Một số thông tin về bệnh giang mai

Giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi xoắn khuẩn reponema pallidum xâm nhập vào cơ thể khi quan hệ tình dục không an toàn, qua các vết xước trên da hoặc niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai.

Phụ nữ mang thai bị mắc bệnh giang mai có thể lây truyền bệnh cho thai nhi qua nhau thai hoặc trong quá trình chuyển dạ và có thể gây thai chết lưu, sinh non và nhiều dị tật bẩm sinh khác.

Sau khi bị nhiễm vi khuẩn, các triệu chứng đầu tiên thường sẽ xuất hiện sau khoảng 3 tuần.

Dấu hiệu và triệu chứng

Các triệu chứng khởi phát của bệnh giang mai là các vết loét không đau (săng giang mai) ở trên da hoặc niêm mạc sinh dục. Chúng có thể dễ nhìn thấy khi xuất hiện trên dương vật hoặc bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới, nhưng cũng có thể ẩn trong âm đạo, cổ tử cung của phụ nữ hoặc dưới bao quy đầu của nam giới.

Nếu sau 1 – 2 tháng không được điều trị, các dấu hiệu khác có thể xuất hiện như:

  • Phát ban trên da ở khắp cơ thể (Đào ban - Roseole), nhưng chủ yếu là lòng bàn tay, bàn chân
  • Vết loét trên miệng và bộ phận sinh dục hoặc hậu môn
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Sốt nhẹ
  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Đau cơ

Nếu không được điều trị, vi khuẩn sẽ xâm nhập khắp cơ thể, gây tổn thương nhiều hệ cơ quan và gây ra các bệnh mãn tính như các bệnh về tim mạch cho tới thần kinh và thậm chí tử vong.

Một đứa trẻ mới chào đời bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai từ người mẹ trong giai đoạn đầu có thể không có biểu hiện gì. Tuy nhiên, một thời gian sau trẻ có thể xuất hiện những triệu chứng như tiết dịch mũi màu vàng, phát ban, loét da, phù, nhiễm trùng xương, sốt, sưng lách và gan, thiếu máu và vàng da. Những triệu chứng này có thể biểu hiện ngay khi sinh ra hoặc trong vòng 1 tháng đầu đời.

 

Khám bệnh

Nếu trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên đột ngột xuất hiện những vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc những triệu chứng khác nêu trên, hãy đưa trẻ đi khám bác sỹ ngay.

 

Chẩn đoán

Bác sỹ sẽ chẩn đoán dựa trên những triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm máu để tìm sự hiện diện của xoắn khuẩn giang mai. Dịch tiết từ vết loét cũng có thể được sử dụng để xét nghiệm tìm vi khuẩn.

Mọi phụ nữ mang thai nên được thực hiện xét nghiệm máu để phát hiện giang mai và các bệnh lây qua đường tình dục khác sớm trong thai kỳ.

 

Điều trị

Thông thường, bệnh giang mai có thể được điều trị bằng kháng sinh penicillin đường tiêm.

 

Tiên lượng bệnh

Điều trị giang mai bằng penicillin có thể giúp trị khỏi chứng nhiễm trùng. Người bệnh nên thực hiện thêm xét nghiệm máu sau điều trị để đảm bảo rằng vi khuẩn đã được loại bỏ hoàn toàn.

 

Phòng bệnh

Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là thực hiện quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top