✴️ Một trường hợp viêm xoang biến chứng áp xe dưới màng xương ổ mắt

Nội dung

Nhiễm trùng ổ mắt là một biến chứng không thường gặp nhưng là một nguy hiểm tiềm tàng của các bệnh lý như viêm xoang, nhiễm trùng do răng, bệnh lây theo đường máu hoặc sau tạo hình ổ mắt [5],[12]. 70-80% các trường hợp nhiễm trùng ổ mắt là biến chứng của nhiễm trùng các xoang cạnh mũi [9]. Trong trường hợp viêm xoang sàng thì nhiễm trùng có thể lây lan qua một vách xương rất mỏng giữa xoang và ổ mắt. Nhiễm trùng còn có thể lây lan qua sàn ổ mắt trong trường hợp viêm xoang hàm và qua trần ổ mắt nếu có viêm xoang trán. Nhiễm trùng có khả năng bóc tách vào dưới màng xương và dẫn đến áp xe dưới màng xương. Ngoài ra, áp xe trong ổ mắt cũng có thể hình thành thứ phát sau một tình trạng viêm mô tế bào khu trú và tiến triển [10].

Chandler và cs [1] đã phân loại nhiễm trùng ổ mắt thành 5 nhóm dựa vào vị trí giải phẫu. viêm mô tế bào trước vách, viêm mô tế bào ổ mắt, áp xe dưới màng xương, áp xe ổ mắt và huyết khối xoang hang. Tuy nhiên, nhiễm trùng ổ mắt có thể được định nghĩa rõ ràng hơn nếu xét đến mối tương quan với vách ổ mắt. Vì vậy, dựa vào vị trí và tương quan với vách ổ mắt và màng xương thì có thể chia ra 3 loại nhiễm trùng ổ mắt: trước vách, sau vách và dưới màng xương [3].  

Các dấu hiệu chính của nhiễm trùng ổ mắt là giảm thị lực, lồi mắt, đau mắt và giới hạn vận nhãn [6]. Áp xe nếu lan đến khoang ổ mắt phía sau thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bởi vì áp xe có thể lan thông qua ống thần kinh thị và tĩnh mạch mắt đến màng não và não [9]. Do đó, nếu không được điều trị thích hợp thì nhiễm trùng ổ mắt có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng [1]. Vì lí do này nên can thiệp phẫu thuật sớm phải được tiến hành khi có áp xe dưới màng xương hay áp xe ổ mắt [6]. Sau đây là báo cáo về một trường hợp áp xe dưới màng xương ổ mắt do biến chứng từ viêm đa xoang trên một bệnh nhi 9 tuổi.

Nội soi mũi : có dịch nhầy đục hốc mũi 2 bên + polyp hốc mũi (T)

CTscan: Viêm đa xoang mạn tính 2 bên (T)> (P), bên (T) gây biến chứng áp xe dưới màng xương ở bờ trong hốc mắt (T) Chandler III, gây viêm lan quanh hốc mắt (T)>(P), vùng trán.

Điều trị:

Bệnh nhân được nhập viện và tiến hành mổ cấp cứu nội soi mở các xoang hàm, sàng, trán, bướm (T) – mở xương giấy (T) dẫn lưu áp xe – lấy mủ cấy kháng sinh đồ + mở xoang hàm, sàng (P) kiểm tra xoang bướm (P).

Sau phẫu thuật, bệnh ổn, mắt (T) đỡ phù mi, mở được nhiều hơn. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và truyền thuốc kháng sinh Ceftazidim, Metronidazole và kháng viêm Methylprednisolone.

 

Kể từ sự ra đời của liệu pháp kháng sinh, nhiễm trùng và áp xe ổ mắt là tương đối hiếm gặp [5]. Nhiễm trùng ổ mắt thường xuất phát từ các vùng có bệnh lý nặng ở kế cận, trong đó khoảng 80% trường hợp là do biến chứng viêm của các xoang cạnh mũi, và bệnh lý viêm mô tế bào xoang sàng là nguồn gây nhiễm trùng ổ mắt thường gặp nhất ở trẻ em [9]. Nguyên nhân là do nhiễm trùng có thể xâm nhập vào ổ mắt thông qua chỗ khuyết xương hoặc qua dẫn lưu tĩnh mạch. Nhiều sự thông nối trực tiếp giữa tĩnh mạch ổ mắt và tĩnh mạch xoang cạnh mũi tạo thuận lợi cho quá trình lây lan nhiễm trùng này [9].

Phát hiện sớm các trường hợp nhiễm trùng ổ mắt và can thiệp kịp thời triệt để là vô cùng quan trọng vì hậu quả của các di chứng, thương tật rất nặng nề và thậm chí có thể dẫn đến tử vong [12]. Do đó, phẫu thuật dẫn lưu sớm kết hợp với điều trị kháng sinh là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa áp xe “khoang ổ mắt sâu”, cũng như huyết khối xoang hang [9].

Bất kì sự chậm trễ nào trong điều trị nhiễm trùng ổ mắt đều có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng [10]. Các biến chứng này bao gồm giảm thị lực một phần hoặc hoàn toàn, huyết khối xoang hang, viêm màng não, áp xe thùy trán, viêm tủy xương, hoặc thậm chí tử vong [2]. Mất thị lực được cho là thứ phát của tăng áp lực nội nhãn gây ra do tích tụ dịch mủ, dẫn đến thiếu máu võng mạc do tắc nghẽn động mạch trung tâm hoặc viêm tĩnh mạch huyết khối. Mất thị lực cũng có thể do viêm thần kinh thị giác, hậu quả của nhiễm trùng lây lan [10].

 

TLTK

  1. Chandler J. R., Langenbrunner D. J., Stevens E. R. (1970), “The pathogenesis of orbital complications in acute sinusitis”. Laryngoscope,  80  (9), pp. 1414-28.
  2. Chaudhry I. A., Shamsi F. A., Elzaridi E., et al. (2007), “Outcome of treated orbital cellulitis in a tertiary eye care center in the middle East”. Ophthalmology, 114  (2), pp. 345-54.
  3. Flood T. P., Braude L. S., Jampol L. M., et al. (1982), “Computed tomography in the management of orbital infections associated with dental disease”. Br J Ophthalmol, 66  (4), pp. 269-74.
  4. Garcia G. H., Harris G. J. (2000), “Criteria for nonsurgical management of subperiosteal abscess of the orbit: analysis of outcomes 1988-1998”. Ophthalmology, 107  (8), pp. 1454-6; discussion 1457-8.
  5. Janakarajah N., Sukumaran K. (1985), “Orbital cellulitis of dental origin: case report and review of the literature”. Br J Oral Maxillofac Surg, 23  (2), pp. 140-5.
  6. Kim I. K., Kim J. R., Jang K. S., et al. (2007), “Orbital abscess from an odontogenic infection”. Oral Surg Oral Med Oral Pathol Oral Radiol Endod, 103  (1), pp. e1-6.
  7. Nageswaran S., Woods C. R., Benjamin D. K., Jr., et al. (2006), “Orbital cellulitis in children”. Pediatr Infect Dis J, 25  (8), pp. 695-9.
  8. Spires J. R., Smith R. J. (1986), “Bacterial infections of the orbital and periorbital soft-tissues in children”. Laryngoscope, 96  (7), pp. 763-7.
  9. Tovilla-Canales J. L., Nava A., Tovilla y Pomar J. L. (2001), “Orbital and periorbital infections”. Curr Opin Ophthalmol,  12  (5), pp. 335-41.
  10. Vairaktaris E., Moschos M. M., Vassiliou S., et al. (2009), “Orbital cellulitis, orbital subperiosteal and intraorbital abscess: report of three cases and review of the literature”. J Craniomaxillofac Surg, 37  (3), pp. 132-6.
  11. Younis R. T., Anand V. K., Davidson B. (2002), “The role of computed tomography and magnetic resonance imaging in patients with sinusitis with complications”. Laryngoscope,  112  (2), pp. 224-9.
  12. Zachariades N., Vairaktaris E., Mezitis M., et al. (2005), “Orbital abscess: visual loss following extraction of a tooth–case report”. Oral Surg Oral Med Oral Pathol Oral Radiol Endod, 100  (4), pp. e70-3.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top