✴️ Những diều cần biết về rối loạn kinh nguyệt

Nội dung

Độ dài trung bình của chu kỳ kinh nguyệt bình thường là 28 ngày nhưng đôi khi có sự thay đổi nhỏ tùy theo mỗi người. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là khi độ dài hơn 35 ngày.

Hành kinh là một phần của chu kỳ kinh nguyệt, xảy ra khi lớp nội mạc tử cung (lớp lót bên trong lòng tử cung) bắt đầu bong ra. Điều này dẫn đến ra huyết từ tử cung và máu đi ra ngoài thông qua âm đạo.

Kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi dậy thì, thường là từ 10 đến 16 tuổi và kéo dài cho đến độ tuổi mãn kinh từ 45 đến 55 tuổi.

Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra nếu rối loạn nội tiết tố, thay đổi biện pháp tránh thai, rối loạn giai đoạn tiền mãn kinh hoặc vận động thể lực quá sức.

Điều trị cho rối loạn kinh nguyệt ở độ tuổi dậy thì hoặc quanh mãn kinh thường là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu rối loạn chu kỳ diễn ra trong giai đoạn tuổi sinh sản, đi khám là việc rất cần thiết.

Các nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt

Có rất nhiều yếu tố có thể gây ra chu kỳ bất thường. Hầu hết đều có liên quan đến sản xuất các nội tiết tố. Có 2 loại nội tiết tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh là Estrogen và Progesteron, vai trò của chúng chủ yếu là điều hòa sự ổn định của chu kỳ.

Những thay đổi về nội tiết

Độ tuổi thay đổi cũng ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết, bao gồm các giai đoạn tuổi dậy thì, mãn kinh, mang thai, sinh con và cho con bú.

Trong độ tuổi dậy thì, cơ thể nữ giới trải qua những sự thay đổi lớn về nhiều thứ. Thực tế cho thấy, cần đến vài năm để nồng độ Estrogen và Progesterone đạt mức ổn định. Do đó, trong suốt giai đoạn này, rối loạn kinh nguyệt là khá thường gặp.

Quanh độ tuổi mãn kinh, phụ nữ thường trải qua giai đoạn rối loạn kinh nguyệt và lượng máu kinh cũng thay đổi khá nhiều so với thời điểm trước đó. Sau khi trải qua 12 tháng hoàn toàn không có hành kinh, chẩn đoán mãn kinh mới được xác lập. Kể từ đó, cơ thể phụ nữ sẽ chấm dứt hoàn toàn việc ra kinh.

Trong suốt giai đoạn mang thai, chu kỳ kinh nguyệt dừng lại và hầu hết phụ nữ cũng sẽ không có kinh trong khi đang cho con bú sữa mẹ.

Các biện pháp tránh thai cũng có khả năng gây ra rối loạn kinh nguyệt. Đặt dụng cụ tử cung có thể làm ra máu âm đạo lượng nhiều hoặc sử dụng viên thuốc tránh thai có nguy cơ ra huyết lượng ít giữa chu kỳ.

Lần đầu tiên sử dụng vỉ thuốc tránh thai, đôi khi có thể gặp hiện tượng ra máu âm đạo lượng ít trong thời gian ngắn so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Vấn đề này sẽ dần ổn định hơn sau vài chu kỳ kinh.

Một số vấn đề khác có thể làm cho chu kỳ kinh bất thường bao gồm:

  • Tăng/ giảm cân quá nhiều;
  • Căng thẳng;
  • Rối loạn ăn uống: ăn quá nhiều hoặc chán ăn;
  • Tập luyện thể lực quá mức.

Các nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt

Triệu chứng

Một chu kỳ bình thường kéo dài khoảng 28 ngày nhưng khoảng bình thường này có thể dao động từ 24 đến 35 ngày tùy từng người.

Hầu hết phụ nữ sẽ hành kinh từ 11 đến 13 lần trong một năm. Hành kinh thường kéo dài khoảng 5 ngày, khoảng này có thể thay đổi từ 2 đến 7 ngày.

Kể từ khi hành kinh lần đầu tiên, thông thường sẽ mất khoảng 2 năm để chu kỳ kinh đạt được sự ổn định. Sau tuổi dậy thì, chu kì kinh nguyệt sẽ trở nên đều dần. Độ dài của mỗi chu kỳ cũng thường là như nhau.

Những phụ nữ có rối loạn kinh nguyệt thường có độ dài của chu kì kinh nguyệt và lượng máu kinh thay đổi rất nhiều.

Dấu hiệu chính của rối loạn kinh nguyệt là thời gian giữa 2 chu kỳ kéo dài hơn 35 ngày. Hoặc nếu như lượng máu mất nhiều hay ra kèm huyết cục lớn (thường > 2,5cm) thì cũng được xem là chu kỳ kinh bất thường.

Biến chứng

Rối loạn kinh nguyệt đôi khi cũng là dấu hiệu của các bệnh lý và có thể dẫn tới những vấn đề về sinh sản chẳng hạn như vô sinh.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng buồng trứng có nhiều nang nhỏ, chứa đầy dịch.

Phụ nữ mắc PCOS thường không xảy ra hiện tượng rụng trứng hàng tháng. Do đó, triệu chứng của PCOS bao gồm chu kỳ rối loạn hoặc vô kinh, béo phì, mụn trứng cá và rậm lông. Những bệnh nhân PCOS thường có nồng độ cao bất thường của nội tiết tố nam như Androgen hoặc Testosterone.

Theo các tổ chức sức khỏe phụ nữ Hoa Kỳ, PCOS ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Hoa Kỳ. Bệnh nhân trẻ nhất được chẩn đoán PCOS là trường hợp bé 11 tuổi.

Bệnh lý tuyến giáp: có thể gây ra rối loạn chu kỳ kinh. Tuyến giáp tổng hợp nội tiết tố có ảnh hưởng đến chuyển hóa của các hệ cơ quan trong cơ thể.

Ung thư cổ tử cung hoặc tử cung: ung thư tử cung có thể gây ra ra huyết âm đạo bất thường hoặc ra huyết sau quan hệ.

Bệnh lý lạc nội mạc tử cung: xảy ra khi các tế bào bình thường chỉ xuất hiện ở lớp nội mạc tử cung “lạc chỗ” vào các vị trí khác trong ổ bụng. Mỗi tháng các tế bào nội mạc lạc chỗ này đều tang sinh, phát triển và bong tróc giống như mô nội mạc tử cung chính vị. Sự phát triển của lạc nội mạc tử cung thường không liên quan đến khả năng ác tính. Đôi khi có thể không có triệu chứng nào cả nhưng thường đa số các trường hợp than phiền rằng đau bụng nhiều trước và đặc biệt trong khi hành kinh. Lượng máu hình thành từ các mô nội mạc này sẽ ứ lại ở vị trí lạc chỗ, từ đó gây ra sự tổn thương mô dẫn đến cảm giác đau nhiều hơn, rối loạn kinh nguyệt và có thể gây ra vô sinh.

Viêm vùng chậu (PID): là bệnh lý viêm xảy ra ở hệ thống sinh dục nữ. Ngoại trừ AIDS, đây chính là biến chứng thường gặp và nguy hiểm của nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nếu được chẩn đoán sớm, viêm vùng chậu có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh. Tuy nhiên, khi ở giai đoạn muộn, tình trạng viêm nhiễm có thể phá hủy cấu trúc vòi dẫn trứng hoặc tử cung gây ra tình trạng đau mạn tính. Một số triệu chứng khác bao gồm chảy máu bất thường giữa 2 chu kỳ hoặc sau khi quan hệ tình dục.

Xem tiếp: Các biện pháp giúp khắc phục tình trạng rối loạn kinh nguyệt tại nhà

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top