Viêm mũi xoang dị ứng là bệnh phổ biến, thường hay tái phát và nặng lên trong điều kiện thời tiết khô lạnh. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Nguyên nhân gây viêm mũi xoang dị ứng
Viêm mũi xoang dị ứng là phản ứng quá mẫn cảm của niêm mạc mũi, xảy ra khi có kích thích của các độc tố hoặc vật lạ như khói bụi, hóa chất, lông vũ, phấn hoa, thực phẩm hay khi thay đổi thời tiết.
Bên cạnh đó, viêm mũi xoang dị ứng có thể là do di truyền, vi khuẩn
Biểu hiện của viêm mũi xoang dị ứng
Viêm mũi xoang dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi do dị ứng nguyên gây ra. Do viêm nên lớp niêm mạc này trở nên nhạy cảm bất thường và có thể bị kích ứng bởi các yếu tố dễ gây dị ứng như: không khí lạnh, khói, phấn hoa, hóa chất, khói thuốc lá, lông thú nuôi, nấm mốc, các loại thực phẩm gây dị ứng như hải sản hoặc có tính kích thích như hạt tiêu, ớt….
Triệu chứng của viêm mũi xoang dị ứng thường xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng với các biểu hiện: Hắt hơi đột ngột, nhiều lần, hắt hơi liên tục, kéo dài nhiều phút và thường xuyên tái phát trong đợt dị ứng.
Người bệnh còn có biểu hiện ngứa mũi, đôi khi ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả ngoài da vùng cổ, da ống tai ngoài, chảy nước mũi trong, thường đi kèm với hắt hơi hoặc sau hắt hơi, tắc ngạt mũi do chảy nhiều nước mũi và sự phù nề của niêm mạc làm cho ngạt mũi, có khi ngạt hoàn toàn cả hai bên mũi khiến người bệnh phải thở bằng miệng.
Bên cạnh đó, người bệnh thường có cảm giác nặng vùng xoang quanh mũi, và đau mặt, sưng quầng mí mắt dưới, có cảm giác nhức đầu, mệt mỏi…
Biến chứng viêm mũi xoang dị ứng
Viêm mũi xoang dị ứng nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm xoang mũi cấp và mạn tính do ứ đọng dịch tiết tạo thành các ổ viêm, tắc các lỗ thông xoang.
Do viêm nhiễm ở niêm mạc mũi và xoang mũi, tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập gây viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa. Do ngạt mũi, tắc mũi khiến người bệnh khó ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động…
Ngoài ra, khi bị viêm mũi xoang dị ứng, nhiều người không chỉ ngứa mũi mà còn bị ngứa cả mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt dễ nhầm với bệnh viêm kết mạc hoặc do bệnh nhân gãi và dụi mắt nhiều có thể gây xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị giác của người bệnh.
Chính vì thế khi thấy những biểu hiện của bệnh viêm xoang mũi dị ứng, người bệnh cần đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng để được chẩn đoán nguyên nhân. Từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.
Điều trị viêm mũi xoang dị ứng
Để điều trị viêm mũi xoang dị ứng, người bệnh cần đến trực tiếp các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng.
Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị nội khoa: Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh, Corticoid chống viêm và thuốc kháng histamine tổng hợp để chống viêm dị ứng đồng thời giúp niêm mạc mũi giảm phù nề, tiết dịch. Các loại thuốc kháng sinh đặc trị chống nấm cho những bệnh nhân thử nghiệm vi sinh có nấm dương tính.
Điều trị ngoại khoa: Trong trường hợp tắc nghẽn đường dẫn lưu của các xoang có thể bạn cần phải phẫu thuật nội soi chức năng phối hợp để loại bỏ những nút bít tắc, lấy mủ viêm và nấm ra khỏi xoang tạo sự thông khí của mũi xoang.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh