Ù tai (tinnitus) là tình trạng bệnh nhân cảm nhận được âm thanh bất thường bên trong tai hoặc trong đầu, không liên quan đến nguồn âm thanh thực tế bên ngoài. Các âm thanh này có thể biểu hiện dưới nhiều dạng như tiếng ầm ù, tiếng rít, tiếng sóng, tiếng lách cách, và đôi khi có nhịp điệu trùng khớp với nhịp tim (ù tai nhịp mạch).
Ù tai có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai, biểu hiện liên tục hoặc từng lúc, và thường trở nên rõ rệt hơn vào ban đêm khi môi trường xung quanh yên tĩnh. Đây không phải là bệnh lý riêng biệt mà là triệu chứng của nhiều rối loạn khác nhau trong hệ thống thính giác hoặc toàn thân.
Ù tai là hiện tượng có âm thanh kỳ lạ phát ra từ bên trong tai.
Nhiều yếu tố có thể dẫn đến tình trạng ù tai, bao gồm:
Tiếp xúc với tiếng ồn lớn kéo dài: Là nguyên nhân phổ biến nhất, gây tổn thương không hồi phục cho các tế bào lông thính giác tại ốc tai.
Những đối tượng có nguy cơ cao gồm thợ mộc, phi công, nhạc sĩ, công nhân vận hành máy móc công nghiệp...
Tắc nghẽn ống tai ngoài: Do tích tụ ráy tai, viêm tai hoặc u lành tính của dây thần kinh thính giác.
Suy giảm thính lực do tuổi tác (presbycusis): Liên quan đến thoái hóa ốc tai theo thời gian.
Bệnh Meniere: Tổn thương cấu trúc tai trong, gây rối loạn thăng bằng và thính giác.
Xốp xơ tai (otosclerosis): Sự phát triển bất thường của xương trong tai giữa gây nghe kém dẫn tới ù tai.
Rối loạn mạch máu: Tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thiếu máu, bệnh tim mạch ảnh hưởng đến tuần hoàn máu tới tai trong.
Bệnh lý nội tiết – chuyển hóa: Bệnh tiểu đường, suy giáp.
Rối loạn chức năng khớp thái dương hàm: Ảnh hưởng đến thần kinh và mạch máu quanh tai.
Khoảng 200 loại thuốc (kê đơn và không kê đơn) có thể gây ù tai, bao gồm: aspirin liều cao, kháng sinh nhóm aminoglycoside, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần.
Rượu, caffeine và nicotine làm nặng thêm tình trạng ù tai.
Chấn thương đầu hoặc cổ: Tổn thương thần kinh hoặc cấu trúc tai.
Stress và mệt mỏi: Có thể làm gia tăng mức độ nhận thức và khó chịu do ù tai.
Quy trình chẩn đoán bao gồm:
Khám tai mũi họng: Đánh giá tình trạng ống tai, màng nhĩ và cấu trúc tai trong.
Khai thác bệnh sử chi tiết: Bao gồm tiền sử bệnh lý, chấn thương, tiếp xúc tiếng ồn và sử dụng thuốc.
Đo thính lực (audiometry): Xác định mức độ nghe và phân loại kiểu suy giảm thính lực.
Chẩn đoán hình ảnh: MRI hoặc CT scan nếu nghi ngờ có tổn thương thần kinh, u hoặc bất thường cấu trúc.
Một số bệnh lý như xốp xơ tai, bệnh Meniere, cao huyết áp, bệnh tim mạch, các vấm đề về tuần hoàn,… có thể là nguyên nhân gây ù tai.
Điều trị ù tai tập trung vào nguyên nhân nền tảng nếu có thể xác định được, đồng thời hỗ trợ cải thiện triệu chứng.
Để xác định nguyên nhân gây ra chứng ù tai, trước hết bác sĩ sẽ tiến hành khám tai người bệnh.
Ráy tai tích tụ: Lấy ráy tai bằng kỹ thuật chuyên môn.
Viêm tai: Sử dụng thuốc nhỏ tai chứa corticosteroid hoặc kháng sinh.
Khối u hoặc xốp xơ tai: Phẫu thuật can thiệp.
Rối loạn khớp thái dương hàm:
Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.
Đeo máng nhai ban đêm để giảm nghiến răng.
Áp dụng kỹ thuật thư giãn cơ và vật lý trị liệu.
Phẫu thuật khớp thái dương hàm trong trường hợp nặng.
Bảo vệ thính lực: Tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn, sử dụng nút tai khi cần thiết.
Trị liệu âm thanh: Sử dụng máy phát âm thanh trắng để giảm sự tập trung vào tiếng ù tai.
Tư vấn tâm lý: Giảm lo âu, cải thiện thích ứng với tình trạng ù tai.
Kỹ thuật thư giãn: Thiền, yoga, luyện thở giúp giảm stress.
Nếu ù tai là do kết quả của việc tiếp xúc với tiếng ồn lớn, người bệnh có thể điều trị bằng cách tránh tiếp xúc với tiếng ồn hoặc sử dụng dụng cụ che chắn tai.
Trong một số trường hợp, chứng ù tai có thể tự cải thiện theo thời gian mà không cần can thiệp đặc hiệu.