Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) là một rối loạn nội tiết thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc trưng bởi tình trạng cường androgen (tăng hormone sinh dục nam), rối loạn phóng noãn và/hoặc có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. PCOS không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn liên quan đến nhiều rối loạn chuyển hóa và nguy cơ sức khỏe lâu dài.
Triệu chứng của PCOS có thể thay đổi tùy theo cá thể, song các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
Rối loạn kinh nguyệt: kinh thưa, kinh ít hoặc vô kinh.
Rậm lông (hirsutism): xuất hiện lông đậm ở vùng mặt, ngực, lưng hoặc bụng dưới.
Mụn trứng cá, đặc biệt ở vùng mặt, ngực và lưng.
Tăng cân hoặc béo phì, đặc biệt là tích mỡ vùng bụng.
Khó thụ thai do rối loạn rụng trứng.
Có thể kèm đau vùng chậu mạn tính và rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm).
Nguyên nhân chính xác của PCOS chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên các yếu tố sau có liên quan:
Đề kháng insulin: Tăng insulin máu có thể kích thích buồng trứng sản xuất quá mức androgen.
Yếu tố di truyền: PCOS có xu hướng di truyền trong gia đình.
Rối loạn điều hòa hormone vùng hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng.
PCOS có thể bắt đầu từ tuổi dậy thì, song cũng có thể được chẩn đoán muộn hơn, đặc biệt khi có các biểu hiện về sinh sản.
Không có xét nghiệm đơn lẻ để chẩn đoán PCOS. Chẩn đoán thường dựa trên tiêu chuẩn Rotterdam (phải có ít nhất 2/3 tiêu chí sau):
Rối loạn phóng noãn hoặc vô phóng noãn.
Tăng androgen máu hoặc các dấu hiệu lâm sàng của cường androgen.
Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm (≥12 nang nhỏ kích thước 2–9 mm và/hoặc thể tích buồng trứng >10 mL).
Cần loại trừ các nguyên nhân khác như: tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, u tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, tăng prolactin máu, bệnh tuyến giáp...
Rối loạn kinh nguyệt: Dùng thuốc tránh thai phối hợp estrogen – progestin để điều hòa kinh và bảo vệ nội mạc tử cung.
Rậm lông, mụn: Thuốc kháng androgen (spironolactone, cyproterone acetate) hoặc liệu pháp triệt lông (laser, điện phân).
Tăng cân: Giảm cân bằng chế độ ăn uống – vận động có thể cải thiện rụng trứng và giảm các biểu hiện cường androgen.
Tùy mục tiêu điều trị (mong muốn có thai), các biện pháp có thể áp dụng:
Thuốc kích thích phóng noãn: Clomiphene citrate, letrozole, hoặc gonadotropin.
Phẫu thuật nội soi buồng trứng (Drilling): Cắt bỏ hoặc đốt nang noãn nhằm giảm sản xuất androgen trong những trường hợp kháng thuốc.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Chỉ định khi thất bại với các phương pháp điều trị khác.
Metformin: Thuốc hạ đường huyết nhóm biguanide có thể cải thiện chu kỳ kinh và hỗ trợ rụng trứng.
Phụ nữ mắc PCOS cần được theo dõi lâu dài do tăng nguy cơ mắc:
Đái tháo đường type 2 và hội chứng chuyển hóa.
Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch.
Ngưng thở khi ngủ do béo phì.
Ung thư nội mạc tử cung do vô kinh kéo dài hoặc kinh thưa mà không có rụng trứng.
Rối loạn tâm thần: trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Khám định kỳ nội tiết và sản phụ khoa.
Kiểm soát cân nặng, tập luyện thể dục đều đặn.
Xây dựng chế độ ăn ít đường, ít tinh bột, giàu chất xơ.
Tránh stress, duy trì lối sống lành mạnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh