Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh trong 4 tuần đầu sau sinh

Giai đoạn sơ sinh được tính từ thời điểm trẻ chào đời đến hết ngày thứ 28. Đây là thời kỳ trẻ phải thực hiện hàng loạt thay đổi sinh lý quan trọng để thích nghi với môi trường sống ngoài tử cung. Việc chăm sóc trong giai đoạn này cần được thực hiện một cách tỉ mỉ, nhẹ nhàng, đảm bảo vệ sinh và an toàn, nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.

1. Môi trường phòng trẻ sơ sinh

Phòng ở: Thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, tránh gió lùa. Vào mùa hè, cần thông thoáng; mùa đông cần đảm bảo đủ ấm.

Nhiệt độ phòng: Duy trì từ 25–26°C đối với trẻ đủ tháng và nặng ≥2.500g để hỗ trợ ổn định thân nhiệt sau sinh.

Mẹ và con nên nằm cùng phòng để thuận tiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc ban đầu.

 

2. Chăm sóc rốn

  • Nguyên tắc: Rốn là vị trí dễ nhiễm khuẩn nên cần chăm sóc vô khuẩn cho đến khi rốn rụng và khô sẹo (thường sau 5–7 ngày).

  • Cách thay băng rốn:

    1. Rửa tay với xà phòng, sát khuẩn lại bằng dung dịch cồn 70–90°.

    2. Gỡ bỏ gạc cũ, dùng gạc tiệt trùng thấm cồn sát khuẩn chân rốn, đoạn cuống rốn và vùng quanh rốn (bán kính 4–5 cm).

    3. Lau khô, đắp gạc vô trùng và cố định bằng băng sạch.

  • Thực hiện hàng ngày cho đến khi rốn rụng và thành sẹo khô, không để rốn ướt hoặc dính bẩn.

 

3. Chăm sóc mắt

  • Mục tiêu: Phòng tránh nhiễm khuẩn mắt sau sinh, nhất là ở trẻ sinh ngả âm đạo có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ mẹ.

  • Thực hiện:

    • Lau mắt bằng gạc sạch thấm NaCl 0,9%, mỗi bên mắt dùng một miếng gạc riêng, lau từ góc trong mắt ra ngoài.

    • Nhỏ mắt bằng dung dịch kháng sinh (như gentamycin 0,3%) theo chỉ định.

 

4. Chăm sóc da và vùng kín

  • Da trẻ sơ sinh: Mỏng, nhạy cảm, dễ tổn thương do liên kết mô lỏng lẻo và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

  • Sau sinh: Không cần tắm ngay. Lau khô người, giữ ấm bằng cách mặc áo, quấn tã sau sinh.

  • Ngày hôm sau: Có thể tắm nước ấm để loại bỏ lớp gây.

  • Vệ sinh sau đại tiểu tiện: Rửa sạch bằng nước ấm, lau khô hoàn toàn trước khi mặc tã.

    • Với bé gái, lau từ trước ra sau để tránh lây nhiễm từ hậu môn vào âm đạo.

    • Với bé trai, không kéo ngược bao quy đầu để tránh tổn thương.

  • Bôi kem dưỡng da phòng hăm nếu cần, đặc biệt tại các vùng nếp gấp.

 

5. Tắm cho trẻ sơ sinh

  • Mùa hè: Có thể tắm hàng ngày.

  • Mùa đông: 2–3 lần/tuần, vào thời điểm ấm trong ngày. Lau sạch vùng mặt, cổ, nách, bẹn hàng ngày.

  • Lưu ý: Tránh làm ướt rốn khi chưa rụng. Sau tắm, lau khô kỹ vùng da nếp gấp rồi mặc đồ ấm.

 

6. Theo dõi bài tiết (phân và nước tiểu)

  • Phân su: Xuất hiện trong 24 giờ đầu, màu đen hoặc xanh đậm, không mùi. Kéo dài 2–4 ngày.

    • Bất thường: Phân su không ra trong 24h hoặc phân có mùi thối, bụng trướng, nôn nhiều → nghi ngờ tắc ruột, viêm ruột hoại tử… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

  • Phân chuyển tiếp: Sau phân su, phân vàng hoa cà – hoa cải.

  • Số lần đi tiêu: 8–9 lần/ngày, giảm dần theo thời gian.

  • Nước tiểu: Trung bình 15–20 lần/ngày, màu trong, không mùi.

    • Nếu nước tiểu vàng sậm, mùi nặng → nghĩ đến bú thiếu sữa → khuyến khích bú mẹ theo nhu cầu.

 

Khuyến cáo chung

Tất cả các thao tác chăm sóc cần tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn.

Theo dõi sát các dấu hiệu bất thường như: sốt, vàng da lan rộng, bú kém, thở nhanh, tím tái, phân bất thường.

Khám sơ sinh và tiêm chủng đúng lịch là yếu tố then chốt đảm bảo sức khỏe lâu dài cho trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top