✴️ Tắc ống dẫn sữa

Vú chứa 1 hệ thống ống dẫn sữa với nhiệm vụ đưa sữa từ các tuyến tạo sữa đi tới vùng núm vú khi người phụ nữ cho con bú. Tắc ống dẫn sữa có thể gây ra tình trạng căng tức tăng dần, sưng đau và khó chịu.

Một nghiên cứu năm 2011 của 117 phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho thấy có khoảng 4,5% trường hợp bị tắc ống dẫn sữa 1 vài thời điểm trong năm đầu tiên nuôi con bằng sữa mẹ. Một ống dẫn sữa bị tắc có thể gây ra viêm vú và nếu có nhiễm trùng sẽ làm cho các triệu chứng nặng hơn.

Mặc dù tình trạng viêm vú có thể gây đau nhưng thường có thể giảm đi chỉ với các điều trị chăm sóc tại nhà. Trong chủ đề này, chúng tôi sẽ giới thiệu về các triệu chứng, nguyên nhân của tắc ống dẫn sữa, chăm sóc tại nhà như thế nào và khi nào thì cần đến gặp bác sĩ.

Triệu chứng

Những triệu chứng thường gặp nhất của tắc ống dẫn sữa bao gồm:

  • Đau ở 1 vị trí đặc biệt trên vú;
  • 1 khối sưng, căng đau trên vú;
  • Sưng nóng vú;
  • Tiết sữa ít hơn ở 1 bên vú;
  • Vùng da có vẻ bị sần ở 1 vùng;
  • Những chấm trắng nhỏ trên núm vú, còn được gọi là đốm sữa..

Thỉnh thoảng, tắc sữa có thể gây ra sốt nhẹ. Tình trạng sốt chỉ diễn ra khi vú bị nhiễm trùng, nếu như bạn có đau vú kèm theo sốt thì tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ.

Nguyên nhân

Tắc ống dẫn sữa khá thường gặp ở phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, vừa sinh con và không cho con bú hoặc gần đây đã ngừng cho con bú.

Tắc sữa dường như diễn ra khi mà sữa mẹ không được vắt ra hoặc cho con bú đều đặn, điều này làm cho sữa bị tích tụ lại và làm tắc hệ thống ống dẫn sữa.

Nếu như người phụ nữ gặp các vấn đề khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, chẳng hạn như lượng sữa quá nhiều mà trẻ ngậm bú yếu hoặc do đau mà không thể cho con bú thường xuyên, điều này làm cho các ống dẫn sữa dễ bị tắc hơn.

Tuy nhiên thì bất kì ai đang nuôi con bằng sữa mẹ đều có nguy cơ bị tắc sữa. Những yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Những thay đổi trong mô hình nuôi ăn;
  • Trẻ ngậm bắt vú kém;
  • Không vắt sạch sữa sau mỗi cữ bú;
  • Cho con bú không đều đặn;
  • Cho con bú ngắn hoặc bỏ các cữ bú;
  • Sử dụng quần áo bó sát hoặc áo ngực có gọng gây đè ép lên vú hay không được thoải mái.

Thỉnh thoảng, bạn có thể bị tắc ống dẫn sữa mà không liên quan tới nuôi con bằng sữa mẹ.

Điều trị và chăm sóc tại nhà

Thường có thể điều trị các triệu chứng của tắc ống dẫn sữa ngay tại nhà. Hầu hết các trường hợp triệu chứng sẽ giới hạn trong 1-2 ngày có hay không điều trị.

Thông thường, nuôi con bằng sữa mẹ liên tục mà cách tốt nhất để giải quyết tình trạng tắc ống dẫn sữa. Điều cần thiết là phải làm trống bầu vú bị tắc ống dẫn sữa trong mỗi lần cho con bú. Vú được vắt hết sữa có cảm giác nhẹ hơn và không tiết ra thêm sữa nữa hoặc tiết rất ít.

Sử dụng máy hút sữa để hút sạch sữa sau mỗi cữ bú có thể giúp những trường hợp trẻ bú yếu hoặc không thể bú hết ở 1 bên vú.

Có 1 vài phương pháp để làm trống ống dẫn sữa và giảm đau như sau:

  • Chườm ấm lên vùng vú 20 phút mỗi lần. Xịt nước ấm bằng vòi hoa sen lên trực tiếp vùng vú khi tắm cũng có thể hiệu quả;
  • Ngâm bầu ngực trong bồn nước ấm trong 10-20 phút;
  • Thay đổi tư thế cho con bú sao cho cằm hoặc mũi của trẻ hướng về phía vị trí ống dẫn sữa bị tắc, giúp cho ống dẫn sữa này dễ tiết sữa và lưu thông;
  • Cho trẻ bú ở bất kì tư thế nào mà đặt trẻ ở dưới bầu vú, điều này giúp sữa dễ lưu thông và giảm tắc nghẽn do sự hỗ trợ của trọng lực;
  • Xoa bóp nhẹ nhàng chỗ tắc nghẽn, bắt đầu từ phía trên chỗ tắc, đẩy xuống và di chuyển về phía núm vú;
  • Sử dụng quần áo rộng rãi, thoải mái và không sử dụng áo ngực có gọng.

Thỉnh thoảng tắc ống dẫn sữa có thể gây khó chịu rất nhiều và không cải thiện với các phương pháp điều trị tại nhà. Nếu không được xử trí, tình trạng này có thể dẫn tới hình thành các khối viêm, do nhiễm trùng vú. Mặc dù viêm vú có thể gây đau khá nhiều nhưng thường sẽ điều trị dễ dàng bằng kháng sinh và chăm sóc vú tại chỗ.

Bạn không nên tự điều trị tình trạng viêm vú tại nhà. Nên đi khám bác sĩ để được điều trị sớm góp phần làm giảm nguy cơ biến chứng.

Phòng ngừa

Kế hoạch phòng ngừa tắc ống dẫn sữa tốt nhất chính là cho trẻ bú mẹ, và mỗi cữ bú nên bú hết hoàn toàn 1 bên vú trước khi chuyển sang vú còn lại nếu tiếp tục.

Trẻ sơ sinh cần 15-30 phút để bú hết 1 bên vú, vì vậy mà người mẹ cần phải kiên nhẫn.

Một số dấu hiệu cho thấy trẻ đã bú hết 1 bên vú bao gồm:

  • Không nghe thấy tiếng nuốt khi trẻ bú;
  • Cảm giác vú nhẹ hơn;
  • Không có cảm giác căng hoặc ngứa ran ở vú.

Một số cách khác có thể giúp giảm nguy cơ tắc ống dẫn sữa bao gồm:

  • Mặc quần áo rộng thoải mái, chẳng hạn như áo cho con bú và áo ngực không dây;
  • Tránh các tư thế gây nhiều áp lực hay trọng lượng lên vú;
  • Cho con bú theo nhu cầu hoặc theo 1 kế hoạch đã định trước để sữa có thể tiết ra đều đặn.

Đối với những trường hợp có quá nhiều sữa mẹ, nghĩa là nhiều hơn so với lượng sữa mà trẻ cần, cũng làm tăng nguy cơ tắc ống sữa. Bạn nên xin ý kiến của các chuyên gia để có phương pháp điều chỉnh lại cho phù hợp.

Khi nào cần khám bác sĩ

Tắc ống dẫn sữa có thể gây đau nhưng không phải là 1 tình trạng cấp cứu. Tuy nhiên tốt nhất bạn vẫn nên đi khám bác sĩ khi có các dấu hiệu sau đây:

  • Đau nhiều;
  • Tình trạng không cải thiện sau 1-2 ngày;
  • Sốt;
  • Sưng đỏ vú;
  • Tắc ống dẫn sữa tái phát.

Ống dẫn sữa bị tắc là dấu hiệu cảnh báo việc tư thế cho con bú không phù hợp hoặc đôi khi do 1 số vấn đề của trẻ. Những vấn đề này thường xảy ra khi phụ nữ và trẻ sơ sinh mới bắt đầu nuôi con bằng sữa mẹ và chưa thành thạo các kỹ năng này.

Bạn có thể tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia để giảm nguy cơ tắc sữa.

Những buổi tư vấn chính là cơ hội để bạn có thể tìm hiểu những tư thế cho con bú phù hợp và những lời khuyên có ích trong chăm sóc vú cũng như nuôi con bằng sữa mẹ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top