Amidan bản chất là các hạch lympho, nằm rải rác ở hai bên vòm họng và được coi là cánh cổng, giúp bảo vệ cổ họng. Amidan có vai trò sản sinh các kháng thể, nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh từ ngoài.
Khi các hạch này đột ngột bị viêm sẽ gây ra những triệu chứng rầm rộ trong thời gian ngắn, gây ra hiện tượng viêm amidan cấp. Hiện tượng nhiễm trùng có thể xảy đến tại một hoặc cả hai bên amidan và gây ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và nhóm người ở độ tuổi trung niên.
Viêm amidan cấp có thể hết sau một thời gian ngắn nếu người bệnh biết cách điều trị kịp thời và dứt điểm. Tuy nhiên, nếu chủ quan để lâu, bệnh sẽ kéo dài, tái phát nhiều lần và trở thành bệnh mạn tính. Không những thế, viêm amidan cấp tính để lâu còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
– Nhiễm trùng lan sâu vào các mô trong vùng hầu họng, gây nhiễm trùng tế bào amidan.
– Xung quanh amidan xuất hiện áp xe và các hốc mủ, khiến người bệnh đau họng dữ dội, sốt cao, khó nuốt, khó nói… hay còn được gọi là bệnh viêm amidan hốc mủ.
– Gặp phải chứng tạm thời ngưng thở khi ngủ.
Bên cạnh đó, những người bị viêm amidan cấp tính mà nguyên nhân là do nhiễm liên cầu khuẩn thì còn có nguy cơ mắc các biến chứng khác như:
– Ảnh hưởng không nhỏ đến khớp, tim, da và hệ thần kinh
– Viêm cầu thận
– Viêm khớp
– Bệnh nổi ban đỏ
Có thể nói, những triệu chứng của viêm amidan cấp thường xuất hiện đột ngột, nghiêm trọng nhưng chỉ trong vòng vài ngày sẽ thuyên giảm nếu biết cách điều trị.
Để biết mình có mắc viêm amidan cấp tính hay không, chúng ta có thể dựa vào những dấu hiệu sau:
– Sốt cao, toàn thân rét run, nhiệt độ cơ thể lên đên 38 – 39 độ C
– Đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, khó chịu
– Cảm giác nóng rát ở vùng cổ họng, đau khi nuốt…
– Khó thở, phải dùng miệng để thở, ngáy to hoặc thậm chí bị ngưng thở khi ngủ
– Amidan sưng phù, đỏ tấy
– Các hốc amidan xuất hiện mảng trắng, bã đậu, mủ hôi…
Đối với trẻ nhỏ khi bị viêm amidan cấp thì dấu hiệu nhận biết gồm có:
– Liên tục chảy nước dãi
– Quấy khóc bất thường, bỏ ăn
Vì là cánh cổng đầu tiên trong hệ thống miễn dịch, ngăn cản sự tấn công của các tác nhân gây bệnh nên amidan cũng thường xuyên phải tiếp xúc với virus và vi khuẩn. Do đó, khi bị virus và vi khuẩn ồ ạt tấn công, hệ miễn dịch bị suy giảm, amidan sẽ bị nhiễm trùng. Đây cũng là hai nguyên nhân chính gây ra viêm amidan cấp:
– Vi khuẩn: Đây là yếu tố chiếm 15 – 30% nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là liên cầu khuẩn nhóm A (streptococcus pyogenes), đây cũng là loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm họng hạt.
– Virus: Có đến 70% trường hợp bị viêm amidan cấp là do các loại virus gây nên, trong đó phải kể đến: virus cúm, adenovirus, parainfluenza, enterovirus, mycoplasma hay Epstein-barr virus (EBV).
Yếu tố lây truyền từ người sang người cũng là nguyên nhân gây bệnh. Nếu dùng chung đồ đạc, ăn chung đứng gần, không may phải tiếp xúc với các giọt bắn từ dịch hô hấp của người bệnh khi ho hoặc hắt xì… cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, sau tuổi dậy thì, khả năng miễn dịch của amidan cũng suy giảm đáng kể. Vì thế, người trưởng thành càng có nhiều nguy cơ bị viêm amidan cấp tính.
Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp người bệnh bị viêm amidan cấp do vi khuẩn liên cầu gây ra. Phác đồ điều trị phổ biến mà các bác sĩ thường áp dụng là 10 ngày dùng penicillin. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với loại thuốc trên, bác sĩ có thể thay thế bằng một số loại kháng sinh khác như: clindamycin, cephalosporin và macrolid.
Tuy nhiên, để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nhất định phải tuân thủ những nguyên tắc điều trị mà bác sĩ đưa ra như:
– Uống đủ liều
– Không để quá trình điều trị bị gián đoạn
– Duy trì uống hết thuốc dù các triệu chứng đã thuyên giảm
Bởi nếu không tuân theo phác đồ điều trị, vi khuẩn gây bệnh có thể bùng phát trở lại và gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh. Như vậy, bệnh không những khó điều trị mà người bệnh còn có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Thay vì kê đơn thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị cho người bị viêm amidan cấp do virus như sau:
– Dành thêm nhiều thời gian để ngủ và nghỉ ngơi.
– Uống nhiều nước để bù nước, giúp cổ họng không bị khô, mất nước do cơn sốt gây ra.
– Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
– Dùng nước muối ấm hoặc dung dịch NaCl 0.9% để súc miệng thay vì sử dụng các loại nước súc miệng có nguy cơ gây kích ứng cổ họng.
– Bổ sung độ ẩm cho không khí bằng máy làm ẩm hoặc xông hơi… giúp làm giảm cơn đau họng.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các viên ngậm giảm đau họng và hạ sốt nếu cần thiết.
Phẫu thuật amidan có thể áp dụng với cả người bị viêm amidan cấp do virus hay vi khuẩn. Tuy nhiên, đây là phương pháp cuối cùng được bác sĩ chỉ định khi điều trị nội khoa không có tác dụng. Bởi lẽ biện pháp này có thể dẫn đến một số biến chứng không mong muốn. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo phẫu thuật được an toàn và hiệu quả.
Trên đây là những thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và các cách điều trị viêm amidan cấp tính. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có cái nhìn tổng quan cũng như hiểu rõ về bệnh viêm amidan cấp tính.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh