✴️ Lấy dị vật mũi

ĐẠI CƯƠNG

Dị vật mũi rất đa dạng:

Trẻ em nghịch nhét vào mũi: giấy, nút cao su, nhựa, khuy áo, hạt cườm, đoạn dây nhựa, dây thép, các hạt hữu cơ.

Ở người lớn: khi làm thủ thuật bỏ sót những mảnh bông, mảnh gạc, trong chiến tranh có thể có mảnh đạn, bom. Trường hợp bệnh lý có sỏi ở mũi.

 

CHỈ ĐỊNH

Khi có dị vật ở trong mũi phải lấy ra.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Phương tiện

Bộ khám mũi và lấy dị vật.

Bông, bấc để có thể phải nhét bấc hoặc merocel.

Thuốc co mạch, thuốc tê tại chỗ.

Máy hút.

Người bệnh

Người bệnh hoặc bố mẹ trẻ được giải thích kỹ.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tư thế người bệnh

Người lớn: ngồi trên ghế.

Trẻ em: phải có người lớn bế ngồi trên ghế.

Vô cảm

Trẻ nhỏ không phối hợp được với thầy thuốc để tiến hành thủ thuật thì có thể gây mê ngắn.

Kỹ thuật

Dị vật mới, dễ lấy: lấy bằng móc kéo từ sau ra trước.

Dị vật để lâu, khó lấy:

Cố định đầu người bệnh cẩn thận.

Hút sạch mũi, mủ, chất xuất tiết ở hốc mũi.

Đặt vào mũi bấc có thấm thuốc co mạch làm cho hốc mũi rộng ra.

Giỏ 1-2 giọt thuốc tê niêm mạc (xylocain 3%) làm tê tại chỗ.

Banh mũi, dùng móc luồn ra phía sau của dị vật rồi kéo dị vật từ từ ra ngoài.

Trong trường hợp khó khăn hoặc dị vật để lâu quá calci hóa, cần phải gây mê rồi lấy dị vật qua nội soi hoặc kính hiển vi.

 

THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC

Chảy máu: tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà quyết định nhét bấc mũi trước hay không.

Sau khi lấy dị vật xong, nhỏ mũi bằng Argyrol 1-3% để sát khuẩn, ngày 2 lần, trong 3 ngày.

Nếu phải phẫu thuật: chăm sóc như một ca phẫu thuật mũi.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Làm xây xát niêm mạc gây chảy máu mũi: cầm máu.

Trẻ em sợ có thể gây choáng ngất do đau: chống choáng, giảm đau tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top