✴️ Điếc đột ngột có nguy hiểm không?

1. Điếc đột ngột có nguy hiểm không?

Điếc đột ngột là tình trạng giảm hoặc mất thính lực ở 1 bên tai, hiếm khi ở cả hai bên tai một cách nhanh chóng, không giải thích được ở một người trước đó không bị suy giảm về khả năng nghe. Tình trạng này có thể là dạng điếc dẫn truyền, mất thính giác thần kinh giác quan hoặc điếc hỗn hợp. 

Nếu bệnh được điều trị đúng cách trong 24 giờ đầu, thính lực có thể hồi phục hoàn toàn. Nếu được điều trị ngay trong tuần đầu thì khả năng phục hồi sẽ trên 85%; Nhưng nếu điều trị sau một tuần thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 25%. Trường hợp điều trị chậm trễ sau 3 tuần có thể gây điếc vĩnh viễn.

Phần lớn các trường hợp bị điếc đột ngột xảy ra ở 1 bên tai nên người bệnh thường phát hiện chậm và chủ quan. Việc trì hoãn chẩn đoán và điều trị sẽ dẫn đến hậu quả điếc vĩnh viễn. Việc mất hoàn toàn thính lực không chỉ là vấn đề sức khỏe ở một cơ quan của cơ thể mà nó còn kéo theo hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến cuộc sống của người bệnh. Điếc khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề trong đảm bảo an toàn cho bản thân (không kịp thời tiếp nhận được các âm thanh cảnh báo nguy hiểm, tăng nguy cơ té ngã và tai nạn…), hạn chế trong giao tiếp xã hội, trở ngại trong vấn đề nâng cao nhận thức, dễ bị mắc các bệnh liên quan đến sa sút trí tuệ….  

2. Triệu chứng khi bị điếc đột ngột

Điếc đột ngột phần lớn xảy ra ở 1 tai sau khi ngủ dậy. Một số triệu chứng có thể xảy ra khi bị bệnh gồm: 

  • Khả năng nghe khác nhau ở hai tai (trong trường hợp bị điếc đột ngột 1 bên tai).
  • Khả năng nghe bị giảm sút so với trước đây mặc dù âm lượng của âm thanh vẫn ở ngưỡng bình thường như hàng ngày.
  • Khó xác định được hướng mà âm thanh phát ra.
  • Khó trong phân biệt loại âm thanh khác nhau.
  • Khó nghe ở những môi trường ồn ào hoặc âm thanh ở xa.
  • Người bệnh nói to hơn bình thường.
  • Yêu cầu người khác nói đi nói lại 1 vấn đề do không nghe rõ.
  • Người bệnh thường phải tăng âm lượng của các thiết bị phát ra âm thanh. 
  • Ở trẻ em có thể xảy ra tình trạng chậm hoặc không đáp ứng với tiếng gọi, không hoặc giảm chú ý/giảm sự giật mình khi có âm thanh tiến lại gần…

Tình trạng thay đổi này diễn ra đột ngột trong một vài giờ hoặc vài ngày. 

Ngoài ra, có khoảng 70-90% người bị đột ngột bị điếc có kèm theo triệu chứng ù tai, như có tiếng ve kêu, tiếng xay lúa hoặc tiếng còi tàu kêu trong tai và khoảng 20-40% bị chóng mặt. 

Tùy theo các nguyên nhân gây điếc đột ngột mà người bệnh có thể có các triệu chứng khác của bệnh lý kèm theo.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Ngay trong định nghĩa về điếc đột ngột cũng nêu rõ đây là tình trạng giảm/mất thính lực không giải thích được, vì thế đa phần các trường hợp bị đột ngột điếc đều không rõ nguyên nhân. Có khoảng 10-15% các ca điếc đột ngột có nguyên nhân rõ ràng. 

  • Nhiều ráy tai hoặc thủng màng nhĩ
  • Tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn, đột ngột
  • Tình trạng nhiễm trùng: Viêm ốc tai, viêm màng não, quai bị…
  • Các chấn thương vùng đầu, chấn thương tai (lặn biển sâu, đi máy bay…)
  • Một số bệnh tự miễn: Hội chứng Cogan, lupus ban đỏ hệ thống…
  • Một số loại thuốc điều trị bệnh: kháng sinh nhóm aminoglycosid (streptomycin, gentamycin, neomycin…), erythromycin, aspirin liều cao, thuốc chống viêm NSAIDS (ibuprofen, piroxicam…), thuốc lợi tiểu (furosemid…), một số thuốc điều trị ung thư…
  • Các nguyên nhân từ mạch máu: Tắc mạch máu tai trong, xuất huyết tai trong…
  • Bệnh lý ung bướu: U thần kinh thính giác, u ống tai trong, ung thư di căn…
  • Rối loạn thần kinh: Tổn thương dây thần kinh số 8…
  • Rối loạn tai trong: Bệnh Ménière…
  • Điếc do tâm lý: Gần đây các nhà khoa học phát hiện có khoảng 2,5% các trường hợp điếc đột ngột có liên quan đến các rối loạn tâm lý.

 

4. Phương pháp chẩn đoán điếc đột ngột

Để chẩn đoán điếc đột ngột ngoài các triệu chứng như đã mô tả ở trên thì các bác sĩ sẽ thực hiện một số bài kiểm tra hoặc các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh.

* Thính lực đồ

Thính lực đồ dùng để ghi lại kết quả kiểm tra sức nghe của một người với âm thanh ở các tần số hoặc cao độ khác nhau trong một môi trường nghe yên tĩnh. 

Thông qua thính lực đồ, người ta có thể có thể phân loại điếc thành các dạng khác nhau:

Có hay không có điếc?

  • Thính lực tiếp nhận bị giảm trên 30dB,
  • Thính lực bị giảm ở 3 tần số âm liên tiếp,
  • Thính lực bị giảm xảy ra trong vòng 72 giờ.

Điếc loại nào?

  • Nghe kém tần số thấp là chính: Tiên lượng tốt nhất.
  • Nghe kém đều cả tần số thấp và cao: Tiên lượng không tốt bằng loại 1.
  • Nghe kém tần số cao là chính: Tiên lượng không tốt lắm.
  • Điếc hoàn toàn hay điếc sâu: Tiên lượng xấu, ít có khả năng tự khỏi.

* Thăm khám tiền đình.

Tổn thương hệ thống tiền đình ốc tai, dây thần kinh số 8 là những nguyên nhân khá phổ biến gây tác động đến khả năng nghe.

* Đo chức năng vòi nhĩ

Đo chức năng vòi nhĩ giúp đánh giá sự thay đổi áp lực dịch tai trong, kiểm tra tình trạng viêm tiết dịch

* Chẩn đoán hình ảnh: 

X quang, chụp CT scan, MRI, nội soi tai mũi họng… tìm các bệnh lý của xương chũm, các khối u dây thần kinh số 8, u góc cầu tiểu não…

5. Thuốc điều trị điếc đột ngột

Giống như nhiều bệnh lý khác, phương pháp điều trị điếc đột ngột phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. 

Đối với các trường hợp xác định được nguyên nhân gây bệnh cần tích cực điều trị bệnh chính. Có thể sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, phẫu thuật…

Đối với các trường hợp không xác định được nguyên nhân thì phác đồ điều trị là điều trị bao vây. Sử dụng tối đa các loại thuốc giải quyết tập hợp các nguyên nhân có thể xảy ra như:

  • Thuốc corticoid: Là lựa chọn đầu tay cho hiệu quả điều trị tốt. Có thể dùng đường toàn thân hoặc tiêm trực tiếp xuyên màng nhĩ vào tai giữa
  • Thuốc giãn mạch: Cải thiện lưu lượng máu đến ốc tai. Một số thuốc có tác dụng điều trị bao gồm Papaverin, histamine, nicotinic acid, procaine, niacin và carbogen.
  • Thuốc tiêu sợi huyết
  • Thuốc tăng tuần hoàn: Tanakan, Ginkgo Biloba
  • Chất chống oxy hóa 

Bên cạnh việc dùng thuốc có một số giải pháp mới được áp dụng có hiệu quả như:

  • Oxy cao áp được đánh giá là một liệu pháp hiệu quả với điếc đột ngột vô căn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc thở với oxy 100% ở áp suất 250 kPa trong tổng số 60 phút cho hiệu quả điều trị tốt. 
  • Sử dụng các thiết bị trợ thính cho bệnh nhân không phục hồi thính lực sau điều trị. 
  • Cấy ghép ốc tai điện tử là giải pháp khắc phục cho những người bị điếc đột ngột nhưng điều trị không hồi phục dẫn đến điếc vĩnh viễn. 

 

6. Lời khuyên phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng điếc đột ngột

Có một thực tế là chúng ta không thể ngăn ngừa mất thính lực mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên có rất nhiều điều chúng ta có thể làm để bảo vệ sức nghe của bản thân và người xung quanh.

  • Không nên bật các thiết bị phát âm thanh ở ngưỡng âm lượng quá cao.
  • Sử dụng các thiết bị giảm tiếng ồn hoặc phòng cách âm.
  • Nên giảm thời lượng sử dụng tai nghe, các thiết bị phát âm thanh.
  • Những người cần làm việc trong môi trường ồn cần mang thiết bị bảo vệ tai và khám sức khỏe thính lực thường xuyên. 
  • Không nên dùng tăm bông để vệ sinh tai. Sau khi bơi cần vệ sinh hết nước ra khỏi tai. 
  • Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc để theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện bất thường.
  • Đi khám ngay khi có các vấn đề về thính lực như ù tai, giảm thính lực…

Điếc đột ngột có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Các phương pháp điều trị hiện nay tập trung vào bảo tồn và khôi phục sức nghe. Tuy nhiên trong các trường hợp phát hiện muộn thì khoa học hiện đại cũng có rất nhiều cách để giúp người bệnh có thể tái hòa nhập cuộc sống bằng các thiết bị trợ thính tiên tiến.  

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top