Trầm cảm sau sinh: Nhận diện, phân loại và yếu tố nguy cơ

1. Rối loạn khí sắc nhẹ sau sinh (baby blues)

Phần lớn phụ nữ sau sinh (ước tính từ 50–80%) trải qua một giai đoạn rối loạn khí sắc nhẹ, thường được gọi là “baby blues”. Tình trạng này xuất hiện trong vòng 3–5 ngày sau sinh và kéo dài không quá 2 tuần. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Khóc lóc không rõ nguyên nhân
  • Cáu gắt, dễ kích động
  • Mệt mỏi kéo dài, mất ngủ
  • Lo âu, bồn chồn
  • Thay đổi tâm trạng thất thường

Đây là phản ứng sinh lý – tâm lý bình thường do sự thay đổi nội tiết tố đột ngột sau sinh, áp lực thích nghi với vai trò làm mẹ và thiếu ngủ. Tình trạng này thường tự giới hạn và cải thiện dần theo thời gian khi mẹ và bé gắn bó hơn về mặt cảm xúc.

 

2. Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression – PPD)

Trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn, với tỉ lệ mắc ước tính khoảng 10–20% phụ nữ sau sinh. Không giống như baby blues, PPD kéo dài trên 2 tuần, ảnh hưởng rõ rệt đến chức năng xã hội, khả năng chăm sóc trẻ và chất lượng cuộc sống của người mẹ.

Triệu chứng thường gặp:

  • Tâm trạng buồn bã, trống rỗng kéo dài
  • Mất hứng thú trong các hoạt động hằng ngày
  • Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ nhiều)
  • Ăn uống thất thường, thay đổi cân nặng
  • Cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc không xứng đáng làm mẹ
  • Khó tập trung, suy giảm trí nhớ
  • Tư tưởng tiêu cực, trong một số trường hợp có ý nghĩ tự sát

Ngoài ra, rối loạn lo âu, ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc rối loạn hoảng loạn có thể xuất hiện cùng trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nền tảng tâm lý không ổn định.

 

3. Loạn thần sau sinh (Postpartum Psychosis)

Đây là một rối loạn tâm thần hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, với tỷ lệ khoảng 1–2/1.000 ca sinh. Loạn thần sau sinh thường khởi phát đột ngột trong 2 tuần đầu sau sinh và là một cấp cứu y khoa do nguy cơ cao tự sát hoặc làm hại con.

Triệu chứng đặc trưng:

  • Ảo giác (nghe, nhìn, cảm nhận không có thật)
  • Hoang tưởng (suy nghĩ sai lệch về bản thân hoặc người khác)
  • Rối loạn tư duy, lú lẫn nặng
  • Hành vi kỳ quái, không phù hợp
  • Hưng cảm hoặc kích động mạnh

Cần nhập viện và điều trị ngay lập tức với sự phối hợp giữa chuyên khoa tâm thần và sản khoa.

 

4. Các yếu tố nguy cơ của trầm cảm sau sinh

Nhiều nghiên cứu ghi nhận rằng trầm cảm sau sinh có liên quan đến sự tương tác của yếu tố sinh học – tâm lý – xã hội, trong đó bao gồm:

  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình có rối loạn trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực
  • Trầm cảm trong thai kỳ
  • Mâu thuẫn vợ chồng hoặc thiếu sự hỗ trợ từ người thân
  • Thiếu tự tin trong vai trò làm mẹ
  • Tình trạng con bất thường: sức khỏe yếu, khuyết tật, khó chăm sóc
  • Bà mẹ đơn thân hoặc thiếu hỗ trợ xã hội
  • Áp lực từ kỳ vọng cá nhân quá mức ("hội chứng tự làm tất cả")
  • Rối loạn nội tiết tố: suy giáp, rối loạn kinh nguyệt, điều trị vô sinh…

 

Kết luận

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được. Việc nâng cao nhận thức cho người mẹ, gia đình và nhân viên y tế về các dấu hiệu cảnh báo, yếu tố nguy cơ và hướng xử trí kịp thời có thể cải thiện đáng kể tiên lượng và giúp người mẹ sớm phục hồi để chăm sóc con tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top