✴️ Điểm danh 5 loại bệnh tai mũi họng thường gặp hiện nay

Nội dung

1. Đặc điểm chung của các bệnh lý tai mũi họng

Trước tiên, về bản chất, tai mũi họng là những bộ phận có sự liên kết với nhau như xoang thông với mũi, mũi họng lại thông với tai và xương chũm qua vòi nhĩ. Do đó, khi bị chấn thương, nhiễm khuẩn rất dễ lây lan từ hốc này sang hốc khác do tai mũi họng đều thông với nhau. Ví dụ người bị xoang trán cũng sẽ rất dễ bị viêm mũi, hoặc người bị viêm họng cũng có nguy cơ cao viêm mũi. Hoặc ở một số trường hợp, bệnh tai mũi họng cũng có thể gây ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp hoặc tiêu hóa.

Ngoài ra, tai mũi họng cũng là những bộ phận thông với môi trường bên ngoài. Do đó, những yếu tố như nhiệt độ, thời tiết cũng đóng vai trò then chốt trong việc hình thành bệnh lý.

Tai mũi họng là nhóm bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em.

Tai mũi họng là nhóm bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em.

 

2. Những nguyên nhân gây bệnh tai mũi họng

Như đã đề cập ở trên, tác nhân chính gây bệnh tai mũi họng là thời tiết, nhiệt độ hoặc khói bụi… Ngoài ra, bên cạnh những tác nhân kể trên, tai mũi họng cũng có thể xuất phát từ một số thói quen sinh hoạt phổ biến trong đời sống thường nhật như:

– Thói quen uống nước đá hoặc nằm máy lạnh thường xuyên, bơi lội ở môi trường nước chứa nhiều hóa chất.

– Vệ sinh cá nhân kém, khiến vi khuẩn dễ lây lan qua đường hô hấp gây các bệnh tai mũi họng.

– Đeo tai nghe với âm lượng lớn khiến tai bị chấn thương, thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng điếc tai hoặc suy giảm thính lực vĩnh viễn.

– Lạm dụng thuốc lá, bia rượu: Thuốc là là tác nhân chủ yếu gây ung thư vòm họng, trong khi đó, việc lạm dụng bia rượu có thể gây ảnh hưởng đến thanh quản. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý tai mũi họng như viêm họng hay viêm amidan.

– Sử dụng thuốc kháng sinh sai cách: Việc lạm dụng nhiều thuốc kháng sinh trong điều trị có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, khiến cho việc điều trị trở nên phức tạp hơn nhiều. Ngoài ra, nếu như điều trị sai cách thì bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn nhanh chóng trở nặng, tái đi tái lại nhiều lần.

 

3. 5 loại bệnh tai mũi họng phổ biến hiện nay

Dưới đây là danh sách những loại bệnh tai mũi họng phổ biến ở mọi lứa tuổi, bao gồm:

3.1. Bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa là một nhóm các bệnh lý ở tai giữa, có thể hiểu như một dạng tổn thương hoặc viêm nhiễm xuất hiện ở tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển ở trong tai. Viêm tai giữa có các dạng chính là viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa có dịch tiết.

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm tai giữa thường là do viêm nhiễm như viêm mũi họng hoặc viêm VA. Ngoài ra, viêm tai giữa cũng có thể do chấn thương áp lực gây thủng màng nhĩ hoặc thoái hóa đuôi cuốn mũi dẫn dẫn hiện tượng tắc vòi nhĩ.

Viêm tai giữa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó phổ biến hơn cả là trẻ nhỏ. Có thể nhận biết viêm tai giữa ở trẻ thông qua những biểu hiện như sau:

– Trẻ sốt, thậm chí là sốt cao trên 39 độ C, quấy khóc thường xuyên, bỏ bú, chán ăn hoặc nôn trớ, co giật.

– Với trẻ lớn thì có thể sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu hoặc lấy tay dụi vào tai.

– Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra phân lỏng, đi ngoài nhiều bất thường, xuất hiện đồng thời với các triệu chứng sốt.

3.2. Viêm họng

Viêm họng có thể nói là một trong những bệnh tai mũi họng phổ biến nhất, trong đó viêm họng được chia thành 3 dạng là: Viêm họng trắng, viêm họng đỏ hay viêm hoạt loét. Viêm họng thường xảy ra vào thời điểm khi thời tiết chuyển mùa, hoặc khi nhiệt độ trở lạnh đột ngột.

Nguyên nhân chính gây bệnh đa phần là do virus gây ra, đôi khi, ở một số trường hợp người bệnh dễ mắc bệnh do gặp được các yếu tố thuận lợi như thay đổi khí hậu, môi trường nhiều khói bụi hoặc người có sức đề kháng kém.

Một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm họng có thể bao gồm:

– Đau hoặc cảm giác ngứa, rát ở trong cổ họng, đặc biệt là đau trầm trọng khi nuốt hoặc khi nói

– Đau hoặc nổi hạch ở cổ, hàm

– Amidan bị sưng, đỏ

– Xuất hiện các mảng trắng hoặc mủ ở trên amidan

– Bị khàn giọng

Ngoài ra, ở một số trường hợp viêm họng cũng có thể xuất hiện những biểu hiện như: Sốt, ho, sổ mũi, hắt xì, đau nhức khớp cơ thể, đau đầu, buồn nôn…

3.3. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý xảy ra do lớp niêm mạc ở trong mũi bị viêm, nguyên nhân chủ yếu bởi người bệnh hít phải các dị nguyên gây hại như khói, bụi, lông tơ. Tuy là bệnh lành tính, thế nhưng nhìn chung các triệu chứng của viêm mũi dị ứng lại tương đối khó chịu và dai dẳng. Bệnh có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh đột ngột.

Viêm mũi dị ứng thường được chia làm 2 loại đó là dị ứng có chu kỳ và dị ứng không có chu kỳ. Trong đó, ở cả 2 loại bệnh đều xuất hiện những triệu chứng phổ biến bao gồm:

– Thấy ngứa và cay ở trong mũi

– Liên tục hắt hơi, chảy nước mũi liên tục

– Ho, đau họng, vòm họng ngứa dữ dội

– Cay mắt, chảy nước mắt, ngứa ở mắt phải đưa tay dụi liên tục

3.4. Bệnh viêm amidan

Viêm amidan có thể nói là một trong những bệnh lý Tai-Mũi-Họng phổ biến nhất có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em tới người lớn.

Amidan hoạt động với chức năng như một “hàng rào” giúp bảo vệ cơ thể cũng như ngăn ngừa các tác nhân gây hại như virus và khi khuẩn. Tuy nhiên, trước tình trạng virus và vi khuẩn tấn công với số lượng lớn, amidan mất khả năng chống cự và gây nhiễm trùng, tình trạng này còn được gọi là viêm amidan. Viêm amidan rất dễ chẩn đoán, đồng thời các triệu chứng cũng sẽ biến mất trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày. Để dễ nhận biết, viêm amidan được chia làm 2 dạng đó là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính.

Mỗi dạng viêm sẽ có những triệu chứng khác nhau. Ở viêm amidan cấp tính, triệu chứng dế nhận biết nhất đó là amidan ở khấu cái bị xung huyết dẫn đến tiết nhiều dịch. Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện thêm một số biểu hiện đặc trưng như: Sốt, đau nhức ở tai hoặc đầu, amidan có các đốm màu vàng hoặc màu trắng.

Trái lại, viêm amidan mạn tính lại không có triệu chứng điển hình và rõ ràng, người bệnh chỉ có thể nhận biết bệnh thông qua một số biểu hiện như:

– Hơi thở có mùi hôi, mặc dù đã vệ sinh răng miệng nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng hôi miệng

– Nuốt vào có cảm giác vướng ở trong cổ họng

– Ho khan thành từng cơn, đặc biệt ho nhiều vào buổi sáng lúc vừa mới ngủ dậy

– Đau, rát họng, thậm chí giọng nói có thể thay đổi do ho kéo dài

Viêm họng và viêm amidan có thể nói là những bệnh tai mũi họng phổ biến nhất hiện nay

Viêm họng và viêm amidan có thể nói là những bệnh tai mũi họng phổ biến nhất hiện nay

3.5. Viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc ở mũi và các xoang cạnh mũi, bệnh do các nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm khuẩn, virus, dị ứng và nấm. Tương tự với các bệnh lý tai mũi họng khác, viêm xoang cũng được chia làm 2 loại là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính.

Trong đó, viêm xoang mạn tính thường dễ tái phát và cũng nguy hiểm hơn nhiều so với viêm xoang cấp tính. Một số đối tượng thường gặp viêm xoang đó là trẻ em dưới 6 tuổi, hoặc những người bị viêm mũi dị ứng, viêm VA, viêm amidan.

Với trẻ em, dấu hiệu khởi phát của viêm xoang đó là trẻ chán ăn, bỏ bữa, kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Ngoài ra, trẻ cũng xuất hiện biểu hiện ị sốt hoặc dị ứng.

Với người lớn, viêm niêm mạc mũi xoang sẽ nhanh chóng tiến triển thành viêm xoang mạn tính kèm theo một số triệu chứng như: Đau nhức âm ỉ ở vùng mặt, nghẹt mũi, sốt, kém tập trung, người mệt mỏi, đau nhức, khi soi mũi thấy khe giữa và khe trên có mủ.

Hi vọng rằng, với những thông tin mà bài viết chia sẻ đã giúp bạn đọc có thể hình dung rõ ràng, chi tiết về các bệnh tai mũi họng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top