✴️ Nấm âm đạo – Vấn đề phụ khoa của hơn 75% chị em phụ nữ

Nội dung

1. Nấm âm đạo là gì?

Âm đạo bị nhiễm nấm là khi nấm Candida albicans trong môi trường này tăng sinh, phát triển mạnh mẽ, lấn át lợi khuẩn và gây ra những tổn thương nhất định tại vùng kín, viêm nhiễm phụ khoa.

Loại nấm này thường có nhiều ở cơ thể người. Tuy nhiên, chúng thường tồn tại với số lượng ổn định, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Chỉ khi điều kiện sống, điều kiện phát triển thuận lợi, nấm Candida albicans mới tăng sinh. Đặc biệt, vùng dễ mất cân bằng pH như âm đạo, loại nấm này lại càng dễ sinh sôi, gây viêm nhiễm, ngứa ngáy.

 

2. Triệu chứng thường gặp khi bị nấm Candida

Thông thường, khi bị nhiễm nấm Candida, người bệnh có thể dễ dàng nhận biết thông qua các triệu chứng lâm sàng. Cụ thể:

– Vùng kín ngứa ngáy, khó chịu, đôi khi nóng rát.

– Dịch tiết nhiều, thường có màu trắng, vón cục, dạng như sữa chua.

– Đau buốt khi đi vệ sinh hoặc khi quan hệ vợ chồng.

– Nhiều trường hợp nấm phát triển mạnh, không chỉ gây sưng, ngứa tại vùng âm đạo mà còn khiến cho môi ngoài âm đạo, phần bẹn, đùi bị lở loét, tổn thương.

Nấm âm đạo khiến cho vùng kín ngứa ngáy, khó chịu

Nấm âm đạo khiến cho vùng kín ngứa ngáy, khó chịu

 

3. Nguyên nhân nào dẫn tới nấm âm đạo

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nấm Candida tại vùng âm đạo tăng sinh. Cụ thể, chị em cần lưu ý một số nguyên nhân chính sau:

– Cách vệ sinh âm đạo chưa đúng, pH tự nhiên bị thay đổi, mất đi sự cân bằng, vì vậy khiến môi trường âm đạo bị rối loạn, lợi khuẩn bị nấm, vi khuẩn lấn át.

– Đồ lót chật, không thông thoáng khiến cho độ ẩm tại vùng kín tăng cao, là điều kiện lý tưởng cho nấm phát triển và gây viêm nhiễm phụ khoa.

– Không chú ý đến vấn đề vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục, “yêu” không an toàn, nhiễm nấm từ đối phương.

– Hormone nội tiết tố thay đổi, khiến cho quá trình tiết dịch âm đạo bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cho nấm lan rộng.

– Đái tháo đường khiến cho lượng đường trong dịch nhầy âm đạo vượt quá mức cho phép, trở thành nguồn “thức ăn” cho nấm.

– Sử dụng kháng sinh bừa bãi, khiến cho môi trường pH tự nhiên của âm đạo bị rối loạn, lợi khuẩn bị tiêu diệt cùng lúc, nấm có cơ hội phát triển nhiều hơn.

 

4. Biến chứng có thể xảy ra khi vùng kín nhiễm nấm

Trên thực tế, có tới hơn 20% bệnh nhân nhiễm nấm âm đạo gặp biến chứng do chủ quan, để nấm phát triển sâu mà không có biện pháp điều trị phù hợp. Một số biến chứng có thể xảy ra khi chị em không điều trị dứt điểm nấm Candida như:

– Khả năng tái nhiễm ngày càng cao, khoảng cách giữa những lần tái nhiễm ngày càng gần.

– Vùng kín, âm đạo bị phù nề nghiêm trọng, dẫn đến viêm loét, nhiễm trùng phụ khoa.

– Nấm Candida đặc biệt nguy hiểm với các mẹ đang trong thai kỳ. Nấm phát triển sâu, lan tới tử cung có thể làm tăng tỉ lệ sinh non, vỡ ối sớm, bé nhẹ cân, gây ra các vấn đề bất thường liên quan tới sức khỏe của mẹ và bé,…

– Nấm Candida kéo dài cũng có thể là tác nhân khiến cho bé mắc các bệnh ngoài da, bệnh về mắt, bệnh đường hô hấp sau khi chào đời.

 

5. Chẩn đoán và điều trị nấm âm đạo, những lưu ý cần biết

Trước khi tiến hành điều trị, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán tình trạng bệnh lý để nắm được cụ thể tình trạng của bản thân.

 

5.1. Chẩn đoán viêm nấm vùng kín như thế nào?

Thông thường, để chẩn đoán nấm tại vùng kín, các bác sĩ sẽ dựa vào việc thăm khám tổng quát. Từ dấu hiệu, biểu hiện của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ nắm được tình trạng, mức độ nhiễm nấm ở mỗi người và có hướng xử lý sao cho phù hợp.

Ngoài ra, để kết quả thăm khám được chính xác hơn, người bệnh còn có thể được thực hiện soi tươi dịch âm đạo. Phương pháp chẩn đoán này trong khám bệnh phụ khoa giúp khẳng định loại nấm mà người bệnh đang mắc phải, đồng thời cũng cho thấy tỷ lệ nấm và lợi khuẩn chênh lệch ra sao, ảnh hưởng thế nào đến pH tự nhiên.

 

5.2. Điều trị nấm âm đạo gồm những phương pháp nào?

Để điều trị nấm, bác sĩ thường sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc đặt âm đạo có tính chống viêm cao. Bên cạnh đó, với những trường hợp nấm đã phát triển, lan sâu hơn về phía tử cung, người bệnh còn có thể được cân nhắc sử dụng thêm các loại kháng sinh đường uống như Fluconazole, Terconazole, Clotrimazole, Nystatin,…

Tuy nhiên, quan trọng nhất, người bệnh nên lưu ý việc sử dụng thuốc phải được thực hiện sau quá trình thăm khám, chẩn bệnh của bác sĩ chuyên khoa. Điều này vừa hạn chế được tác dụng phụ của thuốc, vừa giúp điều trị chính xác mức độ bệnh, khiến cho tình trạng nấm âm đạo được cải thiện nhanh chóng, dứt điểm.

 

5.3. Điều trị nấm âm đạo cần lưu ý điều gì?

Để kiểm soát tốt tình trạng nấm tại vùng kín, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa dặn dò một số vấn đề trong quá trình điều trị với thuốc. Tuy nhiên, có một số lưu ý mà chị em cần nhớ kỹ:

– Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

– Sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, không tự ý điều trị kết hợp nhiều loại thuốc tại nhà, không bỏ thuốc giữa chừng.

– Cần kiêng quan hệ tình dục trong quá trình điều trị để tránh tình trạng nhiễm nấm trở nên nghiệm trọng hơn hoặc có thể lây nấm cho bạn tình.

– Chú ý giữ vệ sinh và lựa chọn chất liệu đồ lót thông thoáng, phù hợp. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh cần vứt bỏ toàn bộ đồ lót đã sử dụng trong thời gian nhiễm nấm để tránh bệnh tái phát.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top