✴️ Cẩn trọng áp dụng các cách chữa lở miệng tại nhà

Nội dung

1. Một số cách chữa lở miệng tại nhà 

Lở miệng hay còn gọi là nhiệt miệng, nhìn chung đây là một bệnh lý lành tính. Bệnh có thể khỏi dễ dàng trong khoảng 5 – 10 ngày mà không cần sử dụng thuốc để điều trị. Những vết nhiệt miệng sưng đỏ có thể ảnh hưởng tới quá trình giao tiếp, ăn uống hàng ngày. Do đó, chúng ta vẫn luôn cố gắng áp dụng nhiều phương pháp để làm giảm cảm giác khó chịu do nhiệt miệng.

Các phương pháp chữa nhiệt miệng thường được sử dụng là:

– Chườm đá lạnh: Hơi lạnh có thể làm giảm cảm giác khó chịu, nóng rát ở khu vực niêm mạc miệng. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp tức thời, khó duy trì hiệu quả lâu dài.

– Súc miệng với baking soda: Hòa tan muối nở (baking soda) có thể giúp cân bằng độ pH và hỗ trợ giảm viêm. 

– Sử dụng bã chè: Chất tannin trong bã chè có thể hỗ trợ làm giảm viêm. 

– Súc miệng nước muối: Là một thành phần kháng viêm hiệu quả, nước muối loãng sẽ giúp làm sạch khoang miệng, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, nhiều người sẽ có cảm giác rát ở khu vực bị nhiệt miệng.

Bên cạnh những cách trên, còn có nhiều phương pháp dân gian khác được áp dụng để trị nhiệt miệng như sử dụng mật ong, lá tía tô, giấm táo…

cách chữa lở miệng hiệu quả

Nước muối loãng thường được sử dụng để làm sạch và làm giảm nhiệt miệng

 

2. Các nguy cơ khi tự chữa nhiệt miệng tại nhà

Có thể thấy, các phương pháp chữa lở miệng tại nhà đều sử dụng những nguyên liệu rất dễ kiếm, thường có sẵn trong gia đình. Điều này khiến người bệnh thường áp dụng các kinh nghiệm cá nhân để chữa nhiệt miệng, ít khi sử dụng thuốc có kê đơn hay đi khám bác sĩ.

 

2.1. Khả năng kích ứng khi áp dụng cách chữa lở miệng tại nhà

Những nguyên liệu được sử dụng trong công thức chữa lở miệng thường là dạng nguyên chất. Lúc này, nồng độ các hợp chất trong những nguyên liệu đó có thể ở mức cao, dễ gây kích ứng cho khoang miệng. Đặc biệt là khi bị nhiệt, niêm mạc miệng sẽ trở nên nhạy cảm hơn.

Do đó, bạn nên cân nhắc tới yếu tố gây kích ứng của các nguyên liệu trị nhiệt miệng. Ví dụ như muối tinh, giấm, baking soda… Việc pha loãng các hỗn hợp này cũng có thể làm giảm nồng độ nhưng cũng đồng thời có thể làm giảm hiệu quả điều trị nếu tỷ lệ pha không đúng.

cách chữa lở miệng tốt

Các nguyên liệu tự nhiên có thể gây kích ứng cho niêm mạc miệng

 

2.2. Chủ quan khi áp dụng cách chữa lở miệng tại nhà

Nhiệt miệng là một bệnh lý lành tính, gần như không có biến chứng nào nguy hiểm. Cộng thêm hiệu quả nhìn thấy được khi áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà, nhiều người có tâm lý chủ quan khi thấy dấu hiệu vết loét giống nhiệt miệng. Trong nhiều trường hợp, những vết lở miệng có thể là dấu hiệu của bệnh lý ác tính.

Ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu thường xuất hiện nhiều vết loét, nhiệt miệng. Đặc điểm này khiến ung thư lưỡi thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn, khó điều trị. Bên cạnh đó, ung thư lưỡi là dạng ung thư không phổ biến nên ít người biết tới các triệu chứng ban đầu để chủ động phòng ngừa. 

Các đặc điểm của vết loét do ung thư lưỡi thường có những dấu hiệu sau:

– Tổn thương có màu đỏ xen lẫn các màu sắc khác như trắng, vàng. Đặc biệt, khi vết loét có màu đen thì khả năng cao đây là vết loét gây ra do ung thư.

– Vết loét miệng có thể gây cảm giác đau.

– Bề mặt quanh vết loét bị chai cứng.

– Tổn thương có kèm xuất huyết, mùi hôi khó chịu. 

– Tổn thương do ung thư lưỡi thường kéo dài nhiều tháng, có khi là cả năm. Nếu vết nhiệt tái phát liên tục cùng một vị trí thì càng nguy hiểm hơn. 

– Nhiệt miệng nặng kèm theo hiện tượng nổi hạch ở góc hàm, hạch cổ.

cách chữa lở miệng tại nhà

Vết loét miệng có thể là dấu hiệu của ung thư lưỡi

 

3. Khuyến nghị khi gặp tình trạng nhiệt miệng kéo dài

Để phòng bệnh và hỗ trợ điều trị nhiệt miệng, bạn nên chú ý giữ gìn sức khỏe răng miệng nói chung. Một số gợi ý được các chuyên gia khuyên áp dụng để phòng bệnh nhiệt miệng bao gồm:

– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

– Hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ như chiên, xào. 

– Bổ sung vitamin bằng việc ăn các loại rau quả tươi.

Trong trường hợp bạn bị lở miệng kéo dài hơn 2 tuần, vết loét mở rộng hoặc tiết dịch thường xuyên thì nên tới ngay các cơ sở y tế để khám chuyên khoa. Sau khi thăm khám và có kết quả, bác sĩ sẽ có kết luận cụ thể cho tình trạng của bạn. 

Ngoài ta, bạn cũng nên gặp bác sĩ nếu hiện tượng nhiệt miệng có kèm theo tình trạng dưới đây:

–  Sốt, tiêu chảy, cảm giác nhức đầu.

– Phát ban trên da. 

– Sút cân rõ rệt.

– Cơ thể suy kiệt.

– Nhai nuốt, nói chuyện hoặc cử động lưỡi khó khăn.

Những bệnh lý ác tính thường không dễ nhận biết ở những giai đoạn đầu. Với ung thư lưỡi, bệnh rất dễ bị hiểu nhầm là bệnh nhiệt miệng thông thường. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có biết cách phân biệt nhiệt miệng và tình trạng loét miệng do ung thư. Chúc bạn sức khỏe!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top