Trong quá trình mang thai và khi sanh, dây rốn có thể sa ra ngoài âm đạo khi cổ tử cung mở ra. Đây là biến chứng được gọi là sa dây rốn, 1 trong những cấp cứu rất nguy cấp trong sản khoa cần phải được xử lý ngay tức thì vì thai nhi có thể chèn ép lên dây rốn dẫn tới thiếu máu nuôi, thiếu oxy cho thai gây chết thai.
Đây là tình trạng dây rốn sa ra giữa thai nhi và cổ tử cung vào âm đạo. Sa dây rốn có thể gặp trước và trong khi sanh. Tần suất trung bình được báo cáo là 0.16-0.18% hoặc khoảng 1 trong 300 ca sanh.
Dây rốn là một cấu trúc linh hoạt, dạng hình ống, hình thành trong thai kì, là nơi kết nối giữa thai và mẹ. Dây rốn là con đường giúp mẹ nuôi dưỡng cho thai. Nó vận chuyển chất dinh dưỡng cho thai cũng như là lấy đi chất thải từ em bé. Nó gồm 3 mạch máu: 2 động mạch và 1 tĩnh mạch.
Sa dây rốn không thường gặp tuy nhiên đây là 1 cấp cứu sinh tử đối với thai. Nếu sa dây rốn xảy ra trong quá trình sanh thì dây rốn có thể bị chèn ép giữa thai và cổ tử cung. Điều này dẫn tới thiếu oxy cho thai và có thể gây ra tử vong thai.
Những nguyên nhân thường gặp của sa dây rốn là:
Ối vỡ sớm;
Chuyển dạ sanh non;
Đa thai;
Đa ối (dư ối hay quá nhiều nước ối);
Ngôi thai bất thường (ngôi mông).
Sa dây rốn được chẩn đoán bằng cách nhìn thấy hoặc sờ thấy dây rốn sa vào trong âm đạo hoặc sa ra ngoài khỏi âm đạo. Thêm vào đó thai nhi sẽ có nhịp tim thai bất thường và thường là nhịp chậm (nhịp tim thai thấp hơn 120 lần/phút).
Sa dây rốn là 1 cấp cứu thượng khẩn của sản khoa cần phải được xử trí sanh ngay lập tức. Thường được xử trí mổ lấy thai tức thì. Các bác sĩ sẽ cố gắng làm giảm áp lực lên dây rốn bằng cách đẩy ngôi thai lên trên cho tới khi ca mổ được thực hiện. Điều này giúp làm giảm nguy cơ thiếu oxy thai.
Nếu như sa dây rốn được xử trí ngay tức thì có thể không để lại tổn thương vĩnh viễn cho thai. Tuy nhiên nếu càng để lâu, thai càng có nguy cơ bị tổn thương não hoặc tử vong.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh