✴️ Cách chữa viêm thanh quản tại nhà, bạn đã biết?

Nội dung

1. Một số điều cần biết về bệnh viêm thanh quản

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản thường khiến người bệnh khàn giọng, mất tiếng, đau họng.

Viêm thanh quản là tình trạng viêm các dây thanh âm nằm trong thanh quản hoặc hộp thoại – đây là nơi cho phép chúng ta có khả năng nói, hát, thì thầm… Khi bị viêm thanh quản, dấu hiệu đặc trưng là người bệnh bị khàn tiếng, mất tiếng. Giọng nói trở nên quá trầm, hoặc quá nhẹ, rất khó nghe. Bên cạnh dấu hiệu khàn tiếng, người bệnh thường bị đau họng, khó nuốt.

Viêm thanh quản thường diễn ra trong vài ngày và các triệu chứng sẽ biến mất trong khoảng 7 ngày – 2 tuần. Đối với những trường hợp, triệu chứng kéo dài trên 3 tuần thì được xem là viêm thanh quản mạn tính. Khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm thanh quản, người bệnh cần tới thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, việc để lâu có thể ảnh hưởng tới giọng nói và có khả năng chuyển biến thành mạn tính, khó điều trị.

 

2. Cách chữa viêm thanh quản và chăm sóc tại nhà

Cách chữa viêm thanh quản còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản là do virus gây ra. 

Đa số các trường hợp viêm thanh quản sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Giống như bất kỳ cấu trúc nào khác trong cơ thể bị viêm, nghỉ ngơi là chìa khóa để phục hồi. Đối với bệnh viêm thanh quản, điều này càng có ý nghĩa hơn. Việc điều trị sẽ tập trung vào: hạn chế nói, điều trị triệu chứng (sốt, đau đầu…) và các biện pháp chăm sóc tại nhà.

Kiêng nói khi bị viêm thanh quản

Khi bị viêm thanh quản, người bệnh cần để cho giọng nói được nghỉ ngơi. Không nên nói nhiều, nói to, hay thậm chí nói thì thầm bởi những điều này đều làm cho thời gian hồi phục lâu hơn.

– Nghỉ ngơi và hạn chế nói chuyện. Nếu bắt buộc phải nói chuyện, người bệnh nên cố gắng nói với giọng bình thường, không nói to nhưng cũng không thì thầm bởi khi bạn nói thì thầm thì dây thanh quản phải căng ra thật chặt, các cơ xung quanh phải hoạt động nhiều hơn, và điều này làm chậm thời gian hồi phục

– Uống thật nhiều nước. Tình trạng mất nước, khô cổ họng khiến người bệnh bị đau khi nuốt, đau đầu, mệt mỏi. Thanh quản bị khô còn làm cho tình trạng viêm nặng hơn. 

– Giảm đau, hạ sốt bằng Paracetamol hoặc ibuprofen sẽ giúp giảm các triệu chứng do viêm thanh quản gây ra. Người bệnh nên dùng thuốc theo khuyến cáo trên bao bì thuốc. 

Cách chữa viêm thanh quản

Điều trị viêm thanh quản chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng, chẳng hạn như giảm đau, hạ sốt…

– Súc miệng bằng aspirin sẽ giúp giảm bớt đau nhức ở thanh quản. Lưu ý, không nên dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi. Hãy hoà tan một ít aspirin trong nước và súc miệng 3 – 4 phú, khoảng 3-4 lần mỗi ngày. Cách này có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Ngoài súc miệng bằng aspirin pha với nước, bạn có thể súc miệng bằng nước muối cũng giúp giảm viêm và giảm đau họng.

– Hít thở trong không khí ẩm sẽ có ích. Độ ẩm sẽ giúp làm dịu và làm sạch dịch tiết trong đường thở. Các phương pháp tạo độ ẩm trong không khí như: sử dụng máy tạo độ ẩm, xông hơi, dùng vòi sen trong phòng tắm…

– Tránh những thứ gây kích thích thanh quản bao gồm thuốc lá, cà phê và rượu.

– Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nên ăn những thức ăn mềm.

 

3. Viêm thanh quản có cần dùng thuốc kháng sinh không?

Hầu hết các trường hợp không dùng tới kháng sinh, nguyên nhân là do viêm thanh quản thường do vi rút gây ra. Thuốc kháng sinh không tiêu diệt được vi rút; chúng chỉ tiêu diệt vi khuẩn. Hệ thống miễn dịch của bạn thường nhanh chóng loại bỏ các bệnh nhiễm vi-rút. Viêm thanh quản nặng hơn do vi khuẩn gây ra. 

Thuốc kháng sinh có thể được khuyên dùng trong một số ít trường hợp như:

– Nhiễm trùng nặng.

– Tình trạng nhiễm trùng không giảm đi

– Hệ thống miễn dịch của người bệnh kém, chẳng hạn những bệnh nhân đã cắt bỏ lá lách, hoặc đang hoá trị để điều trị ung thư… 

Tóm lại, viêm thanh quản là một tình trạng thường có thể khỏi sau vài ngày – tuần nếu như chúng ta có cách chữa viêm thanh quản đúng và chăm sóc tại nhà tốt. Điều quan trọng nhất là bạn cần để cho giọng nói của mình được nghỉ ngơi, đồng thời súc họng bằng nước muối hàng ngày, giảm đau hạ sốt khi gặp các triệu chứng. Đừng quên đi khám bác sĩ nếu như các triệu chứng không thuyên giảm trong một vài ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top