✴️ Phẫu thuật cắt amidan bằng coblator

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Cắt amidan bằng Coblator là phương pháp dùng sóng năng lượng tần số radio cao tần để phá hủy mô amidan. Cắt amidan bằng máy Coblator II có ưu điểm lớn là vừa cắt, vừa hút, vừa tưới nước ở nhiệt độ 67oC nên không gây bỏng.

 

CHỈ ĐỊNH

Amidan có nhiều đợt viêm cấp: 5 đợt/1 năm, trong 2 năm liền.

Amidan quá to ảnh hưởng tới chức năng: thở, ăn, phát âm.

Amidan viêm mạn tiềm tàng. Đã có biến chứng tại chỗ, gần và xa.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Tạm thời

Đang viêm cấp, nhiễm khuẩn cục bộ hay toàn thân.

Đang có bệnh mạn tính, chưa ổn định.

Đang có dịch ở địa phương.

Phụ nữ đang thời gian có thai, có kinh nguyệt.

Tuyệt đối

Trong các bệnh: tim mạch, rối loạn về máu, suy giảm miễn dịch toàn thân, đái đường, Basedow, hen, lao đang tiến triển.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Phương tiện

Máy Coblator II với chức năng cắt amidan, nạo V.A, đốt cuốn mũi, chỉnh hình vòm họng và phẫu thuật điều trị ngáy...

Đầy đủ dụng cụ và các thiết bị đi kèm.

Người bệnh

Được giải thích rõ ràng về bệnh và cách thức phẫu thuật.

Bồi phụ máu, nước, điện giải...

Nhịn ăn, uống ít nhất 6 giờ trước khi phẫu thuật.

Hồ sơ bệnh án

Làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản đánh giá được chức năng tim, gan, thận, phổi, bệnh về máu của người bệnh như: công thức máu, máu chảy máu đông, chức năng gan, thận, Xquang phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim...

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ bệnh án

Kiểm tra người bệnh

Kỹ thuật

Tư thế

Người bệnh nằm ngửa, đầu cao 15-20o so với ngực.

Máy Coblator II và dụng cụ mổ đặt bên phải của người bệnh.

Máy gây mê đặt bên trái của người bệnh.

Phẫu thuật viên và trợ thủ viên đứng hoặc ngồi phía trên đầu của người bệnh.

Vô cảm

Gây mê toàn thân.

Thì 1: Đặt banh miệng tự hãm.

Thì 2: Dùng đầu dò chuyên dụng cắt amidan bằng nhiệt vừa tưới nước và hút dịch cùng với mảnh vụn, đồng thời đốt các điểm chảy máu.

Thì 3: Kiểm tra lại hốc amidan đã cắt.

 

THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC SAU PHẪU THUẬT

Người bệnh không được la hét lớn và nằm viện thêm nửa ngày để theo dõi. - Ngoài ra, trẻ cần có chế độ ăn uống đặc biệt: kiêng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Nên ăn các thức ăn: lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.

Người bệnh có thể về nhà trong ngày làm việc và học tập trở lại bình thường sau một tuần.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chảy máu là biến chứng thường gặp nhất. Dùng kẹp dài và spongel đè ép lên hố amidan đang chảy máu. Nhúng spongel vào epinephrin hoặc bột thrombin có thể đem lại hiệu quả. Nếu thất bại, người bệnh cần được đưa vào phòng mổ để thắt động mạch. Các biến chứng khác bao gồm:

Đau (ví dụ: viêm họng, đau tai).

Mất nước (thường gặp ở trẻ em do đau nên bỏ ăn).

Sụt cân (thường gặp ở trẻ em do đau nên bỏ ăn).

Sốt (ít gặp, thường do nhiễm trùng tại chỗ).

Tắc nghẽn đường thở sau phẫu thuật (do phù nề lưỡi gà, tụ máu, sặc hít).

Amidan còn sót lại sau cắt.

Chấn thương tâm lý, chứng hoảng sợ về đêm, hoặc trầm cảm.

Tùy thuộc vào từng loại biến chứng, thầy thuốc Tai Mũi Họng và gây mê sẽ có biện pháp xử trí thích hợp và hiệu quả nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top