.

Tuy nhiên, có những tình huống mà trong đó người phụ nữ không biết mình mang thai lại tiếp nhận một số lượng lớn tia X trực tiếp lên vùng bụng trong thời gian ngắn, hoặc tiến hành điều trị bức xa phía thân dưới, thì trong trường hợp này nên thông báo ngay đến bác sĩ phụ trách để họ có thể đưa ra những tư vấn cần thiết nhất.

Làm thế nào để giúp giảm thiểu rủi ro khi tiến hành chụp X quang khi mang thai?

Điều đầu tiên cũng là quan trọng nhất chính là thông báo ngay với các bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghĩ rằng mình có khả năng mang thai. Điều này rất quan trọng đối với các quyết định điều trị bệnh như kê đơn thuốc, phương thức điều trị hay như chụp X quang. Đặc biệt giai đoạn những tuần đầu của thai kỳ, cơ thể của mẹ và thai nhi vô cùng nhạy cảm nên tránh có những tác động không cần thiết từ bên ngoài vào.

Trong trường hợp bạn chưa có thai nhưng được chỉ định chụp X quang thì hãy yêu cầu mặc mắc áo chì bảo hộ để bảo vệ cơ quan sinh sản của bản thân. Điều này có thể giúp ngăn chặn ảnh hưởng đến gen của bạn cũng như có thể di truyền lại gây ảnh hưởng xấu đến con cái của bạn trong tương lai.

Cuối cùng hãy trao đổi với bác sĩ về sự cần thiết phải kiểm tra X quang, bạn cần hiểu rõ lý do vì sao sử dụng tia X được yêu cầu trong trường hợp này, để tránh tâm lý hoang mang cũng như ảnh hưởng đến quyết định mang thai của bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top