1. Thế nào là bệnh nấm tai ngoài?
Nấm tai ngoài chính là tình trạng nhiễm vi nấm ở vị trí của ống tai ngoài. Ở nước ta với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có thể là điều kiện thuận lợi để các loại nấm ký sinh phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên không phải ai cũng mắc phải nấm tai. Đối tượng dưới đây sẽ có khả năng mắc bệnh nấm tai bên ngoài cao hơn so với bình thường:
– Người thường xuyên tham gia bơi lội tại những nơi thiếu sạch sẽ hoặc có khả năng lây nhiễm cao như nhà vệ sinh công cộng, kênh rạch, sông ngòi,…
– Những người thường xuyên đi lấy ráy tai ở các tiệm gội đầu, cắt tóc cũng có nguy cơ mắc bệnh lý này bởi có thể dụng cụ lấy tai sẽ không sạch sẽ.
– Phụ nữ mắc bệnh nấm âm đạo cũng có thể mắc thêm bệnh nấm tai.
Bệnh nấm tai là do khoảng hơn 60 loại nấm gây nên bệnh nhiễm trùng này, trong đó phổ biến nhất là Aspergillus và Candida. Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, nấm sẽ kết hợp với vi khuẩn khiến cho tình trạng viêm nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, khi phát hiện nấm tai bạn nên tìm đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2. Dấu hiệu và cách điều trị nấm tai ngoài
2.1. Dấu hiệu nhận biết bệnh nấm tai ngoài
Nấm tai ngoài có rất nhiều dấu hiệu nhận biết. Nếu xuất hiện những dấu hiệu này có thể bạn đã mắc nấm tai ngoài:
– Ngứa tai: Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở người bị nấm tai. Khi xuất hiện triệu chứng này, người bệnh thường xuyên dùng ngón tay ngoáy vào trong lỗ tai hoặc nghiêng đầu vì cảm giác khó chịu.
– Chảy dịch có màu nâu vàng ở tai.
– Khi bệnh nấm tai lâu ngày có thể khiến cho lớp biểu bì ống tai bị bong tróc trộn với những tổ chức nấm khác tạo thành vảy khiến cho ống tai bị che lấp, bít tắc. Lúc này bạn sẽ cảm thấy thường xuyên bị ù tai, thậm chí là giảm thính lực.
– Nếu nấm tai kết hợp với nhiễm trùng cơ hội sẽ xuất hiện triệu chứng đau phía trong tai, đau tăng lên khi ấn phần bình tai hoặc kéo vành tai.
Ngoài ra, khi nấm tai người bệnh có thể mắc một vài vấn đề bệnh lý khác như: Viêm, sưng tai, ù tai, bong tróc da, suy giảm thính giác,…
Khi xuất hiện những dấu hiệu trên, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
2.2. Bệnh nấm tai ngoài điều trị bằng cách nào?
Hiện nay có rất nhiều các phương pháp điều trị nấm tai ngoài. Tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp. Dưới đây là một số cách hỗ trợ bạn trong quá trình điều trị nấm tai:
– Vệ sinh tai sạch sẽ: Việc vệ sinh tai sẽ loại bỏ những tích tụ bên trong tai. Các bác sĩ có thể dùng dung dịch này hoặc các phương pháp khác để giúp bạn làm sạch tai. Bạn không nên tự làm sạch tai tại nhà hoặc đến các cơ sở không uy tín để vệ sinh tai, bởi có thể đây sẽ là nguồn cơn khiến cho bệnh nấm tai trở nên nặng hơn.
– Sử dụng thuốc: Đa phần bệnh nấm tai sẽ được điều trị bằng thuốc (thuốc dạng bôi hoặc dạng uống) cho người bệnh. Ở một số trường hợp nặng thường không thích ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ thì bác sĩ có thể điều trị thông qua thuốc kháng nấm đường uống với liều lượng thích hợp. Lưu ý khi sử dụng thuốc bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo quy định mà bác sĩ đưa ra, tránh những hậu quả không mong muốn.
3. Làm sao để phòng tránh nấm tai ngoài?
Để phòng tránh hiệu quả bệnh nấm tai, bạn nên thực hiện theo các phương pháp dưới đây:
– Tránh không cho nước vào tai khi bơi lội hoặc lướt sóng bởi đây có thể là nguyên nhân gây nấm tai.
– Sử dụng khăn (sạch, đảm bảo vệ sinh) lau sạch tai sau khi tắm.
– Tuyệt đối không sử dụng bông gòn để vệ sinh tai.
– Không vệ sinh tai quá mạnh tránh làm trầy xước phần da bên ngoài và bên trong tai khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập.
– Sử dụng thuốc đúng liều lượng và tuân thủ theo quy định của bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cần thăm khám sức khỏe và kiểm tra tai mũi họng thường xuyên để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh bệnh nấm tai hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh