✴️ Vaccine COVID-19: Thông tin cho phụ nữ có thai và cho con bú

COVID-19 và phụ nữ có thai (PNCT)

Nguy cơ nhiễm COVID-19 nặng nói chung là thấp ở PNCT và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, PNCT có nhiều khả năng nhiễm COVID-19 nặng nếu:

  • Có bệnh nền (ví dụ: tiểu đường, tăng huyết áp, hen suyễn)
  • Thừa cân
  • Dân tộc thiểu số Châu Á và Da đen
  • 35 tuổi trở lên

Nếu nhiễm COVID-19 khi đang mang thai thì khả năng sinh non có thể cao gấp đôi.

 

Vaccine COVID-19 và PNCT

Vaccine COVID-19 được khuyến nghị tiêm cho PNCT. Tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ người mẹ khỏi nguy cơ nhiễm COVID-19 trong thai kỳ và cho cả trẻ sơ sinh (bao gồm khả năng nhập chăm sóc tích cực và sinh non). Tiêm vaccine COVID-19 không làm người mẹ và thai nhi bị nhiễm vi-rút.

 

Các loại vaccine COVID-19 hiện có ở Anh (Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, Moderna, Janssen) đã được chứng minh hiệu quả và an toàn ở đối tượng không mang thai.

  • Hơn 51.000 PNCT ở Anh và 4.000 PNCT ở Scotland đã được tiêm vaccine COVID-19.
  • Hơn 130.000 PNCT từ các dân tộc khác nhau ở Hoa Kỳ đã được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna mà không có bằng chứng về tác dụng có hại nào được báo cáo.

Liên ủy ban về tiêm chủng Anh (Joint Committee on Vaccination and Immunisation - JCVI) đã khuyến nghị rằng tất cả PNCT nên được tiêm vaccine COVID-19 như những đối tượng khác ở cùng độ tuổi hay đối tượng có nguy cơ. Vaccine COVID-19 có thể được tiêm cho PNCT vào bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ.

tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai

 

Vaccine COVID-19 sẽ được tiêm như thế nào?

  • Vaccine COVID-19 sẽ được tiêm hai liều. Vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna là những loại vaccine được ưu tiên cho PNCT vì đã được sử dụng rộng rãi trong thai kỳ.
  • Vaccine Pfizer/BioNTech được phép sử dụng cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Vaccine Moderna được phép sử dụng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
  • PNCT đã được tiêm liều đầu tiên với vaccine AstraZeneca được khuyên nghị nên hoàn thành liều thứ hai với cùng loại vaccine (AstraZeneca).
  • Hoàn thành liệu trình tiêm hai liều vaccine là rất quan trọng để có thể bảo vệ cơ thể lâu dài hơn. Do đó, điều quan trọng cần nhớ là phải tiêm đủ hai liều vaccine để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm COVID-19.
  • Nếu phát hiện có thai sau khi tiêm vaccine liều đầu tiên thì nên hoàn thành cả liều thứ hai.
  • Liều thứ hai sẽ được tiêm sau khi tiêm liều đầu tiên từ 8-12 tuần.

Lời khuyên dành cho Phụ nữ cho con bú (PNCCB)

  • Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đã được nhiều người biết đến và vaccine COVID-19 không được cho là có nguy cơ gây hại khi tiêm cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên ủy ban về tiêm chủng Anh (JCVI), PNCCB có thể được tiêm bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào phù hợp.
  • Loại vaccine COVID-19 mà bạn được cung cấp sẽ phù hợp về mặt lâm sàng cho bạn và sẽ tuân theo các khuyến nghị của JCVI.

PNCCB hoặc dự định cho con bú đều có thể được tiêm vaccine COVID-19. Không nên ngừng cho con bú để được tiêm vaccine COVID-19. Bạn có thể tiếp tục cho con bú như bình thường sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ hay nam giới. Do đó, không cần phải tránh thai sau khi tiêm vaccine COVID-19.

 

Khuyến nghị dành cho đối tượng đang điều trị vô sinh

Hiệp hội Sinh sản Anh (British Fertility Society – BFS) khuyến nghị không cần phải trì hoãn điều trị khả năng sinh sản sau khi tiêm vaccine COVID-19. Bạn có thể quyết định trì hoãn điều trị nếu bạn muốn cơ thể được bảo vệ khỏi COVID-19 trước khi mang thai.

Cơ hội điều trị khả năng sinh sản thành công ít bị ảnh hưởng bởi thời gian trì hoãn ngắn (ví dụ: 6 tháng và từ 37 tuổi trở xuống). Tuy nhiên, việc trì hoãn trong vài tháng có thể ảnh hưởng đến cơ hội điều trị thành công khi đã trên 37 tuổi và đặc biệt ảnh hưởng ở đối tượng từ 40 tuổi trở lên.

Do đó, có thể cân nhắc thời điểm tiêm vaccine COVID-19 khi đang điều trị khả năng sinh sản. Lưu ý rằng một số người có thể bị các phản ứng phụ không mong muốn sau khi tiêm vaccine COVID-19 bao gồm, đau tại chỗ tiêm, sốt, nhức đầu, đau cơ hay cảm thấy mệt mỏi trong quá trình điều trị.

Có thể tiêm vaccine COVID-19 cách xa vài ngày với ngày thực hiện quy trình điều trị như lấy trứng để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), để các triệu chứng như sốt có thể được phân biệt là do vaccine hay do quy trình điều trị. Đội ngũ y tế sẽ tư vấn về thời gian tiêm vaccine COVID-19 tốt nhất cho từng tình trạng của bạn.

 

Nguồn: Pregnancy, breastfeeding and the coronavirus vaccine. NHS inform. Last updated: 28 July 2021.

Biên dịch: SVD. Nguyễn Thanh Huyền

Hiệu đính: TS.DS. Võ Thị Hà, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top