Amidan là tổ chức lympho nằm tại ngã ba hầu họng, đóng vai trò như "hàng rào miễn dịch" đầu tiên của cơ thể nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của vi sinh vật qua đường hô hấp. Tuy nhiên, khi sức đề kháng suy giảm, amidan dễ bị vi khuẩn, virus tấn công gây viêm và sưng to.
Nguyên nhân trực tiếp: Do vi khuẩn (Streptococcus, Haemophilus influenzae...) hoặc virus (Adenovirus, Epstein-Barr, Enterovirus...).
Nguyên nhân gián tiếp: Thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể không giữ ấm, suy nhược kéo dài, tiếp xúc môi trường ô nhiễm, lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
Đau rát họng, cảm giác vướng họng hoặc có dị vật.
Hơi thở có mùi, nói và nuốt khó khăn.
Sốt cao (thường 39–40°C), kèm đau đầu, mệt mỏi.
Chán ăn, sụt cân.
Khò khè, ngủ ngáy, đôi khi khó thở do amidan sưng lớn gây hẹp đường thở.
Lưu ý: Viêm amidan kéo dài có thể gây biến chứng như: áp xe quanh amidan, viêm khớp cấp, rối loạn nhịp thở khi ngủ (OSA), viêm cầu thận cấp...
Muối có tính kháng khuẩn nên sẽ làm sạch vùng khoang miệng, hầu họng, ngăn cho vi khuẩn phát triển
Viêm amidan ở giai đoạn nhẹ có thể cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc đơn giản. Dưới đây là 4 phương pháp được khuyến nghị:
Có tác dụng sát khuẩn, giảm viêm, loại bỏ dịch nhầy và vi khuẩn trong hốc amidan.
Pha loãng 9g muối với 1 lít nước đun sôi để nguội. Súc họng 2 lần/ngày, sáng và tối.
Uống 2 – 2,5 lít nước/ngày giúp làm dịu niêm mạc họng, hỗ trợ đào thải độc tố, tăng cường trao đổi chất.
Tránh đồ uống lạnh, có gas hoặc chứa caffeine.
Tránh thực phẩm cay nóng, chiên rán, thức ăn cứng gây tổn thương niêm mạc họng.
Hạn chế tiếp xúc khói bụi, phấn hoa, hóa chất, và không sử dụng chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá).
Không ở trong môi trường máy lạnh quá lâu với nhiệt độ thấp.
Thuốc lá, rượu, bia là tác nhân khiến amidan sưng nặng hơn
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin giúp hỗ trợ miễn dịch:
Vitamin A: rau ngót, cà rốt, gan gà.
Vitamin C: cam, chanh, bưởi, rau cải xoăn.
Vitamin E: rau xanh đậm, dầu thực vật.
Vitamin D: lòng đỏ trứng, cá hồi, sữa tăng cường vi chất.
Người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa Tai – Mũi – Họng khi có các biểu hiện sau:
Viêm amidan kéo dài trên 7 ngày không cải thiện.
Sốt cao liên tục, đau họng dữ dội, khó nuốt.
Khó thở, ngủ ngáy nhiều, mệt mỏi kéo dài.
Xuất hiện dấu hiệu biến chứng: sưng to một bên cổ họng, nói khó, chảy nước dãi, đau tai lan tỏa.
Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám, nội soi họng và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp (nội khoa hoặc ngoại khoa). Phẫu thuật cắt amidan có thể được cân nhắc nếu bệnh tái phát nhiều lần/nặng, ảnh hưởng đến hô hấp hoặc chất lượng cuộc sống.
Việc nên làm | Việc nên tránh |
---|---|
✅ Súc miệng nước muối ấm hàng ngày | ❌ Thức ăn cay nóng, chiên rán |
✅ Uống nhiều nước ấm | ❌ Đồ uống lạnh, có cồn, thuốc lá |
✅ Ăn thực phẩm giàu vitamin | ❌ Môi trường ô nhiễm, khói bụi |
✅ Nghỉ ngơi đầy đủ, giữ ấm cơ thể | ❌ Lạm dụng thuốc kháng sinh không kê đơn |
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh