✴️ Cách xử trí nhanh cơn co thắt thanh quản

1. Hiểu đúng về co thắt dây thanh

Cùng tìm hiểu về vấn đề này để không bị nhầm lẫn với ngạt thở hay những bất thường khác.

 

1.1. Co thắt thanh quản là tình trạng như thế nào?

Khi hai dây thanh đột ngột co thắt, chặn đường của không khí đi vào phổi sẽ khiến chúng ta hoảng sợ vì không thể thở và nói. Rất may tình trạng này chỉ kéo dài dưới 60s, không thể gây ra mối nguy nào. Ngoại lệ, người bệnh bị thắt dây thanh do phản ứng gây mê thì sẽ lâu hơn và cần được xử lý gấp.

Việc dây thanh quản bị co thắt thường là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Nhiều người thường nhầm lẫn với nghẹt thở, khó thở do thức ăn hay uống thuốc.

Nếu vấn đề trên chỉ xảy ra một lần, bạn không cần lo ngại. Nhưng nếu nó tái phát, hãy tìm nguyên nhân và xử lý sớm.

Hiểu đúng về co thắt dây thanh

Hình ảnh mô phỏng dây thanh quản bị co thắt

 

1.2. Dấu hiệu nhận biết co thắt thanh quản

Vì thanh quản co thắt là biểu hiện của bệnh lý nào đó, nên không phải ai cũng có triệu chứng giống nhau. Thông thường, chúng ta sẽ thấy nghẹt thở, không thể nói hay thở được, cá biệt có thể mất ý thức. Nếu co thắt liên quan tới giấc ngủ, người bệnh sẽ gặp phải vào ban đêm và bị tỉnh giấc đột ngột.

Khi đã hết co thắt, đường thở được mở ra, bệnh nhân sẽ phát ra hơi thở với âm thanh cao vút. Một số dấu hiệu các có thể gặp do bệnh tiềm ẩn như:

– Đau ngực

– Ho khan lâu ngày

– Ợ nóng

– Khàn tiếng

– Buồn nôn

– Đau họng

– Ho nhiều

– Khó nuốt

Dấu hiệu nhận biết co thắt thanh quản

Người bị co thắt dây thanh sẽ thấy nghẹt thở, không thể nói hay thở được

 

2. Các tác nhân khiến thanh quản co thắt

Cụ thể hơn về những nguyên nhân gây nên co thắt dây thanh quản.

 

2.1. GERD, hay chứng trào ngược dạ dày thực quản

Nếu trong dạ dày, dịch axit hay các thức ăn chưa tiêu hóa bị đẩy ngược lên trên thực quản sẽ gây ra trào ngược. Khi lên tới dây thanh nằm trước miệng thực quản có thể khiến nó thắt lại.

 

2.2. Chức năng dây thanh rối loạn

Dây thanh hoạt động bất thường khi ta hít vào hoặc thở ra đều có thể gây nên tình trạng co thắt.

 

2.3. Hen suyễn

Giống như rối loạn dây thanh, người có biểu hiện hen suyễn sẽ có nguy cơ bị thắt thanh quản đột ngột.

 

2.4. Căng thẳng

Lo lắng, stress khiến cơ thể phản ứng và có những cảm xúc mạnh. Đây là chất xúc tác dẫn tới thanh quản co lại.

 

2.5. Quá trình gây mê

Trong thời gian phẫu thuật, người bệnh thường được gây mê toàn thân. Điều này vô hình chung làm kích thích dây thanh. Với co thắt sau gây mê thường xảy ra ở trẻ con hoặc bệnh nhân phẫu thuật họng, thanh quản, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Các tác nhân khiến thanh quản co thắt

Gây mê phẫu thuật có thể khiến dây thanh thắt lại

 

2.6. Giấc ngủ

Giữa giấc ngủ sâu, nếu bị trào ngược dạ dày hay rối loạn chức năng dây thanh, bạn có thể giật mình tỉnh giấc bởi thanh quản bị co thắt lại. Cảm giác tiếp theo là khó thở, mất phương hướng.

 

3. Cách xử lý khi co thắt thanh quản

Vậy khi bị ngạt thở bởi dây thanh quản co thắt, ta cần làm gì? Tìm hiểu ngay các cách khắc phục dưới đây.

 

3.1. Với bản thân

Dù rằng co thắt dây thanh có thể khiến người bệnh hoảng hốt. Nhưng đây không phải là cách xử lý tốt. Trái lại nó có thể khiến vấn đề nghiêm trọng hơn.

Trước hết, bệnh nhân cần giữ bình tĩnh. Một số bài tập thở sẽ giúp bạn bớt căng thẳng, rút ngắn thời gian co thắt. Bạn cũng không nên cố hít hơi hay thở gấp. Điều quan trọng là tránh để bị nghẹn. Một ngụm nước nhỏ có thể làm sạch dây thanh. Sau đó, bạn hãy cố gắng thả lỏng để dây thanh được từ từ giãn ra.

Chức năng dây thanh rối loạn

Hít thở sâu đúng cánh giúp giảm thiểu co thắt dây thanh quản

Nếu nguyên nhân gây co thắt là do trào ngược, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau để giảm thiểu tình trạng:

– Ăn đủ bữa, đủ chất, nên chia thành nhiều bữa nhỏ

– Bổ sung nhiều nước ấm hàng ngày

– Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, dầu mỡ, thức ăn khô cứng

– Hạn chế thực phẩm chứa nhiều axit, thực phẩm chua

– Không ăn trước khi ngủ

– Không hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích

– Sống thoải mái, không căng thẳng, lo lắng

– Thở chậm, hít thở sâu

– Kê cao gối khi ngủ

Trường hợp người bệnh bị thắt dây thanh lâu ngày, tái phát nhiều lần, sẽ cần tới cơ sở y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp.

Cách xử lý khi co thắt thanh quản

Kê cao gối khi ngủ để hạn chế nghẹt thở, khó thở

 

3.2. Với người khác

Đã biết cách xử lý khi bản thân bị co thắt dây thanh, nhưng khi gặp ai đó đang bị thì bạn cần làm gì?

Trước tiên, hãy chắc chắn rằng họ không bị nghẹn bởi bất kỳ vật gì. Sau đó, hãy cố gắng giúp họ bình tĩnh hơn, đồng thời hỏi han họ những câu hỏi đơn giản.

Để tránh không nhầm lẫn với hen suyễn, bạn nên kiểm tra kỹ càng. Đừng quên tiếp tục trò chuyện nhẹ nhàng với họ cho tới khi cơn co thắt đi qua.

Trái lại, nếu qua 1 – 2 phút, tình trạng của người bệnh không khả quan, có dấu hiệu tồi tệ hơn thì bạn cần đổi cách. Nếu họ xuất hiện các triệu chứng khác như da nhợt nhạt, không thể thở, hãy gấp rút đưa tới cơ sở y tế để cấp cứu.

Như vậy, dù đơn giản, nhưng chúng ta lại cần hiểu biết kỹ càng về co thắt thanh quản để phản ứng và xử lý kịp thời, cũng như phân biệt rõ ràng với các bệnh lý khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top