Đau bụng kinh là hiện tượng nhiều chị em gặp phải trong chu kì kinh nguyệt. Điều này khiến nhiều chị em khó chịu, gây bất tiện trong sinh hoạt. Vậy nguyên nhân và cách xử trí hiện tượng này như thế nào?
Đau bụng kinh là hiện tượng hầu hết các chị em đều từng trải qua tuy nhiên mỗi người lại có mức độ đau khác nhau. Đau bụng kinh thường xuất hiện trước hoặc trong suốt kì kinh.
Khi bị đau bụng kinh, chị em sẽ cảm thấy:
– Đau âm ỉ, râm ran vùng bụng dưới, thậm chí cơn đau còn lan xuống đùi, xương mu hoặc bẹn.
– Đi kèm hiện tượng căng tức, đau ngực nhẹ.
– Đau nhức vùng thắt lưng, chóng mặt, mệt mỏi, vã mồ hôi lạnh.
– Có cảm giác đầy bụng, buồn nôn, thậm chí là nôn.
– Tâm lý bất thường, dễ cáu giận.
Đau bụng kinh thường kéo dài trong một hoặc một vài ngày, tùy theo cơ địa của từng chị em. Có nhiều trường hợp, cơn đau bụng kinh diễn ra dữ dội khiến chị em thậm chí phải dùng đến thuốc hoặc tới bệnh viện cấp cứu.
Trên thực tế, đau bụng kinh thông thường là hiện tượng xảy ra do quá trình co thắt bất thường của tử cung trước hoặc trong kì kinh, nhằm mục đích đẩy máu kinh ra bên ngoài cơ thể qua đường âm đạo.
Đau bụng kinh có hai loại:
– Đau bụng kinh nguyên phát: đây là loại đau bụng kinh sinh lý, không gây nguy hiểm.
– Đau bụng kinh thứ phát: Là đau bụng kinh liên quan đến các bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, hẹp cổ tử cung, u dưới niêm mạc tử cung…
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng đau bụng kinh như:
– Do nội tiết tố: Trong kì kinh nguyệt, lượng progesterone trong cơ thể chị em phụ nữ tăng cao. Khi đó hàm lượng prostaglandin trong các mô nội mạc tử cung cũng theo đó mà tăng lên khiến cho tử cung co lại, gây ra hiện tượng đau bụng.
– Do yếu tố di truyền: Một vài chị em bị đau bụng kinh là được di truyền từ mẹ đẻ của mình.
– Do yếu tố ngoại cảnh tác động: Trong kì kinh nguyệt, nếu chị em vận động quá mạnh hoặc bị trúng gió, cảm lạnh cũng có thể dẫn đến hiện tượng đau bụng kinh.
– Do chị em có dị tật bẩm sinh.
– Do vị trí tử cung không bình thường. Nếu tử cung của chị em bị lùi về sau hoặc đẩy về trước quá nhiều cũng sẽ khiến sự lưu thông của máu kinh, gây ra đau bụng kinh.
– Do ống cổ tử cung quá hẹp. Điều này làm cản trở sự lưu thông của máu kinh.
– Do mắc một số viêm nhiễm, bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, u xơ tử cung, u nang tử cung…
– Do biến chứng của việc nạo phá thai khiến vùng nội mạc tử cung bị dính.
– Do đặt vòng tránh thai. Những chị em đang đặt vòng thường có nguy cơ đau bụng kinh cao hơn phụ nữ bình thường.
– Do stress, căng thẳng, ngồi một chỗ quá lâu, ăn – uống các loại thực phẩm lạnh… cũng có thể gây đau bụng kinh.
– Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Tránh căng thẳng, mệt mỏi.
– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách. Thay băng vệ sinh ít nhất 4 tiếng/ lần.
– Tập thể dục nhẹ nhàng.
– Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng bụng nếu vào mùa lạnh.
– Tắm và vệ sinh vùng kín bằng nước ấm.
– Chườm nóng vùng bụng dưới bị đau. Điều này giúp máu tuần hoàn tốt hơn, giảm hiện tượng đau tức.
– Nằm sấp và kê gối mỏng dưới bụng.
– Không sử dụng các chất kích thích, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá.
Hiện tượng đau bụng kinh thường kéo dài từ 5 – 7 ngày trước kì kinh nguyệt và kéo dài cho đến khi kinh nguyệt xuất hiện. Đặc biệt, cơn đau sẽ trở nên dữ dội hơn khi gần sát đến ngày đèn đỏ.
Chị em cần theo dõi hiện tượng đau bụng kinh của mình. Nếu có dấu hiệu bất thường nào cần nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám, xác định nguyên nhân và có cách xử trí kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh