Viêm tai giữa là bệnh không chỉ phổ biến ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở cả người lớn. Bệnh viêm tai giữa ở người lớn biểu hiện như thế nào, nguyên nhân gây bệnh do đâu và điều trị ra sao? Thông tin bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên cho bạn đọc.
Hiểu như thế nào về bệnh viêm tai giữa?
Viêm tai giữa là một nhóm các bệnh ở tai giữa, là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do sự sinh sôi và phát triển của các loại vi khuẩn trong tai hoặc bên ngoài môi trường xâm nhập vào gây bệnh. Viêm tai giữa được chia thành hai loại chính là viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa mạn tính.
Viêm tai giữa cấp tính là bệnh nhiễm trùng khởi phát đột ngột thường với triệu chứng đau tai. Bệnh thường khởi phát nhanh chóng trong thời gian ngắn. Trong khi đó, viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm nhiễm kéo dài ở tai giữa khiến dịch trong tai tiết liên tục và có thể xuất hiện thêm tình trạng thủng màng nhĩ.
So với đối tượng trẻ em, nguyên nhân, biểu hiện viêm tai giữa ở người lớn có sự khác biệt.
Nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa ở người lớn
Bệnh viêm tai giữa nói chung có nhiều nguyên nhân. Một số yếu tố gây bệnh thường gặp bao gồm:
-
Viêm nhiễm vùng mũi họng, có thể do viêm amidan
-
Tắc vòi tai: sùi, u ở vòm họng, viêm mũi xoang mủ…
-
Nhiễm khuẩn lây qua đường hô hấp như cúm, sởi
-
Bệnh lý trào ngược, không khí ô nhiễm, thời tiết chuyển lạnh, vệ sinh tai không đúng cách… cũng là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi khiến bệnh tiến triển
Biểu hiện bệnh viêm tai giữa ở người lớn
-
Đau tai: là một trong những biểu hiện bệnh viêm tai giữa ở người lớn thường gặp nhất. Đau có thể không theo quy luật, thường xuất hiện vào nhiều thời điểm trong ngày, có khi có cảm giác đau nhói, giật bên tai bị viêm gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt người bệnh. Nếu không điều trị tích cực để bệnh tiến triển nặng hơn có thể sẽ khiến đau lan đến tai, sờ tai có cảm giác nóng, sưng
-
Ù tai: thường đi kèm với những con đau tai. Ù tài thường xuất hiện sau khi người bệnhhắt hơi, sổ mũi…
-
Nghe kém: người bệnh ù tai, nghe như có tiếng rít trong tai, vùng tai giữa chảy dịch có mủ đều khiến người bệnh bị nghe kém đi do đường truyền bị cản trở
-
Tai có mủ chảy dịch: dịch mủ thường có màu vàng, mùi khó chịu đặc biệt là trường hợp bị viêm tai xương chủm.
Điều trị bệnh viêm tai giữa như thế nào?
Viêm tai giữa rất nguy hiểm nếu không được điều trị tích cực bởi bệnh có thể gây nhiều biến chứng phức tạp, thậm chí đe dọa cả tính mạng người bệnh. Vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu bệnh bất thường, bạn không nên chủ quan mà hãy đến trực tiếp bệnh viện có chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm tai giữa người lớn điều trị như thế nào? Điều trị bệnh viêm tai giữa ở người lớn có nhiều phương pháp khác nhau, trong đó phương pháp điều trị nội khoa là khá phổ biến. Điều trị thuốc có thể bao gồm kháng sinh, thuốc nhỏ tai, thông vòi, bơm thuốc vòi nhĩ… Thuốc điều trị phải có sự chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng tự ý dùng thuốc khiến bệnh không khỏi mà còn có diễn biến phức tạp hơn. Lựa chọn kháng sinh dựa trên kết quả kháng sinh đồ cấy mủ tai. Thời gian điều trị tối thiểu thường là 8 ngày.
Bên cạnh điều trị nội khoa, điều trị viêm tai giữa ngoại khoa cũng được chỉ định một cách khá rộng rãi và được đánh giá là có hiệu quả tốt. Điều trị ngoại khoa có thể bao gồm chích rạch màng nhĩ – đặt ống thông nhĩ Diabolo, nạo viêm amidan (trường hợp viêm tai giữa có kèm theo viêm đường hô hấp trên do viêm amidan phì đại…), phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh