✴️ Khám phá sự thật về bệnh lý viêm gan E

Viêm gan E tuy không phải là một loại viêm gan phổ biến như viêm gan B hay viêm gan C nhưng mức độ nguy hiểm cũng rất cao. Đặc biệt, viêm gan E rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả thai phụ lẫn em bé. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.

 

1. Bệnh viêm gan E là gì?

Đây là căn bệnh do virus viêm gan E (được gọi tắt là HEV) gây ra và lan truyền. Giống viêm gan A, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nhưng bệnh hầu như không lây nhiễm qua những đường khác như đường máu, lây từ mẹ sang con hay thông qua việc quan hệ tình dục …

HEV có xác suất gây bệnh rất thấp, chỉ từ 1-10%. Người bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ 4-6 tuần. Tuy nhiên đây có thể trở thành một căn bệnh rất nghiêm trọng và đôi khi phát triển thành suy gan cấp gây tử vong.

 

2. Nguồn lây nhiễm virus

Virus HEV được tìm thấy trong rác và các loại chất thải như phân, nước tiểu… Chúng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua nguồn nước hay thực phẩm bẩn. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa, khi nước mưa kéo virus trong phân gây ô nhiễm nguồn nước sử dụng.

Trên thế giới, các số liệu ghi nhận có khoảng 20 triệu ca nhiễm bệnh viêm gan E mỗi năm, với khoảng một phần sáu trong số đó có biểu hiện triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, có đến gần 60 nghìn trường hợp tử vong liên quan đến HEV. Những nơi có điều kiện vệ sinh kém thường có tỷ lệ người dân dương tính với HEV cao. Đông Nam Á và Nam Á là những khu vực bị ảnh hưởng bởi HEV nhiều nhất. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm HEV cao.

 

3. Đường lây truyền của virus viêm gan E

HEV chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêu hóa (đường phân – miệng), do người bệnh ăn phải các loại thức ăn, nước uống bị nhiễm virus. Virus có thể lây lan qua dduongf máu hay từ mẹ sang con. Tuy nhiên những trường hợp này rất hiếm gặp.

Chính vì vậy, chúng ta cũng đều phải chú ý ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh, tránh các thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm, cần phải xử lý nếu nguồn nước nghi bị ô nhiễm.

 

4. Các triệu chứng 

Đặc trưng của bệnh là thời gian ủ bệnh dài (từ 15 đến 60 ngày sau khi tiếp xúc vi khuẩn). Người bệnh có thể tự khỏi trong vòng 4-6 tuần sau đó. Triệu chứng của bệnh cũng rất nhẹ và không kéo dài. Triệu chứng của bệnh lý này nhẹ hơn, hậu quả ít nghiêm trọng hơn so với các bệnh lý viêm gan virus khác như viêm gan A, B hay C. Tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là đối với phụ nữ đang mang thai.

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm gan E là:

– Người bệnh có thể gặp phải những dấu hiệu như mệt mỏi, đau nhứ toàn thân, sốt nhẹ…giống như cảm cúm thông thường nên có thể bị nhầm lẫn và bỏ qua.

– Vàng da, vàng mắt: Đây là triệu chứng chung khi bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến gan. Triệu chứng nàyrất dễ nhận thấy bằng mắt thường. Ở giai đoạn xuất hiện triệu chứng này, virus tìm thấy được trong phân của người bệnh. Ở giai đoạn này, virus có thể lây lan qua môi trường nước làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

– Nước tiểu sẫm màu.

– Phân có màu nhạt.

– Đau bụng. Đồng thời khi ấn vào vùng bụng có cảm giác tăng, nhất là vùng hạ sườn phải tương ứng với vị trí của gan do kích thước gan to hơn bình thường.

– Ngoài ra, còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như: chán ăn, buồn nôn và nôn…

Các triệu chứng này thường kéo dài từ tối đa 6 tuần. Phần lớn bệnh nhân không cần chữa trị, bệnh sẽ tự thuyên giảm. Nhưng nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng thì chức năng gan của người bệnh có thể bị suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Viêm gan E là do virus HEV gây ra và lan truyền

 

5. Phòng ngừa bệnh viêm gan E

Phòng ngừa là phương pháp hiệu quả nhất để chống lại nhiễm virus HEV.

Ở mức độ quốc gia, các chính sách giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm HEV có thể kể đến như:

– Tăng cường các tiêu chuẩn về độ sạch, đặc biệt là kiểm soát số lượng vi sinh vật ở các nguồn nước công cộng.

– Xây dựng và đảm bảo hệ thống xử lý chất thải.

Ở phạm vi cá nhân ,mỗi người có thể tự phòng ngừa bệnh cho mình bằng những biện pháp sau:

– Đảm bảo vệ sinh cá nhân.

– Rửa tay với nước sạch và xà phòng trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Tránh sử dụng nước ô nhiễm.

– Lựa chọn các loại thực phẩm cho gia đình có đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

6. Cách điều trị 

Các triệu chứng của bệnh sẽ dần biến mất sau 2-6 tuần. Vì vậy người bệnh nhiễm HEV có thể không cần nhập viện điều trị. Tuy nhiên nếu người bệnh bị viêm gan cấp tính hoặc là phụ nữ mang thai thì nên nhập viện để được bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị.

6.1. Đối với viêm gan E cấp tính

Hiện nay chưa có loại thuốc nào có chữa khỏi được bệnh ở giai đoạn cấp tính. Các bác sĩ sẽ tư vấn và làm giảm nhẹ các triệu chứng. Người bệnh nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, chú ý ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống đủ nước, tránh sử dụng rượu, bia và các chất kích thích. Người mắc bệnh không nên mua thuốc về dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt không được dùng thuốc chứa paracetamol do dễ gây hại cho gan.

Không nên uống paracetamol khi đang nhiễm viêm gan E

 

6.2. Đối với viêm gan E mạn tính

Thuốc Ribavirin dù không nằm trong phác đồ chính thức để điều trị bệnh này nhưng sử dụng thuốc này ở liều thấp trong khoảng 3 tháng có khả năng diệt virus ở đa số ca bệnh viêm gan siêu vi E mạn tính. Ngoài ra, còn có thể điều trị bằng peginterferon hoặc kết hợp giữa peginterferon và ribavirin.

Lưu ý: Loại thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh chỉ sử dụng khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc tránh những hậu quả đáng tiếc.

Viêm gan siêu vi E là một có thể tự khỏi mà không cần đến tác động của thuốc. Tuy nhiên, đối với những đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai, căn bệnh này rất nguy hiểm. Vì vậy, những người này khi phát hiện thấy dấu hiệu của bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và theo dõi sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top