Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây viêm amidan cấp là do nhiễm trùng: thường là liên cầu, tụ cầu…đặc biệt là loại liên cầu tan huyết beta nhóm A rất nguy hiểm, các nhiễm trùng đường hô hấp trên như cúm, sởi…
Một vài yếu tố thuận lợi làm cho tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn như lạnh, cơ thể suy nhược, các vi khuẩn và virus có sẵn trong họng. Các kích thích như thuốc lá, rượu, bia, bụi, hóa chất…
Khi bị viêm amidan cấp tính, người bệnh sẽ có những biểu hiện như:
Khi đi kiểm tra và khám amidan thấy: miệng khô, lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ, amidan sưng to và đỏ.
Thể viêm amidan ban đỏ thường do vi-rút gây nên: Một số tổ chức lympho ở thành sau họng to và đỏ
Thể viêm amidan mủ do vi khuẩn gây nên (liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn): Hai amidan sưng đỏ và có những chấm mủ trắng ở miệng các hốc, dần biến thành một lớp mủ phủ trên bề mặt amidan, không lan đến các trụ, không dính chắc vào amidan, dễ chùi sạch không chảy máu để lộ niêm mạc amidan đỏ và nguyên vẹn.
Đợt viêm amidan cấp thường phát hiện không khó, bác sĩ có thể căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng:
– Người mệt mỏi, kém ăn, có cảm giác ớn lạnh.
– Sốt: ở trẻ em và thể nặng thường sốt cao 39 đến 40 độ C.
– Đau họng: cảm giác khô, nóng, rát họng, sau đó đau nhói tại chỗ hay đau lan lên tai, đau tăng khi nuốt.
– Ho: thường có ho do xuất tiết nhầy ở họng, có khi ho từng cơn do kích thích.
– Giọng nói có thể thay đổi: khàn tiếng.
– Ở trẻ em thường thở khò khè, ngày to, hơi thở hôi
Khi khám họng thấy 2 amidan to ra, đỏ, ướt, có thể thấy mạch máu nổi rõ hoặc có các chấm mủ trắng ở các khe, có khi thành đám như giả mạc nhưng lấy ra dễ dàng, tan trong nước.
Thường đợt viêm cấp sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Bệnh sẽ diễn biến khoảng 1 tuần, sau 3 – 4 ngày thì bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng cơ năng giảm dần. Nhưng bệnh hay tái phát và có thể gây nên các biến chứng như:
– Tại chỗ: gây áp xe quanh amidan hay áp xe thành bên họng.
– Kế cận: thường gây viêm mũi họng, viêm tai giữa cấp, viêm thanh quản cấp, ở trẻ em hay gặp viêm khí – phế quản.
– Xa: có thể gây viêm cầu thận ở trẻ em, thấp khớp cấp. Với loại liên cầu tan huyết beta nhóm A thì dễ gây nên thấp tim.
Chính vì thế khi bệnh viêm amidan cấp tiến triển kéo dài hoặc có thể gây biến chứng thì cần điều trị triệt để bằng cách sử dụng kháng sinh toàn thân khi có mủ kết hợp với thuốc hạ sốt, giảm đau có xúc họng.
Bên cạnh đó, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà, cách ly với trẻ em khác để tránh lây nhiễm. Trường hợp bệnh nhân viêm amidan mạn tính nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được lời khuyên chính xác xem có cần cắt amidan không.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh