✴️ Những điều cần biết về cắt amidan

Nội dung

Chỉ định cắt amiđan

‘Cắt amiđan’ thường được hiểu là phẫu thuật cắt bỏ amiđan họng khỏi ngách bên của họng – được gọi là hốc amiđan. Ở trẻ con, các amiđan mũi- hầu thường được cắt bỏ cùng với amiđan họng. Amiđan mũi – hầu to nhất ở trẻ 3 tuổi và sau đó sẽ nhỏ dần, ở người lớn chỉ còn lại dấu tích nên thường không cần phải cắt. Cắt amiđan ở trẻ con thường được trì hoãn để không làm suy giảm hệ thống miễn dịch của đứa trẻ, ngoại trừ những trường hợp nhiễm trùng nặng cần phải cắt amiđan sớm.

Mặc dù việc cắt amiđan có sụt giảm sau năm 1950, đó vẫn là loại phẫu thuật được làm nhiều nhất ở trẻ em. Cắt amiđan được chỉ định cho những trường hợp sau đây:

Amiđan quá to

Amiđan quá to gây khó nuốt, khó thở, rối loạn giấc ngủ, hội chứng ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy, rối loạn phát âm…

Amiđan bị nhiều đợt viêm cấp

≥ 7 đợt viêm amiđan nhiễm trùng trong một năm, ≥ 5 đợt viêm amiđan nhiễm trùng mỗi năm trong hai năm trước đó, hoặc  ≥ 3-4 đợt viêm amiđan nhiễm trùng mỗi năm trong ba năm trước đó. Đây là những chỉ định tuyệt đối cho cắt amiđan.

Viêm amiđan có biến chứng như

Viêm amiđan có biến chứng như: Áp xe amiđan, áp xe quanh amiđan, thấp tim, viêm khớp, viêm thận.

Viêm amiđan mạn với hốc mủ bã đậu

Viêm amiđan mạn với hốc mủ bã đậu, gây hôi miệng thường xuyên.

Đau mạn tính do sạn amiđan

Cắt amiđan đôi khi cũng được chỉ định cho những người đau mạn tính do sạn amiđan.

Các phương pháp cắt amiđan

Ít nhất trong 50 năm qua, cắt amiđan được thực hiện bằng cách phẫu tích amiđan khỏi lá cân bao quanh và được gọi là cắt amiđan ‘hoàn toàn’ hay ‘cắt ngoài bao’. Các vấn đề đau  và  chảy  máu đã làm nổi lên gần đây phương pháp cắt amiđan ‘gần hoàn toàn’ hay ‘cắt mở bao’ nhằm giảm bớt các biến chứng này.

Phương pháp được chấp nhận nói chung cho cắt amiđan ‘hoàn toàn’ sử dụng  dao mổ và phẫu tích tù hoặc đốt điện, mặc dù các dao siêu âm hay laser cũng được sử dụng. Làm ngừng chảy máu bằng đốt điện, cột chỉ, và dùng thrombin tại chỗ.

Phẫu tích và cắt amiđan bằng dao mổ

Dao mổ  là dụng cụ được các thầy thuốc Tai-Mũi-Họng ưa thích và được xem là phương pháp tiêu chuẩn trong cắt amiđan. Hiện có 18,7% số ca cắt amiđan sử dụng kỹ thuật này (Walner 2007).

So với đốt điện lưỡng cực thì cắt amiđan bằng dao mổ có các ưu điểm là ít gặp chảy máu sau mổ, ít làm tổn thương mô lành xung quanh và lành hốc amiđan nhanh hơn, tuy vậy thời gian mổ dài hơn và lượng máu mất khi bóc tách trong mổ nhiều hơn có ý nghĩa.

Phẫu tích và đặt thòng lọng

Dùng kẹp phooc-xep hay dùng kéo và một vòng thòng lọng để cắt amiđan, mặt mô để lại được cầm máu bằng dao điện. Chảy máu sau mổ tối thiểu. Phương pháp này trước đây được sử dụng nhiều nhất nhưng nay đang được thay thế rộng rãi bằng các kỹ thuật khác.

Cắt amidan bằng dao điện đơn cực

Ưu điểm của phẫu thuật là ít mất máu, thời gian phẫu thuật ngắn hơn. Tuy nhiên, do nhiệt lượng tỏa ra từ đầu cắt đơn cực là khá cao (400oC – 600oC), tổn thương do nhiệt sâu đến 2 cm nên gây ra nhiều tổn thương cho các mô xung quanh, đau sau mổ nhiều hơn. Tỷ lệ chảy máu muộn sau mổ cao nên ngày nay phương pháp này được thay thế dần bằng các phương pháp khác (Walner 2007).

Cắt amiđan bằng dao điện lưỡng cực

Ưu điểm của phẫu thuật là hạn chế được tình trạng chảy máu trong lúc mổ, thời gian phẫu thuật ngắn, nhiệt độ tỏa ra  từ  đầu  cắt đốt không cao (60oC –  100oC)  nên hạn chế được tổn thương mô xung quanh, đau sau mổ ít hơn so với cắt bằng dao điện đơn cực. Hơn nữa tỷ lệ chảy máu muộn sau cắt amiđan bằng phương pháp này thấp nên được các phẫu thuật viên Tai-Mũi- Họng sử dụng khá nhiều hiện nay.

Các phương pháp cắt amiđan

Cắt amiđan họng và các amiđan  mũi – hầu bằng sóng cao tần (Radiofrequency coblation)

Thuật ngữ ‘coblation’ có xuất xứ và được ghép từ hai chữ ‘controlled ablation’, nghĩa là sự cắt bỏ có kiểm soát, sử dụng sóng cao tần đơn cực truyền qua các điện cực cắm vào amiđan.

Nguyên lý của phương pháp là kết hợp sóng cao tần với dung dịch mặn  ion – hóa làm phá vỡ các liên kết phân tử mà không dùng nhiệt (nhiệt độ chỉ 45oC – 80oC), amiđan sẽ giảm kích thước sau vài tuần. Đây là một phương pháp nhẹ nhàng gần đây được sử dụng rộng rãi (16% theo Walner 2007).  Tiến  hành  dưới gây mê, có thể thực hiện làm nhiều kỳ. Thao tác dễ, rất ít đau sau mổ, hốc amiđan mau lành, sớm ăn trở lại bình thường (trung bình sau 2-4 ngày), người bệnh có thể đi học hay đi làm ngay.

Trong nhiều trường hợp, các trẻ mổ ngày thứ sáu tuần này thì ngày thứ hai tuần tiếp theo đã có thể đi học trở lại bình thường. Chỉ định cho những amiđan to, có thể cân nhắc sử dụng cho các viêm amiđan mạn tính hay tái phát.

Cắt amiđan bằng dao mổ siêu âm (Harmonic scalpel)

Dùng năng lượng siêu âm làm rung lắc lưỡi dao ở 55 kHz, vừa cắt vừa làm đông máu, khi mổ không cần đeo kính. Cắt chuẩn xác, nhiệt tối thiểu (chỉ 80oC) ít gây tổn thương mô xung quanh và đau sau mổ ít hơn so với đốt điện.

Tuy nhiên thời gian phẫu thuật kéo dài hơn cũng như tỷ lệ chảy máu muộn sau mổ cao hơn, và thời gian lành thương cũng kéo dài hơn nên phẫu thuật bằng dao mổ siêu âm hiện chưa được sử dụng rộng rãi (tỷ lệ thực hiện chiếm 0,9% trong tổng số các phẫu thuật  cắt amiđan được thực hiện – Haegner và cộng sự 2002, Willging và cộng sự 2003).

 Cắt amiđan bằng dùng nhiệt hàn gắn mô (Thermal tissue welding tonsillectomy) 

Kỹ thuật mới dùng đơn thuần năng lượng nhiệt để bít kín và chia cắt mô. Không lan tỏa nhiệt nên nhiệt độ xung quanh chỉ cao hơn thân nhiệt bình thường 2oC – 3oC. Đau tối thiểu sau mổ (không cần thuốc ngủ giảm đau), không phù, không gặp chảy máu thứ phát, kết quả hồi phục nhanh.

Sử dụng một kìm phooc-xep đặc biệt có điện thế thấp. Một dòng điện trực tiếp được kiểm soát dùng để làm nóng một đoạn  dây  kim loại 0,4mm được bọc trong đầu của phooc-xep. Phạm vi hoạt động chỉ  giới  hạn  trong  một  vùng  hẹp 0,4mm, đủ để hàn gắn đa số các mạch máu trong lớp vỏ amiđan, tiếp sau là một thì thứ hai có nhiệt độ cao, ngắn, để cắt và phẫu tích mô.

Kết quả là có được một diện phẫu tích sạch với thương tổn tối thiểu do nhiệt, không có chảy máu hoặc thành than như trong đốt điện hay laser. Khi có vài động mạch lớn chảy máu, phải cầm máu lại cũng với phooc-xep nói trên hoặc đốt với một dao điện lưỡng cực khác.

Cắt amiđan bằng Carbon dioxide laser

Tiến hành dưới gây tê, dùng cho người bệnh ngoại trú. Quét qua mỗi amiđan 8 – 10 lần, mất khoảng 20 phút. Hút khói ra ngoài miệng. Tổn thương do nhiệt khá nhiều nên gây đau sau mổ nhiều hơn, thời gian hồi phục lâu hơn và tỷ lệ sẹo xấu cao hơn so với các phương pháp khác. Thường phải làm nhiều kỳ nên chi phí cao. Phương pháp này không phù hợp cho trẻ nhỏ và những người bệnh  hay  lo  lắng.

Khoảng  đầu những năm 2000 trở lại đây, tại Hoa Kỳ không còn sử dụng phương pháp này nữa (Walner 2007).

Cắt amiđan bằng dụng cụ vi phẫu  tích (microdebrider)

Dụng cụ này là một máy cạo quay vòng kèm với hút liên tục thường dùng trong phẫu thuật  xoang. Gồm một canuyn hay một ống nối với một bộ phận cầm tay, sau đó gắn vào một động  cơ  đạp  chân và một máy hút. Dụng cụ này loại bỏ phần tắc nghẽn của amiđan và vẫn bảo tồn được lớp vỏ bao. Đau hậu phẫu ít hơn, lành chóng hơn, và các biến chứng muộn ít hơn. Tuy nhiên chảy máu muộn đôi khi xảy ra với mất máu lượng nhiều.

Hiện nay, tỷ lệ thực hiện phương pháp này chỉ chiếm 0,9% tổng số các ca cắt amiđan tại Mỹ (Walner 2007). Cắt một phần amiđan được sử dụng cho các amiđan to, không dùng cho những trường hợp nhiễm trùng mạn tính hay tái phát.

Biến chứng sau cắt amiđan

Cắt amiđan gây biến chứng đáng kể, đau nghiêm trọng sau mổ thường kéo dài 10 – 14 ngày và có khi lâu đến 3 tuần.

Biến chứng thường gặp nhất là xuất huyết, có thể xảy ra trong 24h sau khi phẫu thuật. Nếu phát hiện chảy máu sau cắt amidan, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để tránh gặp các biến chứng nặng hơn.

Ngoài xuất huyết còn có thể gặp các biến chứng khác như: đau họng, viêm họng sau khi cắt amidan gây sốt và đau tai. Sụt cân, bỏ ăn uống, mất nước vì đau; nhiễm khuẩn tại chỗ gây sốt; phù nề lưỡi gà và tụ máu gây tắc nghẽn đường thở sau khi phẫu thuật…

Lời khuyên dành cho bệnh nhân sau cắt amiđan

– Trong 4 giờ đầu sau khi cắt amidan, không nên vận động mạnh. Cần phải nằm nghiêng sang một bên không gối đầu để tránh làm tổn thương vết cắt, gây chảy máu.

– Ăn uống theo chỉ định của bác sĩ, tránh ăn đồ ăn lạnh và cứng để cổ họng có thời gian được phục hồi.

– Không nói chuyện to, ho, khạc nhổ từ 2 -3 ngày. Sau đó tập phát âm bằng cách nói nhẹ nhàng.

– Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vùng họng.

Xem thêm: Sỏi Amidan là gì

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top