Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh trong họng bị viêm và bị kích thích trở nên sưng, đồng thời tiếng nói bị biến dạng, khàn hoặc mất tiếng. Hiện nay, cách chữa viêm thanh quản chủ yếu là dùng thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt.
Thông thường, tình trạng viêm thanh quản chỉ kéo dài trong vòng vài ngày. Tuy nhiên có nhiều trường hợp bị viêm thanh quản kéo dài không có các biện pháp điều trị tích cực, bệnh có thể trở thành mạn tính.
Nguyên nhân gây viêm thanh quản là do nhiễm khuẩn, nhiễm virut. Bệnh nhân làm việc trong môi trường phải nói to, nói nhiều, môi trường xung quanh ô nhiễm, khói thuốc lá…
Khi bị viêm thanh quản, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng điển hình bao gồm: có cảm giác đau, ngứa rát trong cổ họng, khàn giọng hoặc mất tiếng, bệnh nhân có thể sốt, chảy nước mũi, người mệt mỏi. Nếu không có các biện pháp chữa viêm thanh quản thích hợp bệnh sẽ chuyển sang dạng mạn tính. Lúc này viêm thanh quản không chỉ gây ảnh hưởng tới giọng nói và giao tiếp hàng ngày của bệnh nhân mà còn có thể dẫn tới xuất hiện các khối u thực thể ở thanh quản như hạt xơ dây thanh, u nang dây thanh, polyp dây thanh hay ung thư thanh quản…
Viêm thanh quản cấp tính gây ra bởi một loại virut thường tự khỏi bệnh trong vòng một tuần. Các biện pháp tự chăm sóc cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng.Trường hợp viêm thanh quản mạn tính thì phải sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Các loại thuốc dùng trong chữa viêm thanh quản gồm:
Trong hầu hết các trường hợp viêm thanh quản, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng bất kỳ bởi vì nguyên nhân là do virus. Nhưng nếu có một nhiễm trùng do vi khuẩn thì người bệnh có thể dùng thuốc kháng sinh.
Thuốc chống viêm corticosteroid cũng được chỉ định để giảm viêm dây thanh âm.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng thuốc, liều lượng và thời gian chữa trị của bác sĩ. Đồng thời thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày sẽ góp phần cải thiện sớm bệnh.
Tránh nói to: Hạn chế nói chuyện hoặc hát quá to, quá lâu. Nếu cần nói trước đám đông thì nên sử dụng micro.
Uống nhiều nước: Nước lọc rất tốt cho cơ thể và làm mát cổ họng. Hạn chế uống rượu và cà phê.
Không hút thuốc: Khói thuốc lá không tốt cho hệ hô hấp của bạn, có thể gây viêm phổi và ung thư phổi. Vì thế khi bị viêm thanh quản, cũng cần bỏ thuốc hoặc tránh hít phải khói thuốc lá thụ động.
Viêm thanh quản là bệnh lý về họng khá phổ biến nhưng nhiều người còn chủ quan không chữa trị sớm. Bệnh nặng có thể tiến triển thành mạn tính, dễ tái phát nên cần có hướng điều trị kịp thời. Người bệnh nên đi khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa Tai mũi họng để có chỉ định điều trị phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh