Dấu hiệu bạn đang mất máu quá nhiều trong kỳ kinh nguyệt
Một chu kỳ điển hình kéo dài 4 hoặc 5 ngày. Trong thời gian đó, lượng máu mất đi tương đương 2 - 3 thìa máu. Những người bị rong kinh có thể mất gấp đôi lượng máu mỗi tháng. Các dấu hiệu cho thấy bạn đang mất quá nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt và nên đi khám bác sĩ:
- Chảy máu từ 7 ngày trở lên
- Cần thay băng vệ sinh hoặc tampon mỗi giờ trong vài giờ liên tiếp
- Dùng nhiều băng vệ sinh cùng một lúc để kiểm soát ra máu
- Máu kinh nguyệt có chứa cục máu đông với kích thước bằng đồng xu hoặc lớn hơn.
Nguyên nhân gây rong kinh
Một số nguyên nhân khác gây rong kinh nặng, đó là: u lành tính (không phải ung thư), u xơ tử cung, khối u ác tính, ung thư tử cung hoặc cổ tử cung. Bên cạnh đó, thay đổi nội tiết tố hoặc rối loạn đông máu cũng có thể gây rong kinh. Các nguyên nhân ít phổ biến khác bao gồm lạc nội mạc tử cung và đặt dụng cụ tránh thai vào tử cung có thể gây chảy máu quá nhiều, đặc biệt là trong năm đầu tiên sử dụng. Tuy nhiên, danh sách các nguyên nhân vẫn chưa dừng ở đó. Đó là lý do tại sao bạn phải đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Rối loạn chức năng phóng noãn
Nguyên nhân phổ biến nhất của chảy máu kinh nguyệt nặng là rối loạn chức năng phóng noãn ở tuổi vị thành niên hoặc tiền mãn kinh. Trong thời gian này, quá trình rụng trứng (giải phóng trứng) có thể không đều đặn, có nghĩa là có thể không xảy ra hàng tháng. Điều này có thể dẫn đến sự dày lên của nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung) và kinh nguyệt ra nhiều.
Thuốc tránh thai đường uống thường có thể điều chỉnh vấn đề này ở độ tuổi vị thành niên, và liệu pháp hormon có thể giúp ích trong thời kỳ mãn kinh. Ngoài những thay đổi nội tiết tố bình thường xảy ra với tuổi dậy thì hoặc mãn kinh, nội tiết tố - rối loạn chức năng phóng noãn cũng có thể xảy ra khi bạn bị suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và suy buồng trứng sớm. Việc điều trị là vấn đề quan trọng để đưa chức năng phóng noãn trở về bình thường.
U xơ tử cung
U xơ là khối u phát triển từ cơ tử cung, thường ở độ tuổi từ 30 - 49. U xơ tử cung cần estrogen để phát triển. Biện pháp tránh thai nội tiết, ví dụ như thuốc tránh thai có thể giúp làm giảm lượng kinh nguyệt ra nhiều do u xơ.
Dụng cụ tránh thai giải phóng progestin có thể làm giảm lượng máu chảy nhưng không làm giảm kích thước u xơ. Chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin khi tiêm có thể làm giảm kích thước tạm thời nhưng do tác dụng phụ mà thuốc này chỉ được dùng trong một thời gian ngắn.
Cắt bỏ nội mạc tử cung là một thủ thuật có thể được sử dụng để điều trị chảy máu kinh nguyệt nặng. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm phẫu thuật cắt bỏ u xơ (loại bỏ u xơ) và bít tắc động mạch tử cung (cắt nguồn cung cấp máu cho u xơ). Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể được chỉ định, trong đó toàn bộ tử cung được cắt bỏ, có hoặc không có buồng trứng.
Polyp tử cung
Polyp tử cung thường là khối u lành tính, giống như quả nho nhô ra khỏi niêm mạc tử cung. Chúng có thể phát triển trước và sau thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân của polyp nội mạc tử cung là không rõ ràng, mặc dù nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa liệu pháp hormone và béo phì.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung phát triển vào thành cơ của tử cung, khiến tử cung to ra và chảy máu nhiều, đau đớn. Các phương pháp tránh thai nội tiết có thể giúp kiểm soát tình trạng này và phương pháp điều trị dứt điểm bệnh là cắt bỏ tử cung.
Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Viêm vùng chậu thường do nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) không được điều trị gây nên, tuy nhiên, đôi khi nó có thể xảy ra sau khi sinh con, phá thai hoặc các thủ thuật phụ khoa khác. Trong bệnh viêm vùng chậu, một hoặc nhiều cơ quan sinh sản có thể bị nhiễm trùng, bao gồm tử cung, ống dẫn trứng và/hoặc cổ tử cung. Phương pháp điều trị được khuyến nghị cho bệnh này là sử dụng kháng sinh.
Ung thư cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung
Ung thư cổ tử cung có thể do virus gây u nhú ở người (HPV) (một bệnh lây truyền qua đường tình dục không triệu chứng) gây ra, có thể xâm lấn bộ phận khác của cơ thể. Điều trị ung thư cổ tử cung bao gồm phẫu thuật, hóa trị và/hoặc xạ trị.
Ung thư nội mạc tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường trong nội mạc tử cung phát triển vào tử cung và/hoặc các cơ quan khác. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân của bệnh, nhưng độ tuổi phổ biến nhất để chẩn đoán là khoảng 60 tuổi. Điều trị ung thư nội mạc tử cung thường là cắt bỏ tử cung, sau đó có thể là hóa trị và/hoặc xạ trị.
Rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu có nhiều loại, phổ biến nhất ở phụ nữ là bệnh von Willebrand (VWD). Phương pháp điều trị bệnh von Willebrand liên quan đến việc giải phóng các yếu tố đông máu được lưu trữ trong máu. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể thay thế yếu tố đông máu bằng thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc thuốc xịt mũi theo quy định.
Các lý do chảy máu khác có thể dẫn đến chảy máu kinh nguyệt nặng là lượng tiểu cầu thấp (tiểu cầu tham gia vào quá trình đông máu và được sản xuất trong tủy xương) hoặc dùng thuốc làm loãng máu như aspirin hoặc coumadin (warfarin sodium).
Chẩn đoán rong kinh
Điều quan trọng là bạn phải được chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến chảy máu kinh nguyệt nặng. Trước khi đi khám, hãy ghi lại chu kỳ của bạn trong vài tháng qua.
Ví dụ như bạn chảy máu bao nhiêu ngày mỗi tháng? Bạn phải dùng bao nhiêu miếng băng vệ sinh vào những ngày có lượng máu kinh nguyệt nhiều nhất và hãy ghi cả một danh sách tất cả các loại thuốc của mình bao gồm tránh thai nội tiết, liệu pháp nội tiết tố và bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung không kê đơn.
Bạn có thể có các xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như:
- Thử thai (nếu bạn đang tiền mãn kinh)
- Xét nghiệm máu (ví dụ như công thức máu toàn phần, nồng độ sắt và hormone tuyến giáp)
- Siêu âm vùng chậu
Bác sĩ có thể nội soi tử cung và sinh thiết nội mạc tử cung để lấy mẫu mô tử cung của bạn để kiểm tra bằng kính hiển vi. Rong kinh dù do bất kỳ nguyên nhân nào đều có thể gây thiếu máu do thiếu sắt khiến bạn khó thở, mệt mỏi và chóng mặt. Vì vậy, nếu thấy có dấu hiệu bất thường nào thì bạn cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.