✴️ Phẫu thuật chỉnh hình lại hốc mổ tiệt căn xương chũm

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Hốc mổ tiệt căn xương chũm hoàn chỉnh là một hốc thông thương giữa hốc xương chũm và hàm nhĩ, ống tai ngoài, đảm bảo tốt sự dẫn lưu và thông khí của hốc mổ, để đảm bảo hốc mổ luôn khô sạch, thông thoáng.

 

CHỈ ĐỊNH

Phẫu thuật chỉnh hình lại hốc mổ tiệt căn xương chũm được tiến hành trên những hốc mổ tiệt căn xương chũm chưa hoàn chỉnh có một hoặc tất cả những đặc điểm sau: 

Tường dây VII còn cao: đây sẽ là những rào cản cho sự dẫn lưu từ hốc xương chũm ra ống tai ngoài.

Hở lỗ vòi nhĩ: đây là nguyên nhân chảy dịch trong những đợt người bệnh có viêm mũi họng.

Cửa tai hẹp: sẽ làm mất sự cân bằng của tỷ lệ VA/S làm cho hốc mổ bị ứ đọng và ẩm ướt.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định tuyệt đối.

Cần nhiều cân nhắc trên những người bệnh lớn tuổi, người bệnh có nhiều bệnh nội khoa nặng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng trong khi gây tê, gây mê phẫu thuật.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa cấp I Tai Mũi Họng có kinh nghiệm về phẫu thuật tai.

Phương tiện

Kính hiển vi phẫu thuật tai.

Bộ dụng cụ phẫu thuật tai thông thường.

Bộ dụng cụ vi phẫu tai.

Ống hút tai các cỡ.

Bộ khoan vi phẫu: 

Máy khoan.

Mũi khoan: gồm mũi cắt và mũi kim cương.

Thuốc tê: Medicain 2%.

Adrenalin 1/10000: 1 ống.

Vật liệu tiêu hao: merocel tai, bông gạc, củ ấu, băng tai, kim chỉ khâu.

Người bệnh

Người bệnh được gội đầu sạch sẽ.

Cắt tóc cao về phía sau trên của vành tai cách đường chân tóc 2 cm.

Nhịn ăn, nhịn uống trước phẫu thuật.

Được giải thích rõ ràng về bệnh và cách thức phẫu thuật.

Hồ sơ bệnh án

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Các xét nghiệm cần thiết

CT scan xương đá.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ

Hồ sơ đầy đủ gồm: 

Xét nghiệm cơ bản.

Thính lực đồ.

CT Scan xương thái dương.

Kiểm tra người bệnh

Kiểm tra người bệnh đã được cắt tóc đúng quy cách hay chưa.

Nhịn ăn, nhịn uống trước khi phẫu thuật.

Tình trạng tâm thần ổn định.

Thực hiện kỹ thuật

Gây tê

Gây tê dưới da quanh tai bằng Medicain 2% (từ 5 - 10 ống).

Rạch da, tổ chức dưới da

Rạch da sau tai nếu tiến hành chỉnh hình kiểu Portman, kiểu chữ thập (+).

Rạch da trước tai nếu tiến hành chỉnh hình cửa tai theo kiểu trâu lá đa.

Rạch cốt mạc rộng bộc lộ hốc mổ cũ rộng rãi.

Đặt banh tự hãm bộc lộ toàn bộ hốc mổ.

Hoàn chỉnh hốc mổ cũ

Nếu tường dây VII còn cao, dùng khoan kim cương hạ thấp tường dây VII sao cho đáy của hốc mổ phải cao hơn ống tai ngoài.

Dùng khoan kim cương làm nhẵn toàn bộ đáy của hốc mổ.

Bít lấp lỗ vòi hoặc tạo hình hòm nhĩ nhỏ

Nếu lỗ vòi hở, không còn khả năng tái tạo hệ thống truyền âm, hoặc ở những người bệnh cao tuổi, dùng tổ chức cân cơ bít lấp lỗ vòi.

Nếu người bệnh còn trẻ, thính lực đồ và tổ chức xương con cho phép tái tạo lại hệ thống truyền âm. Dùng cân cơ thái dương hoặc màng sụn tạo hình lại hòm nhĩ nhỏ sau khi đã tái tạo lại hệ thống xương con.

Chỉnh hình lại cửa tai

Chỉnh hình 3 vạt theo kiểu Portman.

Chỉnh hình chữ thập + (của TS. Lương Hồng Châu).

Chỉnh hình kiểu trâu lá đa (của PGS. Nguyễn Tấn Phong).

Phải đảm bảo tỷ lệ VA/S hợp lý.

Đóng da

Đóng theo các lớp giải phẫu.

Băng ép.

 

THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC SAU PHẪU THUẬT

Băng ép liên tục trong 3 ngày.

Thay băng ngoài 2 ngày /lần.

Thay bấc trong tai 1 tuần sau phẫu thuật.

Theo dõi các tai biến có thể xảy ra.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Các tai biến có thể xảy ra

Liệt mặt.

Chóng mặt.

Viêm màng não + Áp xe não.

Viêm sụn vành tai.

Xử trí tai biến

Liệt mặt ngoại biên

Đây là tai biến thường gặp. Nguyên nhân có thể do dây VII bị chèn ép do nhét bấc chặt; Cũng có thể trong khi phẫu thuật, các dụng cụ gây tổ thương tới dây VII.

Nếu nghi ngờ nguyên nhân liệt mặt do chèn ép thì nên rút bấc cho người bệnh.

Nếu nghi ngờ dây VII bị tổn thương trong khi phẫu thuật, cần mở lại hốc mổ kiểm tra dây VII và xử trí tùy theo tổn thương.

Chóng mặt

Hốc mổ tiệt căn xương chũm thường là hốc mổ sau rất gần với hệ thống ống bán khuyên. Do đó, người bệnh dễ bị chóng mặt do hiện tượng kích thích tiền đình. Vì vậy, trong 24 - 48 giờ đầu sau mổ cần cho người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng thuốc chống nôn, chống chóng mặt, an thần.

Viêm màng não + Áp xe não

Trong trường hợp hở màng não, cần phải theo dõi chặt chẽ toàn trạng người bệnh sau khi phẫu thuật, dùng kháng sinh ngấm qua màng não.

Trong trường hợp áp xe não, phải phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe.

Viêm sụn vành tai

Trong thì chỉnh hình cửa tai, phẫu thuật viên phải lấy bớt sụn vành tai, do đó nếu sụn bị hở rất dễ bị viêm sụn vành tai. Để tránh biến chứng này cần khâu phủ kín sụn vành tai.

Nếu vành tai đã bị viêm tấy, cần phải nạo vét sụn chết. Băng ép.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top