✴️ Điều trị viêm thanh quản bằng cách nào?

Thanh quản là một bộ phận quan trọng của cơ thể, có liên quan đến việc thở, phát âm và ngăn thức ăn xâm nhập vào khí quản. Chính vì vậy, viêm thanh quản ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy điều trị viêm thanh quản bằng cách nào?

 

1. Viêm thanh quản là bệnh lý gì?

Viêm thanh quản là tình trạng niêm mạc thanh quản bị viêm, phù nề, đôi khi có loét và khiến các lớp sâu hơn bên trong bị viêm. Điều này dẫn đến tình trạng viêm cơ, hoại tử sụn, sưng dây thanh âm gây nên tình trạng biến dạng âm thanh khi không khí đi qua.

Viêm thanh quản gồm 2 mức độ: Viêm cấp tính và viêm mạn tính. Viêm thanh quản cấp tính được coi là một vấn đề sức khoẻ tạm thời và điều trị không quá khó khăn, Tuy nhiên, viêm thanh quản mạn tính là do thanh quản đã tiếp xúc thời gian dài với chất gây kích ứng và việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản ảnh hưởng lớn đến tình trạng thở, phát âm của người bệnh

 

2. Viêm thanh quản là do đâu?

2.1 Viêm thanh quản cấp tính

Một số nguyên nhân gây nên viêm thanh quản cấp tính bao gồm

– Bị nhiễm virus, nhiễm khuẩn.

– Trước đó đã bị các bệnh lý viêm đường hô hấp: viêm mũi xoang, viêm Amidan, viêm VA.

– Sử dụng giọng nói quá mức (nói nhiều, hét to).

– Sử dụng các đồ uống có hại như rượu, bia…

2.2 Viêm thanh quản mạn tính

Những nguyên nhân gây nên viêm thanh quản mạn tính bao gồm:

– Tiếp xúc thường xuyên với những hoá chất độc hại hay gây dị ứng.

– Bị tình trạng trào ngược axit từ dạ dày.

– Thường xuyên bị viêm mũi xoang.

– Tiếp xúc với khói thuốc (trực tiếp hút hoặc ở gần những người hút).

– Lạm dụng giọng nói quá mức.

– Bị bội nhiễm nấm cho thường xuyên dùng thuốc hít để điều trị hen suyễn.

Lạm dụng giọng quá mức cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản

Lạm dụng giọng quá mức cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản

 

3. Dấu hiệu đặc trưng của viêm thanh quản

Những biểu hiện cơ bản cho thấy bệnh nhân đang bị viêm thanh quản bao gồm: Giọng khàn, mất giọng, họng đau, sốt nhẹ, ho dai dẳng hay thường xuyên hắng giọng. Những triệu chứng này xuất hiện đột ngột và sẽ trở nặng sau 2 – 3 ngày. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần thì khả năng cao bệnh đã tiến triển sang giai đoạn mạn tính.

Tuy nhiên, trẻ bị viêm thanh quản sẽ có triệu chứng khác với người lớn. Có thể kể đến một số triệu chứng như: Sốt nhẹ, khàn tiếng, thở rít, ho ong ỏng và trẻ biểu hiện sự lo lắng, sợ hãi. Bệnh lý này sẽ trở nên nặng hơn vào ban đêm với những cơn khó thở ở thanh quản.

 

4. Các cấp độ điều trị viêm thanh quản

Để điều trị được bệnh lý này, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ tiến hành thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.

4.1 Khó thở thanh quản độ 1

Ở mức độ này, biểu hiện khó thở chưa điển hình, có tiếng rít thanh quản nhẹ, tiếng ho mức độ trong hoặc chỉ hơi rè, toàn thân chưa bị ảnh hưởng gì. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ kê đơn để người bệnh điều trị ngoại trú tuy nhiên cần theo dõi và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ.

4.2 Khó thở thanh quản độ 2

Người bệnh ở mức độ 2 thường bị mất tiếng, nói không rõ, khó thở, co kéo hô hấp mạnh và nghe rõ tiếng rít thanh quản. Tình trạng này cần phải nhập viện, sử dụng khí dung và sử dụng kháng sinh (nếu chưa xác định được nguyên nhân có phải nhiễm khuẩn hay không).

4.3 Khó thở thanh quản độ 3

Đây là tình trạng nặng, mất tiếng hoàn toàn, khó thở dữ dội, không ho được. Đặc biệt, toàn thân bị ảnh hưởng (hon mêm, da tái vã mồ hôi, lờ đờ, nhip thở rối loạn…). Người bệnh cần phải nằm cấp cứu, thở oxy để đảm bảo lượng oxy trong máu, khí dung, kháng sinh tĩnh mạch.

Trường hợp bệnh có diễn tiến nặng hơn, có cơ ngừng thở thì bác sĩ sẽ chỉ định đặt nội khí quản thở máy.

 

5. Phòng bệnh viêm thanh quản

Để phòng ngừa bệnh lý này, cần thực hiện những điều sau:

– Tránh việc tiếp xúc với khói thuốc (dù hút trực tiếp hay ở khu vực có khói thuốc).

– Uống nhiều nước.

– Cần hạn chế tối đa những thực phẩm có tính chất cay nóng.

– Không lạm dụng giọng nói bằng việc la hét, nói quá to.

– Bổ sung những thực phẩm chứa nhiều vitamin A, E, C để giúp chất nhầy thanh âm được hoạt động tốt.

– Vệ sinh cơ thể sạch sẽ và giữ ấm cơ thể vào những thời điểm giao mùa, trời trở lạnh.

– Tiêm phòng vaccin đầy đủ.

– Khám sức khoẻ tối thiểu 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế uy tín.

Mong rằng bài viết trên của chúng tôi đã cung cấp những thông tin hữu ích về “điều trị viêm thanh quản“. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, bạn có thể liên hệ với bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín để được giải đáp chi tiết và chính xác nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top