Bệnh viêm tai giữa là bệnh lý tai – mũi – họng dễ xảy ra ở nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vậy viêm tai giữa có dễ lây không, hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Viêm tai giữa là bệnh mà toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm – nằm phía sau màng nhĩ – bị viêm, tạo ra dịch nhầy, có thể gây nhiễm trùng hoặc vô trùng. Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn.
Theo nghiên cứu, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa cao hơn so với người lớn. Tình trạng viêm tai giữa xảy ra là do một số loại vi khuẩn hoặc virus có sẵn trong màng tai gây nên, hoặc do các bệnh như dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm làm tắc nghẽn, sưng đường họng.
Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng các vi khuẩn có trong tai nhiễm trùng không có khả năng lây lan. Tuy nhiên, virus gây nên bệnh cảm cúm dẫn đến nhiễm trùng tai lại có khả năng lây lan cao. Nếu viêm tai giữa xuất hiện sau 1 tuần mà trẻ nhà mắc bệnh cảm thì đó không phải là nguồn gốc lây lan.
Nhìn chung, viêm tai có thể điều trị kịp thời thì không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Trong trường hợp để lâu mà không có sự can thiệp chữa trị, bệnh sẽ phát triển thành biến chứng nguy hiểm như:
Thủng màng nhĩ
Viêm tai giữa có thể gây ra biến chứng thủng màng nhĩ là do 2 nguyên nhân chủ yếu sau:
– Diễn biến tiến triển của bệnh: mủ nhiều ứ đọng trong tai khiến màng nhĩ căng phồng, gây đau tai, sốt cao. Khi màng nhĩ căng tới mức độ nhất định sẽ dẫn đến thủng, giải thoát mủ ra ngoài.
– Do trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải trích rạch màng nhĩ, hút mủ.
Viêm tai giữa mạn tính
Nguyên nhân là do bệnh nhân mắc viêm tai giữa cấp không kịp thời chữa trị dẫn đến trường hợp mạn tính. Bệnh có thể gây ra mủ nhiều, ù tai, đau nhói tai, thậm chí làm tổn thương xương.
Hoại tử các thành phần trong tai giữa
Biến chứng này có thể khiến người bệnh bị điếc hoàn toàn, mất khả năng cân bằng cơ thể, tê liệt dây thần kinh VII làm liệt mặt.
Viêm xương chũm
Biến chứng gây rò rỉ mủ, xuất não, áp xe não, thậm chí gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề như liệt, chậm phát triển trí tuệ…
Thực tế, các biến chứng trên không có khả năng lây truyền nhưng các bậc phụ huynh nên lưu ý mức độ nguy hiểm của chúng để lại.
Nhìn chung, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm tai giữa.
Điều trị nội khoa: Đây là phương pháp chuyên dùng để điều trị bệnh viêm tai giữa cấp tính
– Dùng thuốc: Đầu tiên bác sĩ sẽ khám chuyên khoa để chẩn đoán bệnh lý. Khi đã xác định bệnh nhân mắc viêm tai giữa, bác sĩ sẽ xem xét mức độ nặng nhẹ của bệnh và tiến hành chỉ định bệnh nhân dùng loại thuốc: thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm… Đây là những loại thuốc giúp cải thiện tình trạng đau tai, loại bỏ vi khuẩn và giảm viêm nhiễm. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân còn phải kết hợp với thuốc nhỏ tai để rửa sạch tai, sát khuẩn.
– Đặt ống thông nhĩ: Ống thông nhĩ là loại ống nhỏ bằng nhựa hoặc silicon, giúp giảm tình trạng mủ trong tai chảy ra ngoài, cải thiện tắc dịch, loại bỏ vi khuẩn.
Điều trị bằng thuốc Đông y
Đây là phương pháp sử dụng lá thuốc, dược liệu tự nhiên đã được chế biến để điều trị tại chỗ hoặc đường uống. Hiệu quả của thuốc còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người và sự tuân thủ của người bệnh. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự chữa trị bằng các mẹo dân gian ở nhà, mà nên theo công thức và thời gian theo sự chỉ định của bác sĩ Đông y.
Điều trị ngoại khoa
Khi bệnh viêm tai giữa trở nên quá nặng mà điều trị nội khoa không thể trị dứt điểm, phẫu thuật là phương pháp cuối cùng để giảm thiểu tình trạng bệnh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi tình hình sức khỏe và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để bệnh tình hồi phục nhanh.
Bạn cũng nên trang bị cho mình những kiến thức phòng tránh bệnh viêm tai giữa trước những cảnh báo nguy hiểm của bệnh. Cụ thể:
– Đối với trẻ nhỏ, nhất là trong thời kỳ bú sữa mẹ, hãy luôn để trẻ bú sữa mẹ bởi sữa mẹ giúp tăng hệ miễn dịch và sức đề kháng, giảm mắc các bệnh về đường hô hấp.
– Luôn giữ ấm cơ thể, giữ ấm tai khi trời trở lạnh.
– Đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch giúp chống lại vi khuẩn.
– Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi…
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thông tin chi tiết cho quý vị về bệnh viêm tai giữa và giải đáp thắc mắc về sự lây nhiễm của bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh