✴️ Bị viêm họng dị ứng chớ coi thường

Viêm họng dị ứng thường không liên quan tới tác nhân vi khuẩn, virus gây bệnh thông thường mà liên quan tới các tác nhân kích thích có rất nhiều trong môi trường xung quanh. Chính vì thế, đối với bệnh nhân viêm họng  do dị ứng rất dễ bị tái phát và rất khó điều trị. Vậy viêm họng dị ứng là gì, có nguy hiểm hay không và cần làm gì để phòng ngừa. Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây.

 

1. Nguyên nhân của bệnh viêm họng dị ứng

Viêm họng dị ứng gây nên bởi tác động của các tác nhân gây kích thích trong môi trường

Viêm họng dị ứng gây nên bởi tác động của các tác nhân gây kích thích trong môi trường

 

Viêm họng do dị ứng còn được biết đến bằng các tên gọi khác như viêm họng kích thích, kích ứng. Bệnh lý này có thể là hệ quả của việc niêm mạng họng bị kích ứng với dịch xoang mũi chảy xuống, gây ra do tình trạng viêm mũi dị ứng, viêm xoang bởi một tác nhân gây dị ứng nào đó khi tiếp xúc phải. Các tác nhân này thường là phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, thức ăn,… hoặc thậm chí sự thay đổi thời tiết một cách đột ngột. Trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể có niêm mạc họng nhạy cảm với các tác nhân trên cũng sẽ gặp phải tình trạng dị ứng này.

 

2. Triệu chứng của viêm họng dị ứng

Tương tự như tình trạng viêm họng gây ra do virus hay vi khuẩn, viêm họng do dị ứng cũng có các triệu chứng điển hình là tấy đỏ tại các vùng bị viêm; đau rát hay ngứa vùng cổ họng. Các triệu chứng này sẽ tăng dần theo mức độ viêm họng và xuất hiện thêm một loạt các triệu chứng đi kèm khác như:

– Ho: tình trạng ho gia tăng dần khi bệnh càng thêm nặng. Không ít bệnh nhân mắc bệnh lý này bị ngứa họng gây nên những cơn ho kích thích, kéo dài. Hậu quả là làm vùng hầu họng bị sưng nề, tấy đỏ và tổn thương nhiều hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công làm tăng độ nghiêm trọng của bệnh.

– Đờm: Xuất hiện nhiều dịch nhầy trắng ở cổ họng, dịch nhày này chuyển dần sang vàng và đặc dần, có mùi tanh. Đây là nguyên nhân khiến giọng nói bị khàn.

– Đau, ngứa và luôn cảm thấy khô cổ họng: Viêm họng làm cổ họng bị khô và đau, có thể cảm nhận rõ nhất khi nói và nuốt. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải tình trạng ngứa cổ  – điểm đặc trưng của viêm họng do dị ứng.

– Viêm mũi, chảy nước mũi, ngứa tai và đổ nghèn mắt: Viêm họng phát triển qua một thời gian sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các bộ phận liên quan là tai, mắt, mũi bởi hệ thống xoang thông nhau. Các triệu chứng này gây ra một loạt các cảm giác khó chịu cho người bệnh.

Đặc biệt lưu ý đối với người bệnh bị viêm họng dị ứng kèm theo phù Quincke họng thanh quản do dị ứng thức ăn. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ thấy một loạt các triệu chứng như: họng bỏng rát, ngứa, khó nuốt, khó thở, đau đớn. Khi có những dấu hiệu trên phải nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí nhanh nhất, bởi đây là một trong những tình trạng sốc phản vệ có thể mất mạng bất cứ khi nào.

Ngoài ra một số trường hợp bệnh nhân sẽ kèm theo tình trạng phát ban, đau cơ khớp, sưng các tuyến (hạch bạch huyết) và có tình trạng sốt nhẹ.

Người bệnh thường thấy khó chịu vùng cổ: rát cổ, đau cổ, có đờm

Người bệnh thường thấy khó chịu vùng cổ: rát cổ, đau cổ, có đờm

 

3. Vì sao viêm họng dị ứng lại dễ tái phát?

Viêm họng dị ứng cũng tương tự như các bệnh lý viêm họng do nguyên nhân khác, rất dễ tái phát bởi vùng mũi họng là nơi tiếp xúc trực tiếp với không khí và các dị nguyên có thể có trong không khí. Trong khi đó, các dị nguyên như phấn hoa, các hạt bụi, lông động vật, nấm mốc hay khói thuốc lá,… có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong môi trường và rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, niêm mạc vùng họng rất yếu và dễ bị tổn thương. Khi xuất hiện đờm hay khó chịu vùng cổ, thói quen khạc nhổ của chúng ta cũng góp phần khiến cho tình trạng viêm họng trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.

Thêm vào đó, ở Việt Nam, thói quen chủ quan với bệnh viêm họng vì nghĩ bệnh sẽ tự khỏi hoặc nhiều trường hợp lại lạm dụng kháng sinh để điều trị khiến bệnh lần sau sẽ dễ tái phát và khó chữa trị hơn lần trước do nhờn thuốc. Nguy hại hơn, khi tình trạng viêm họng cấp tính tái phát nhiều lần có thể gây nên viêm họng mạn tính. Khi bệnh chuyển sang mạn tính thì quá trình điều trị khó khăn hơn, và mức độ tái phát cũng xuất hiện nhiều hơn.

 

4. Cần làm gì khi bị viêm họng dị ứng?

Các triệu chứng của viêm họng dị ứng sẽ diễn biến rất nhanh. Lời khuyên đầu tiên cho bạn là tới các cơ sở uy tín để thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, để điều trị triệt để đợt viêm họng tái phát này, hãy chủ động thực hiện các biện pháp sau:

– Tránh mũi, họng tiếp xúc với các dị nguyên gây kích ứng bằng cách đeo khẩu trang bảo hộ khi di chuyển ngoài trời, làm sạch không gian sống tránh bụi bẩn,…

– Giữ ấm vùng cổ họng bằng việc sử dụng đồ ăn ấm, nước ấm, nhất là trong mùa đông cần bảo vệ cổ họng, tránh nhiễm lạnh.

– Bổ sung dinh dưỡng thông qua ăn uống để cơ thể có thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng tự nhiên.

 

5. Phòng ngừa viêm họng dị ứng đúng cách

Ăn uống điều độ và đủ chất là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả từ bên trong

Ăn uống điều độ và đủ chất là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả từ bên trong

 

 Viêm họng dị ứng khác với các bệnh lý viêm họng thông thường vì sẽ tái phát khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Chính vì thế cách phòng ngừa tốt nhất chính là cơ thể luôn khỏe mạnh từ bên trong đồng thời tránh tiếp xúc tối đa với các tác nhân gây dị ứng.

Bạn nên chủ động vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh sạch sẽ, không nên trồng các loại cây dễ dị ứng trong nhà. Đồng thời bạn cần tự phòng hộ cho mũi họng khi di chuyển ngoài trời. Bạn nên duy trì thói quen giữ sạch tai mũi họng, đối với họng, nên súc miệng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ, đối với mũi, khi di chuyển trong môi trường bụi cần làm sạch mũi bằng dụng cụ bình rửa và nước muối sinh lý.

Trên đây là một số thông tin liên quan tới viêm họng dị ứng. Hi vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn, chi tiết hơn về nguyên nhân gây bệnh, điều trị cũng như phòng bệnh để tránh bệnh tiến triển, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hằng ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top