ĐẠI CƯƠNG
Là phẫu thuật nội soi mở rộng ngách trán tạo nên một trạng thái giải phẫu cho phép xoang trán có thể tự dẫn lưu, nhằm phục hồi hoạt động thanh thải của hệ thống lông - nhầy, đưa hệ niêm mạc xoang trán trở lại trạng thái bình thường.
CHỈ ĐỊNH
Các bệnh xoang trán:
Viêm xoang trán đơn thuần hoặc viêm đa xoang mạn tính có viêm xoang trán đã được điều trị nội khoa tối đa và hợp lý nhưng không có kết quả.
Viêm xoang trán do nấm.
U nhày xoang trán, u xương xoang trán, polyp xoang trán.
Chấn thương xoang trán do áp lực.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Các bác sỹ chuyên khoa Tai Mũi Họng từ thạc sỹ, chuyên khoa II trở lên được đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật nội soi mũi xoang.
Phương tiện
Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi mũi xoang.
Thuốc tê, thuốc co mạch
Người bệnh
Được khám trước mổ như thông thường.
Được khám nội soi tai, mũi, họng.
Được chụp phim cắt lớp vi tính mũi xoang 3 tư thế đứng ngang, ngang và đứng dọc (coronal, axial và sagital - nếu điều kiện cho phép).
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Vô cảm
Phẫu thuật có thể thực hiện dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân.
Kỹ thuật
Đặt bấc mũi tẩm thuốc co mạch, như: naphazolin, oxymetazolin,..
Tiêm tê dưới niêm mạc tại 3 điểm: chân bám cuốn giữa, niêm mạc vùng mỏm móc, vị trí động mạch bướm khẩu cái.
Phẫu thuật mở xoang trán loại I: vùng ngách trán còn được giữ nguyên, phẫu thuật được thực hiện khi người bệnh có mỏm móc bám vào sàn sọ hoặc cuốn mũi giữa làm hẹp ngách trán. Trong trường hợp này, cắt mỏm móc từ sau ra trước bằng kìm cắt ngược hoặc từ trước ra sau bằng dao lá lúa. Khi phần trên của mỏm móc được lấy đi, ngách trán sẽ được mở thông nếu không có các cấu trúc lân cận làm tắc nghẽn như tế bào đê mũi, tế bào bóng trán, tế bào sàng trên ổ mắt.
Phẫu thuật mở xoang trán loại II: mở rộng ngách trán bằng phẫu tích lấy các vách xương của các tế bào đê mũi, tế bào bóng trán, tế bào sàng trên ổ mắt làm hẹp ngách trán.
Phẫu thuật mở xoang trán loại III: phẫu thuật mở thật rộng ngách trán bao gồm lấy đi gai mũi trán hay mỏm trán.
Đặt merocel hốc mổ.
CHĂM SÓC SAU MỔ
Rút merocel sau mổ 24 giờ hay 48 giờ.
Hút máu đọng, lấy vẩy hoặc giả mạc, làm thuốc mũi xoang hàng ngày.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Tai biến nặng
Chảy máu
Thường do tổn thương các tĩnh mạch hoặc động mạch sàng, đặc biệt động mạch sàng trước.
Xử trí nhét bấc, đông điện.
Rò dịch não tủy
Xử trí bít lấp đường dò.
Tai biến ổ mắt
Tụ máu trong ổ mắt: rút bấc sớm, phối hợp điều trị nội khoa.
Song thị: rút bấc sớm, điều trị nội khoa chống phù nề, phối hợp với chuyên khoa mắt.
Tai biến nhẹ
Tổn thương ống lệ tỵ hoặc túi lệ.
Đau nhức sọ mặt.
Tai biến hiếm gặp
Tụ máu trong não.
Tràn khí não.
Tổn thương não thùy trán.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh